chức * Hiểu công chức.
Hiểu công chức nhằm phát hiện và khơi dậy những điểm mạnh trong họ, trên cơ sở đó sử dụng cho phù hợp với khả năng của mỗi người. Người nhấn mạnh: “Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc” [83, tr.314].
Để hiểu được công chức, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cần phải biết mình, nhận ra những khuyết điểm của chính mình và quyết tâm sửa chữa nó. Người chỉ rõ, đã không biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ cán bộ tốt hay xấu.
* Phải khéo dùng công chức.
Hồ Chí Minh cho rằng, công chức trong hoạt động công vụ không thể tránh khỏi những thiếu sót, sai lầm. Do đó, phải khéo dùng công chức, giúp họ phát huy ưu điểm, đồng thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm còn thiếu sót, tồn tại. Hồ Chí Minh nhấn mạnh:
Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ. Thường chúng ta không biết tuỳ tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tuỳ tài mà dùng người, thì hai người đều thành công [83, tr.314].
Theo Người, khéo dùng công chức là phải tin tưởng vào phẩm chất, năng lực của họ. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, niềm tin có vai trò hết sức quan trọng với việc xây dựng đội ngũ công chức. Từ chỗ có niềm tin sẽ mạnh dạn giao nhiệm vụ cho đội ngũ công chức. Đồng thời, đội ngũ công chức sẽ phấn khởi, nỗ lực cố gắng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn khi được cấp trên tin tưởng. Người kịch liệt phê phán việc không tin tưởng, xem thường cấp dưới của đội ngũ cán bộ quản lý công chức, bởi theo Người như vậy sẽ làm công chức mất động lực phấn đấu, mất tự tin vào bản thân, từ đó gây ảnh hưởng không tốt tới môi trường hoạt động công vụ.
Trong bố trí, sử dụng công chức Hồ Chí Minh luôn yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan tham mưu tổ chức cán bộ phải nghiên cứu, phân tích bố trí, điều động đúng người, đúng việc, bảo đảm phù hợp với năng lực, sở trường của mỗi công chức. Người lưu ý: “Khi cần điều động một người cán bộ cao cấp, thì phải nói rõ lý lịch, năng lực, ưu điểm và khuyết điểm của cán bộ ấy; và vì sao cần phải điều động” [84, tr.417].
Tin tưởng giao việc cho công chức, song Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yêu cầu cần phải có cơ chế giao trách nhiệm, kiểm tra, giám sát, giúp đỡ họ. Người chỉ rõ, tin tưởng không có nghĩa là bỏ mặc, vô trách nhiệm. Bởi, theo Người nếu như vậy công chức sẽ làm việc một cách tự do, tùy tiện, không kiểm soát được hành vi dễ dẫn tới những sai lầm. Đây là quan điểm hết sức biện chứng, thể hiện tư suy sáng tạo, tính linh hoạt và đầy biện chứng của của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
* Có gan cất nhắc, đề bạt công chức theo yêu cầu của công việc.
Hồ Chí Minh chỉ rõ, cất nhắc cán bộ là một nghệ thuật, do đó phải toàn diện và chính xác. Quá trình đó Người yêu cầu cần phải nghiên cứu, nhận xét, đánh giá về nhiều mặt trước khi cất nhắc từ cách nói, cách viết, cách làm đến phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác. Đặc biệt, Người nhấn mạnh cần phải thăm dò, tham khảo nhận xét của tập thể, của nhân dân về họ.
Theo Người:
Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào [83, tr.321].
Trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ công chức Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu phải thật sự thận trọng, cẩn thận khi cất nhắc công chức. Bởi theo Người, nếu cơ quan, đơn vị, tổ chức cất nhắc công chức sai sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, tạo điều kiện cho các thế lực cơ hội, thù địch chui sâu, leo cao phá hoại cách mạng. Mặt khác, cất nhắc không cẩn thận, chính xác sẽ làm hỏng cả đời, cả tương lai, sự nghiệp của họ. Chính vì vậy, Người yêu cầu người lãnh đạo, tổ chức, cơ quan khi cất nhắc công chức rồi cần vun trồng, giúp đỡ, đào tạo, bồi dưỡng họ để họ sớm hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra.
Người phê phán những bệnh trong sử dụng công chức như: Ham dùng người nhà, anh em, bạn bè những người có đi lại, quen biết; ham dùng những kẻ nịnh hót, khéo mồm, ngược lại không sử dụng người chính trực, ngay thẳng; ham dùng những người có tính tình hợp gu với mình, mà tránh dùng những người không hợp tính với mình. Theo Người, do có những bệnh đó nên khi những công chức kia làm bậy, có sai lầm, khuyết điểm vẫn được dung túng, bao che, còn những người có đức, có tài, ngay thẳng thì lại bị trù dập, soi mói. Từ đó, làm cho hoạt động công vụ bị ảnh hưởng xấu.