Đánh giá đội ngũ công chức

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Văn Hòa (Trang 54 - 56)

Hồ Chí Minh cho rằng, đánh giá công chức có vai trò hết sức quan trọng. Qua việc đánh giá giúp cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của mỗi công chức để khen thưởng, kỷ luật, nhắc nhở và hướng bố trí, sử dụng cho phù hợp với năng lực thực tế. Người còn nhấn mạnh, qua đánh giá giúp công chức phát huy ưu điểm, sở trường, sở đoản, đồng thời khắc phục, điều chỉnh, hoàn thiện bản thân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh giá công chức phải mang tính lịch sử và cụ thể. Theo Người, mỗi công chức trong từng giai đoạn, hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà phẩm chất chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống và năng lực công tác cũng có thể có sự thay đổi nhất định. Do đó, khi đánh giá công chức cần có quan điểm lịch sử và cụ thể. Người nhấn mạnh: “Một người cán bộ khi trước có sai lầm,

không phải vì thế mà sai lầm mãi. Cũng có cán bộ đến nay chưa bị sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm? Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau” [83, tr.317-318].

Người lưu ý, trong đánh giá công chức cần có cái nhìn toàn diện, đa chiều, tránh phiến diện. Quá trình đó theo Người, cần xem xét thấu đáo, đánh giá đúng bản chất của mỗi công chức, tránh nhìn bề ngoài mà đánh giá, suy xét bản chất bên trong một cách thiếu khách quan, sai sự thật. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt” [83, tr.318]. Trái lại, Người cho rằng: “Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt [83, tr.318].

Lấy hiệu quả công việc làm tiêu chuẩn, thước đo trong nhận xét, đánh giá công chức. Hồ Chí Minh cho rằng, một công chức có bằng cấp nhiều, học qua những cơ sở đào tạo uy tín, nói năng hoạt ngôn, song chưa hẳn làm việc đã tốt. Chính vì vậy, Người yêu cầu phải căn cứ vào kết quả công việc để đánh giá công chức. Theo Người, nếu chỉ căn cứ vào các tiêu chí khác mà không căn cứ vào hiệu quả công việc, việc đánh giá công chức sẽ dễ dẫn tới nhầm lẫn, không phản ánh đúng phẩm chất, năng lực của mỗi công chức, từ đó dễ dẫn tới bố trí, sử dụng không đúng người, đúng việc.

Để đánh giá công chức chính xác, Người yêu cầu người đánh giá công chức phải trong sạch, liêm khiết và luôn sửa chữa những khuyết điểm của mình. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cá nhân, tổ chức đi đánh giá công chức mà không trong sạch, có khuyết điểm thì không đủ tư cách để đánh giá công chức. Bởi theo Người, nếu không tự biết mình thì rất khó để biết người,

không nhận ra khiếm khuyết, sai lầm, sự phải trái của bản thân, thì không thể nhận thấy rõ người cán bộ, công chức là tốt hay xấu. Người nhắc nhở và yêu cầu, người đi đánh giá công chức không được mắc các chứng bệnh như: bệnh tự cao tự đại, bệnh ưa nịnh hót, bệnh định kiến trả thù cá nhân, bệnh phiến diện một chiều.

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Văn Hòa (Trang 54 - 56)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(187 trang)
w