Khái niệm về công chức nhà nước

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Văn Hòa (Trang 35 - 36)

Trong Luật cán bộ, công chức, viên chức, cũng như nhiều nghị định, thông tư chỉ đề cập đến công chức nhà nước với tư cách là một bộ phận của công chức Việt Nam. Song, chưa có một khái niệm mang tính riêng biệt làm rõ nội hàm của công chức nhà nước.

Tại Nghị định số 71/2003/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 19/6/2003 về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước và Thông tư số 89/2003/TT- BNV của Bộ Nội vụ, ngày 24/12/2003 hướng dẫn thực hiện nghị định, chỉ rõ:

Biên chế hành chính là số người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch công chức hoặc giao giữ một công vụ thường xuyên trong các tổ chức giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn về quản lý hành chính nhà nước được giao [50, tr.401].

Quy định trên đã làm rõ nội hàm biên chế hành chính. Trong đó, xác định để trở thành biên chế hành chính cần được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc giao một công việc thường xuyên trong các cơ quan nhà nước nhằm thực hiện chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước.

Trên cơ sở luật cán bộ, công chức, viên chức và các quan điểm nêu trên, tác giả đưa ra quan niệm của mình về công chức nhà nước như sau:

Công chức nhà nước là một thành phần quan trọng của đội ngũ công chức Việt Nam, trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Họ được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch công chức hoặc giao giữ một công vụ thường xuyên, làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp nhằm thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước.

Như vậy, cũng giống như công chức nói chung, công chức nhà nước là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch hoặc giao giữ một công việc thường xuyên, nằm trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Song, công chức nhà nước chỉ là một bộ phận của đội ngũ công chức Việt Nam. Môi trường làm việc của họ là tại các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới các địa phương như: Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và một số cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân các cấp.

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Văn Hòa (Trang 35 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(187 trang)
w