Phương pháp phân tích thông tin được sử dụng để phân tích đánh giá thực trạng chất lượng nguồn nhân lực tại trường, đánh giá mức độ đạt được hiệu quả trong quá trình tổ chức công tác chất lượng nguồn nhân lực của Nhà trường. Có rất nhiều phương pháp phân tích nhưng trong luận văn tác giả sử dụng các phương pháp:
+ Phương pháp thống kê mô tả: từ các số liệu thu thập được, xây dựng hệ thống bảng biểu để phân tích, mô tả sự biến động và xu hướng phát triển của hiện tượng kinh tế xã hội, từ đó rút ra những kết luận cần thiết phục vụ cho công tác nghiên cứu và ứng dụng. Ở phương pháp này tác giả tập trung vào khai thác, đánh giá, phân tích số liệu về tình hình đội ngũ nhân sự tại trường và chất lượng của
nguồn nhân lực. Qua đó, sẽ đưa ra được các giải pháp phù hợp với yêu cầu thực tế tại đơn vị.
+ Phương pháp so sánh: Phương pháp so sánh là phương pháp chủ yếu dùng trong phân tích hoạt động kinh tế, phương pháp so sánh đòi hỏi các chỉ tiêu phải đồng nhất cả về thời gian và không gian. Tùy theo mục đích phân tích mà xác định gốc so sánh. Gốc so sánh được chọn là gốc về thời gian hoặc không gian, kỳ phân tích được lựa chọn là kỳ báo cáo hoặc kỳ kế hoạch, giá trị so sánh có thể sử dụng số tuyệt đối hoặc tương đối hoặc số bình quân. Đối với trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông thì sự so sánh này được thể hiện giữa trình độ của cán bộ viên chức đạt được theo từng năm cụ thể, có được như mục tiêu của nhà trường không. Về mặt số lượng so sánh theo từng năm tăng lên hay giảm xuống, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nhà trường như thế nào.
+ Phương pháp phân tích SWOT: Sử dụng mô hình phân tích SWOT để phân tích đánh giá thực trạng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phân tích điểm mạnh, điểm yếu, những cơ hội và thách thức từ đó đưa ra được những giải pháp nhằm hoàn thiện công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nhà trường trong thời gian tới.