Trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới đội ngũ công chức. Người đã nắm và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về cán bộ, công chức và vận dụng phù hợp với điều kiện, thực tiễn Việt Nam, từ đó đưa ra những chỉ dẫn, quan niệm khúc triết, đặc sắc về công chức. Qua nhiều bài nói, bài viết, cũng
như qua chỉ đạo thực tiễn Hồ Chí Minh đã chỉ ra nội hàm, nhiều góc cạnh khác nhau về công chức.
Ngay sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký và ban hành Sắc lệnh 188/SL ngày 29/5/1948 Quy định về các hạng công chức. Trong đó, tại Điều 3 của Sắc lệnh Người xác định công chức gồm có 5 hạng với các ngạch tương ứng gồm: Tá sự, Cán sự, Tham sự, Kiêm sự, Giám sự. Sắc lệnh này là văn bản mang tính pháp lý khởi đầu, đặt nền móng cho hoạt động xây dựng đội ngũ công chức về sau này.
Tiếp đó, tại Điều 1 Mục 1 Chương 1 của Sắc lệnh số 76/SL ban hành ngày 20/5/1950 về Quy chế công chức Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký đã đưa ra định nghĩa về công chức như sau: Những công dân Việt Nam được chính quyền nhân dân tuyển để giữ một chức vụ thường xuyên trong các cơ quan Chính phủ, ở trong hay ở ngoài nước, đều là công chức theo Quy chế này, trừ những trường hợp riêng biệt do Chính phủ quy định.
Qua định nghĩa trên ta thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh công chức phải là những công dân mang quốc tịch Việt Nam, được Nhà nước tuyển dụng thông qua thi tuyển hay xét tuyển vào làm việc trong các cơ quan của Chính phủ. Đặc biệt, Hồ Chí Minh nhấn mạnh cơ quan đó có thể đóng ở trong nước hoặc ở nước ngoài. Như vậy, ngay trong định nghĩa, Hồ Chí Minh đã chỉ ra nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi công chức; điều kiện để mỗi công dân được trở thành công chức; chỉ ra tuyển dụng công chức; sử dụng công chức và khen thưởng, xử phạt công chức.
Cũng trong Sắc lệnh 76, Người đã chỉ rõ nghĩa vụ của công chức Việt Nam, Sắc lệnh nhấn mạnh: công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy Nhà nước. Công chức Việt Nam phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.
Nghiên cứu khái niệm Hồ Chí Minh về công chức ta thấy, trong giai đoạn Hồ Chí Minh và hiện nay nội hàm công chức có những điểm khác nhau. Thời Hồ
Chí Minh, do điều kiện chiến tranh, việc phân định công chức cũng chưa rõ ràng, nói chung những người làm việc trong hệ thống chính trị đều gọi chung là cán bộ, công chức. Trong khi hiện nay, công chức nhà nước được phân định rõ ràng và chỉ là một bộ phận của cán bộ, công chức. Nghiên cứu sự khác nhau trên để quá trình xây dựng đội ngũ công chức nhà nước hiện nay theo tư tưởng của Người cần linh hoạt, sáng tạo, không rập khuôn, máy móc, phù hợp với sự vận động, biến đổi của thời đại.