hiện, hành vi tham nhũng trong đội ngũ công chức nhà nước
Công chức nhà nước là những người thực thi công vụ, gắn với từng vị trí việc làm cụ thể, trực tiếp giải quyết các vướng mắc, nhu cầu và quyền lợi của nhân dân, do đó dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao đạo đức công vụ cho công chức là việc làm hết sức quan trọng và cấp bách. Quá trình đó cần tuyên truyền, giáo dục giúp mỗi công chức thấy rõ tác hại của hành vi tiêu cực, tham nhũng; những biểu hiện của các hành vi tiêu cực, tham nhũng; sự cần thiết phải đấu tranh chống các biểu hiện trên; thấy rõ nội dung và giải pháp đấu tranh chống lại các biểu hiện trên.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, công chức trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Các cấp uỷ, tổ chức đảng và người đứng đầu lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động đấu tranh phòng, chống tham nhũng khoa học, sát thực tiễn; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội; xử lý nghiêm minh các hành vi tiêu cực, tham nhũng cả về mặt Đảng, chính quyền, xét đủ yếu tố cấu thành tội hình sự chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không bao che, nể nang, né tránh.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước cần tiếp tục hoàn chỉnh, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản về phòng, chống tham nhũng. Sửa đổi, hoàn thiện thể chế trong quản lý kinh tế - xã hội nhằm ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới công tác phòng, chống tham nhũng như: Bộ luật hình sự; Bộ luật tố tụng hình sự; Luật dân sự; Luật đầu tư công; Luật doanh nghiệp; Luật phòng, chống tham nhũng, v.v.. Các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến các địa phương ban hành nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, tham nhũng như: Kê khai tài sản của đội ngũ công chức, nhất là công chức lãnh đạo, quản lý; cải cách hành chính, thực hiện cơ chế một cửa; xây dựng hệ tiêu chí đánh giá công chức.
Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí trong đội ngũ công chức nhà nước, đặc biệt là những người có chức, có quyền, giữ các vị trí trọng yếu trong cơ quan nhà nước. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử với các hành vi tiêu cực, tham nhũng của đội ngũ công chức, nhất là trong một số lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao như: Quản lý sử dụng tài nguyên, khoáng sản, đất đai; xây dựng cơ bản; giao thông; cấp phép dự án đầu tư; đấu thầu dự án; thuế, hải quan, tài chính, ngân hàng; công tác bố trí, bổ nhiệm cán bộ; việc thực thi pháp luật của các cơ quan hành pháp, tư pháp, v.v.. Tích cực, chủ động, khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản tham nhũng.
Không ngừng củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của một số cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng quy chế làm việc, xác định chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tăng chế tài và thẩm quyền xử lý cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp. Phát huy vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, của thanh tra Chính phủ và thanh tra các cấp.
Lựa chọn, bố trí, sử dụng những cán bộ, công chức làm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng có năng lực, trong sạch, liêm khiết, có dũng khí, bản lĩnh, dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ các điều tra viên, kiểm sát viên, thanh tra viên và các thẩm phán những người trực tiếp làm công tác thụ lý các vụ án tham nhũng có liên quan tới đội ngũ công chức nhà nước. Có cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý, thỏa đáng.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội khác trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng qua việc thảo luận, đóng góp ý kiến vào Báo cáo hàng năm của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong các kỳ họp của Quốc hội và phiên họp của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội khác tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Giám sát các hoạt động về phòng, chống tham nhũng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Tham gia kiến nghị giải quyết các khiếu nại, tố cáo của người dân với các cơ quan có thẩm quyền. Tiến hành tuyên truyền, vận động mọi công dân phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng, lãng phí. Có hình thức khen thưởng, biểu dương kịp thời những gương điển hình trong tham gia đấu tranh, tố cáo các hành vi tiêu cực, tham nhũng của đội ngũ công chức nhà nước các cấp. Đồng thời, lên án, phản đối các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng.
Tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam cần chủ động, tích cực hợp tác với các quốc gia trên thế giới nhằm trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trên. Chủ động tham gia các tổ chức quốc tế về phòng chống tham nhũng, truy tố, dẫn độ tội phạm.