Quan điểm Hồ Chí Minh về tuyển chọn đội ngũ công chức

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Văn Hòa (Trang 52 - 54)

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tuyển chọn công chức là nội dung quan trọng hàng đầu trong xây dựng đội ngũ công chức ở nước ta. Theo Người, tuyển chọn công chức nhằm lựa chọn được những công dân ưu tú vào cống hiến, phục vụ, công tác trong các cơ quan nhà nước. Đồng thời, bảo đảm tính dân chủ, công bằng của chế độ và Nhà nước ta. Góp phần xây dựng các cơ quan nhà nước vững mạnh, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp cách mạng. Khi đất nước vừa giành dược độc lập, Hồ Chí Minh với tư cách Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã kêu gọi nhân tài kiến quốc: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều” [82, tr.114]. Qua hiệu triệu, Người đã tập hợp được đông đảo nhân tài tham gia phục vụ trong Chính phủ.

Để lựa chọn được những người có đủ phẩm chất và năng lực, vừa hồng, vừa chuyên, cùng với việc hiệu triệu nhân tài kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt nhấn mạnh tới việc thi tuyển công chức. Qua các Sắc lệnh số 188

năm 1948 và Sắc lệnh số 76 năm 1950, Người đã chỉ ra các điều kiện, chính sách, nội dung và yêu cầu thi tuyển.

Điều kiện và chính sách trong tuyển dụng:

Trong thi tuyển công chức, Hồ Chí Minh nhấn mạnh cần bảo đảm các điều kiện tốt nhất. Theo Người, thi tuyển công chức là hoạt động đặc thù trong quản lý nhà nước và xã hội mà bất kỳ quốc gia nào cũng cần tiến hành, để bảo đảm quá trình tuyển dụng đạt được kết quả cao nhất, lựa chọn được những người ưu tú nhất cần xác định rõ ràng những yêu cầu, điều kiện tuyển dụng. Hồ Chí Minh chỉ rõ những yêu cầu đối với công dân khi đăng ký thi tuyển công chức như sau: Cần có quốc tịch Việt Nam, đủ 18 tuổi; có hạnh kiểm tốt, có quyền công dân, có giấy chứng nhận sức khoẻ của một y sĩ công.

Bảo đảm những chính sách trong tuyển dụng công chức cũng là nội dung hết sức quan trọng. Qua đây, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, sự công bằng, dân chủ của chế độ và xã hội ta. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với những người có công với cách mạng, quan tâm đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Quá trình thi tuyển công chức, Hồ Chí Minh nhấn mạnh cần ưu tiên cộng điểm với những thí sinh là đồng bào thiểu số, cựu binh, thương binh, quân nhân có chiến công.

Yêu cầu trong tuyển dụng:

Có kế hoạch, khoa học, chặt chẽ. Thực hiện tốt yêu cầu trên, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cần bám sát yêu cầu, thực tế của cơ quan, đơn vị để tuyển dụng; kế hoạch cần chỉ rõ thi tuyển công chức trên cơ sở, căn cứ nào; chỉ rõ mục đích, yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn, số lượng tuyển dụng; xác định địa điểm, thời gian cụ thể; phân công người phụ trách, các lực lượng tham gia coi thi, chấm thi; dự kiến thời gian công bố kết quả thi và phúc khảo bài thi.

Khách quan, công bằng, chính xác. Người nhấn mạnh, để thực hiện tốt yêu cầu trên cần bảo đảm tính khách quan trong tất cả các khâu, các bước của quá trình tuyển dụng. Bảo đảm sự công bằng trong khâu tiếp nhận và xử lý hồ sơ; trong quá trình thí sinh làm bài thi tuyển, bảo đảm không có hiện tượng quay

cóp, tiêu cực, chép tài liệu của thí sinh thi; trong việc chấm điểm bài thi, kiên quyết đấu tranh chống lại các biểu hiện chạy chọt, nâng điểm bài thi.

Nội dung thi cần bảo đảm phù hợp với vị trí việc làm và thực tiễn đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trong điều kiện đất nước đang có chiến tranh, trình độ học vấn của nhân dân chưa cao, do đó quá trình tổ chức thi tuyển công chức nội dung thi cần phù hợp với trình độ học vấn của các ứng viên. Theo Người, nội dung thi cần toàn diện từ kỹ năng thực hành đến tri thức xã hội, ứng viên dự thi vào vị trí nào, nội dung cần bám sát vào vị trí đó, đồng thời bảo đảm hiểu biết chung về lý luận, lịch sử, địa lý, tổ chức bộ máy các cấp, v.v..

Bảo đảm sự giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng trong tuyển dụng. Quá trình đó theo Người, cần bảo đảm sự giám sát của cấp ủy các cấp trong tất cả các khâu của quá trình tuyển dụng từ lập kế hoạch tới xét hồ sơ, từ thi tuyển tới chấm thi, phúc khảo bài thi. Người yêu cầu mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là đồng chí bí thư cần phát huy tinh thần, trách nhiệm sâu sát, quyết liệt, công tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động trên. Kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở các cơ quan chuyên trách và lực lượng tham gia tuyển dụng khi có các biểu hiện, hành vi chưa đúng mực, thiếu sót, sai lầm.

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Văn Hòa (Trang 52 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(187 trang)
w