Khái niệm cán bộ

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Văn Hòa (Trang 31 - 32)

Ở Việt Nam, thuật ngữ cán bộ được dùng nhiều sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Mới đầu, thuật ngữ này được sử dụng nhiều trong quân đội nhằm phân biệt cán bộ với chiến sĩ. Sau này, nó được dùng phổ biến để phân biệt giữa nhân dân với những người thoát ly, làm trong các cơ quan của Đảng, nhà nước, quân đội và đoàn thể chính trị - xã hội, được hưởng lương, trong biên chế.

Trong Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2000, 2003) có đề cập tới cán bộ, song chưa đưa ra được khái niệm có tính chất chuẩn hóa mang tính pháp lý về cán bộ. Thuật ngữ cán bộ được đặt chung và chưa có sự phân định rạch ròi với công chức, viên chức. Pháp lệnh xác định cán bộ, công chức, viên chức là công dân Việt Nam, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc cải cách hành chính nhà nước và đòi hỏi nâng cao chất lượng công vụ cần chuẩn hóa khái niệm cán bộ. Tháng 11/2008, Quốc hội ban hành Luật Cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực từ ngày 01/01/2010 đã đưa ra khái niệm về cán bộ như sau:

Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước [106, tr.10].

Qua khái niệm đã làm rõ nhiều nội hàm của cán bộ như: điều kiện để trở thành cán bộ, phạm vi làm việc của cán bộ, phân loại cán bộ và chế độ, chính

sách với cán bộ. Về điều kiện để trở thành cán bộ, phải là công dân Việt Nam, qua bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm nhằm giữ một chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ. Môi trường làm việc của cán bộ là trong Đảng, nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Về chế độ, chính sách, cán bộ được tính trong biên chế và được trả lương từ nguồn ngân sách nhà nước.

Để thuận lợi cho việc đánh giá cán bộ, bổ nhiệm và thực hiện các chế độ, chính sách chính xác cần thực hiện việc phân loại cán bộ. Tính theo loại hình phân thành: cán bộ đảng, đoàn thể; cán bộ nhà nước; cán bộ kinh tế và quản lý kinh tế; cán bộ khoa học, kỹ thuật. Xét về tính chất, chức năng và nhiệm vụ có thể phân thành: nhóm chính khách; nhóm lãnh đạo, quản lý; nhóm chuyên gia; nhóm công chức, viên chức.

Nhìn vào sự phân loại trên có thể nhận thấy, công chức là một nhóm của cán bộ. Do đó, quá trình nghiên cứu, luận giải công chức và xây dựng đội ngũ công chức có nhiều điểm tương đồng về vị trí, vai trò, về tiêu chuẩn, về nội dung và phương pháp xây dựng. Nghiên cứu cần toàn diện, biện chứng, tránh các tư tưởng đánh đồng hoàn toàn giữa cán bộ và công chức, cũng như tách biệt không thấy mối quan hệ biện chứng giữa cán bộ và công chức.

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Văn Hòa (Trang 31 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(187 trang)
w