Kiểm soát quyền lực là một giải pháp hết sức quan trọng nhằm bảo đảm tránh lộng quyền trong quá trình sử dụng quyền lực. Theo nguyên lý, quyền lực mà càng nhiều thì cá nhân, cơ quan, tổ chức càng dễ nảy sinh lộng quyền. Đội ngũ công chức nhà nước dù làm ở bất cứ cơ quan, tổ chức và đơn vị nào đều ít nhiều có quyền lực, họ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao quyền. Trong quá trình đó, nếu quyền lực được đội ngũ công chức nhà nước sử dụng hợp lý, vì việc chung, việc nước, việc dân thì quyền lực đó có tác dụng tích cực. Ngược lại, nếu quyền lực đó bị sử dụng sai mục đích nhằm trục lợi cá nhân thì ảnh hưởng của nó là cực kỳ nghiêm trọng. Do đó, cùng với việc trao truyền, kiểm soát quyền lực trong hoạt động công vụ với đội ngũ công chức nhà nước là giải pháp cấp bách.
Mục đích của kiểm soát quyền lực là bảo đảm quyền lực được sử dụng đúng mục đích, không bị lạm quyền và sử dụng quyền lực vào mục đích cá nhân, bảo đảm quyền lực đó phục vụ cho nhân dân và vì lợi ích của nhân dân, của đất nước và cách mạng. Quyền lực bị lạm dụng, bộ máy cầm quyền và đội ngũ cán bộ công chức sẽ bị tha hóa, biến chất, là nguyên nhân dẫn đến sự sói mòn, xuống cấp của đạo đức xã hội.
Trong những năm vừa qua, trên bình diện cả nước, thực trạng trao và kiểm soát quyền lực trong hoạt động công vụ của đội ngũ công chức nhà nước bên cạnh những mặt làm được, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, tồn tại cần tập trung giải quyết. Nhiều công chức, nhất là những công chức lãnh đạo, quản lý, có chức, có quyền có biểu hiện lộng quyền, lạm quyền nhằm trục lợi cá nhân cho bản thân, gia đình, người thân và những người cùng cánh hẩu. Qua đó, làm méo mó nền công vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ, cũng như mất niềm tin trong nhân dân.
Trong thời gian tới để kiểm soát quyền lực cần thực hiện tốt các nội dung sau: Một là, minh bạch thông tin cho nhân dân và báo chí giám sát. Đây là một giải pháp hết sức quan trọng. Có thể nói không có phương pháp kiểm soát quyền lực nào hữu hiệu bằng minh bạch thông tin cho nhân dân và báo chí cùng giám sát. Minh bạch thông tin có tầm quan trọng đặc biệt, qua đây giúp nhân dân biết được mọi hoạt động của công chức nhà nước, biết được những gì đang diễn trong mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, từ đó giám sát và phản biện các hoạt động đó. Một khi thông tin không được minh bạch, mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ bị giấu kín, qua đó dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong đội ngũ cán bộ, công chức.
Để minh bạch thông tin nhằm kiểm soát quyền lực cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau. Mỗi bộ ngành, địa phương theo định kỳ hàng tháng, hàng quý và hàng năm tiến hành tổ chức họp báo công khai thông tin và trả lời các câu hỏi của báo chí về các hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Chủ động phối hợp, sẵn sàng hợp tác trao đổi, cung cấp thông tin với báo chí về
những vấn đề mà dư luận đang quan tâm về hoạt động công vụ diễn ra tại đơn vị, địa phương mình. Bố trí hòm thư công cộng để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến tại các cơ quan trong hệ thống chính trị từ Trung ương tới các địa phương trong cả nước. Lãnh đạo chủ chốt các cơ quan, tổ chức, địa phương theo định kỳ tổ chức tiếp xúc nhân dân nhằm kịp thời nắm bắt và giải quyết tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân.
Hai là, kiểm soát quyền lực thông qua kỷ luật Đảng. Hiện nay, gần như mọi công chức nhà nước, nhất là công chức có chức, có quyền đều là đảng viên. Do đó, để kiểm soát quyền lực cần giữ nghiêm kỷ luật Đảng. Giữ nghiêm kỷ luật Đảng góp phần giám sát, quản lý, răn đe mọi công chức là đảng viên. Qua đó, bảo đảm mọi quyền lực mà công chức đang sử dụng đúng mục đích, không bị lạm quyền.
Thực hiện kỷ luật Đảng nhằm kiểm soát quyền lực phải được tiến hành một cách nghiêm minh. Kỷ luật phải được tiến hành đúng người, đúng tội. Phải đa dạng các hình thức kỷ luật như: phê bình, khiển trách, cảnh cáo, cách chức vụ trong Đảng, khai trừ Đảng. Giải quyết hài hòa, đúng luật định mối quan hệ giữa kỷ luật Đảng với pháp luật của Nhà nước và kỷ luật công chức bên chính quyền, trong đó phát huy vai trò của cấp ủy Đảng trong xử lý đảng viên vi phạm. Xây dựng khung hình thức kỷ luật bên chính quyền và pháp luật tương ứng với kỷ luật Đảng, tránh mâu thuẫn, chồng chéo, không tương xứng nhau.
Ba là, kiểm soát quyền lực bằng Hiến pháp và pháp luật. Quản lý và giám sát quyền lực bằng Hiến pháp và pháp luật là công cụ hữu hiệu nhằm ngăn chặn, răn đe các biểu hiện và hành vi lạm quyền trong thực thi công vụ của đội ngũ công chức. Sự lạm quyền gắn với những cá nhân có quyền và sử dụng quyền lực, việc kiểm soát quyền lực là cuộc đấu tranh gay go quyết liệt vì nó đụng chạm tới những người có chức, có quyền, có nhiều mối quan hệ xã hội. Do đó, ngoài các công cụ kiểm soát khác, việc sử dụng công cụ pháp luật nhằm trừng trị những hành vi lạm quyền là giải pháp quan trọng, không thể không sử dụng trong quản lý xã hội.
Kiểm soát quyền lực bằng Hiến pháp và pháp luật cần đưa nội dung kiểm soát quyền lực vào trong Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, xây dựng luật công chức nhằm quản lý chặt chẽ đội ngũ công chức nhà nước bằng luật định. Tuyên truyền, giáo dục sâu rộng luật công chức trong các cơ quan nhàn nước. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện Luật phòng, chống tham nhũng theo hướng cụ thể, sát thực và nghiêm khắc hơn.
Bốn là, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ việc kê khai tài sản, tránh hình thức, qua loa. Kê khai tài sản và minh bạch thu nhập cũng là nội dung quan trọng nhằm kiểm soát, giám sát quyền lực, bảo đảm mỗi công chức nhà nước khi sử dụng quyền lực đúng mục đích, không muốn và không thể lạm quyền. Kê khai tài sản nhằm kịp thời quản lý, giám sát, phát hiện các tài sản bất minh, qua đó chấn chỉnh xử lý kỷ luật và hình sự các hành vi lạm quyền, tham nhũng trong đội ngũ công chức nhà nước.
Để thực hiện tốt việc kê khai tài sản cần thực hiện đồng bộ nhiều nội dung khác nhau. Trước hết, cần bảo đảm mỗi công chức hàng năm tiến hành kê khai tài sản theo định kỳ. Trong kê khai tài sản cần bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, tránh hình thức. Nội dung kê khai bảo đảm các loại tài sản về đất đai, xe, vàng, cổ phần, thẻ tín dụng, sổ tiết kiệm, lương và thu nhập ngoài lương, v.v. của bản thân, bố mẹ, vợ, con. Quá trình kê khai yêu cầu mỗi công chức làm báo cáo giải trình với những tài sản tăng đột biến, khả nghi không hợp pháp. Ngoài việc kiểm tra kê khai tài sản công chức theo định kỳ, cần tiến hành kiểm tra đột xuất tài sản công chức khả nghi có biểu hiện gian dối, bất minh, không hợp pháp. Kiên quyết xử lý nghiêm minh các biểu hiện và hành vi gian dối trong kê khai tài sản. Tịch thu xung công quỹ các tài sản do tham nhũng mà có của đội ngũ công chức.
Quá trình kiểm tra cần phát huy vai trò của cấp ủy, của cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, cơ quan nội chính và điều tra các cấp. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, biểu hiện giàu nhanh của đội ngũ công chức. Bên cạnh đó, cần đặc biệt phát huy vai trò của báo chí trong phát hiện nêu bài về tài sản
không minh bạch, dễ có nguồn gốc từ tham nhũng của đội ngũ công chức. Có hình thức biểu dương về vật chất, tinh thần với những cá nhân tố cáo tiêu cực, tham nhũng.
Năm là, phát huy vai trò tự tu dưỡng, rèn luyện, tự kiểm soát quyền lực ở đội ngũ công chức nhà nước. Nội dung này đóng vai trò quan trọng, quyết định việc kiểm soát quyền lực. Mọi giải pháp khác sẽ không phát huy được tác dụng nếu chính mỗi công chức tự diễn biến, tự chuyển hóa và không biết kiểm soát quyền lực.
Quá trình tự kiểm soát đó, mỗi công chức cần xây dựng thái độ, động cơ đúng đắn, trong sáng trong thực thi công vụ. Đồng thời, không ngừng học tập, nâng cao nhận thức về tác hại của việc lạm quyền đối với cơ quan, tổ chức và chính bản thân mình. Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện hoàn thiện và phát triển nhân cách của bản thân. Bản thân mỗi công chức cần nói không với các biểu hiện chạy chức, chạy quyền, bởi khi đã bỏ tiền ra chạy họ sẽ phải tìm cách thu lại bằng cách tham nhũng. Mỗi công chức cần kiên quyết đấu tranh với các tiêu cực, tham nhũng, biểu hiện lạm quyền trong cơ quan, đơn vị mình công tác. Đối với những công chức có chức, có quyền cần nghiêm khắc nhắc nhở kiểm soát vợ con, cha mẹ, người thân, cấp dưới, tránh bị lợi dụng quyền lực của bản thân mình để mưu cầu lợi ích, trái với pháp luật và tư lợi cá nhân.
Tiểu kết chương 4
Xây dựng đội ngũ công chức nhà nước cần quán triệt sâu sắc quan điểm giai cấp. Đồng thời, xây dựng đội ngũ công chức phải xuất phát từ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Căn cứ vào bối cảnh trong nước và quốc tế, bám sát yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Xây dựng đội ngũ công chức phải được tiến hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Bảo đảm tính toàn diện, có cơ cấu hợp lý, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công việc.
Cùng với việc đưa ra các quan điểm làm cơ sở thực hiện hệ thống các giải pháp cần xác định nội dung xây dựng đội ngũ công chức nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Hệ thống nội dung đó bao gồm: về chính trị tư tưởng; về đạo đức, lối sống; về năng lực, trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; về phương pháp, tác phong công tác. Những nội dung xây dựng trên là một chỉnh thể thống nhất.
Nội dung chương 4 cũng đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng đội ngũ công chức nhà nước ở nước ta hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Những giải pháp đó góp phần nâng cao chất lượng nhiều khâu, nhiều mặt của hoạt động xây dựng đội ngũ công chức nhà nước từ việc tuyển dụng công chức tới đánh giá công chức; từ đào tạo, bồi dưỡng tới bố trí, sử dụng đội ngũ công chức; từ quản lý, kiểm tra tới thực hiện chính sách công chức. Trong đó, giải pháp kiểm soát quyền lực đội ngũ công chức các cấp, nhất là công chức lãnh đạo, quản lý có vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu nhằm xây dựng nền hành chính công vụ liêm khiết, trong sạch, xây dựng đội ngũ công chức nhà nước vừa hồng, vừa chuyên, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trên từng cương vị công tác.
KẾT LUẬN
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng và toàn dân nhiều tư tưởng, quan điểm có giá trị lớn, một trong số đó là tư tưởng của Người về xây dựng đội ngũ công chức. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ công chức mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Tư tưởng đó góp phần quan trọng trong tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Đó là kết quả quá trình nhận thức, vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện Việt Nam; kết quả sự kết hợp độc đáo giữa nhân cách cá nhân Hồ Chí Minh với điều kiện lịch sử thời đại và đất nước; là quá trình phát triển liên tục, liền mạch gắn với các giai đoạn khác nhau của lịch sử dân tộc.
Trong tư tưởng của mình, Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ công chức với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Theo Người, đội ngũ công chức là nhân tố quan trọng đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này, tới thắng lợi khác, từng bước đánh bại hai kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đồng thời là nhân tố chủ đạo trong kiến thiết, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, duy trì vai trò quản lý xã hội của Nhà nước. Đội ngũ công chức là những công bộc của nhân dân, đóng vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Trên cơ sở khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ công chức, Hồ Chí Minh đã chỉ ra những tiêu chuẩn và nội dung, biện pháp xây dựng đội ngũ công chức. Người đã chỉ rõ sự cần thiết và nội dung, yêu cầu trong tuyển dụng công chức; trong đánh giá công chức; trong đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và quản lý đội ngũ công chức nhà nước. Xác định hệ thống các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ công chức, biện pháp về tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và quản lý công chức; kết hợp các loại hình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng; sử dụng công chức cũ, xây dựng công chức mới, thực sự trọng dụng hiền tài trong lĩnh vực quản lý nhà nước; không ngừng
tự học tập, nâng cao trình độ văn hóa, học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trên từng cương vị công tác; thực hiện nêu gương trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức; xử lý nghiêm minh các hành vi sai trái, tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ công chức.
Hiện nay, trong quá trình xây dựng đội ngũ công chức nhà nước, Đảng và Nhà nước đã chú trọng nghiên cứu, phát triển đúng đắn, sáng tạo tư tưởng trên của Người. Trên cơ sở đó đã đề ra nhiều đường lối, chủ trương chính sách đúng đắn thể hiện qua các bộ luật, chỉ thị, nghị quyết nhằm lãnh đạo toàn diện hoạt động xây dựng đội ngũ công chức nói chung và công chức nhà nước nói riêng. Đồng thời, đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của quá trình xây dựng, đặc biệt là việc tinh giản biên chế, chạy công chức, chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển; bổ nhiệm, bố trí công chức sai quy định, thiếu dân chủ, công bằng, khách quan; tình trạng tham ô, tham nhũng, hách dịch, cửa quyền, lạm quyền của đội ngũ công chức nhà nước các cấp; tình trạng kéo bè, kéo cánh, cục bộ địa phương gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, v.v.. Qua đó, góp phần quan trọng trong nâng cao toàn diện chất lượng đội ngũ công chức nhà nước, cũng như xây dựng hệ thống chính trị và con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trong thời gian tới để phát huy những điểm mạnh và khắc phục những tồn tại, hạn chế trên cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau như: Phát huy vai trò của toàn dân và cả hệ thống chính trị trong xây dựng đội ngũ công chức nhà nước. Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức. Phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của đội ngũ công chức. Đổi mới phương thức tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, bố trí, đề bạt công chức. Hoàn thiện chế độ, chính sách thu hút, đãi ngộ công chức. Chủ