Quan điểm Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức * Sự cần thiết của việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức.

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Văn Hòa (Trang 56 - 61)

chức * Sự cần thiết của việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức.

Do thực tiễn cách mạng và bối cảnh quốc tế luôn luôn có sự vận động, phát triển, đòi hỏi mỗi công chức cần được đào tạo, bồi dưỡng nhằm bổ sung và cập nhật các nội dung kiến thức mới, phục vụ thiết thực hoạt động công vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh:

Tình hình thế giới và trong nước luôn luôn biến đổi, công việc của chúng ta nhiều và mới, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ, nhưng sự hiểu biết của chúng ta có hạn. Muốn tiến bộ kịp sự biến đổi vô cùng tận, thì chúng ta phải nghiên cứu, học tập. Nghiên cứu, học tập lý luận và kỹ thuật [87, tr.145].

Thực trạng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức còn nhiều hạn chế. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc mở lớp đào tạo, bồi dưỡng nhiều, song hiệu quả mang lại không cao. Người khẳng định:

Đã có nơi mở lớp huấn luyện, thế rất tốt. Song những lớp ấy còn nhiều khuyết điểm. Thí dụ: huấn luyện cho cán bộ trong các cơ quan hành chính mà không đụng đến công việc hành chính. Còn dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được [83, tr.309].

Phần lớn công chức có xuất phát từ nông dân, có trình độ văn hóa kém, ảnh hưởng những tập tục lạc hậu thời phong kiến, lại chịu hậu quả chính sách ngu dân của thực dân Pháp. Do đó, trong quá trình thực thi công vụ còn nhiều hạn chế, khuyết điểm cần được uốn nắn, điều chỉnh, khắc phục. Xuất phát từ điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu cần đạo tạo, bồi dưỡng đội ngũ

công chức các cấp nhằm nâng cao hiểu biết, hình thành phương pháp, tác phong công tác công nghiệp, khoa học và kỷ luật.

Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Người còn chỉ ra, một bộ phận lớn công chức, do đặc thù chiến tranh bận công tác, đường xá xa xôi nên chưa được tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Do đó, chưa được cập nhật kiến thức quản lý nhà nước một cách có hệ thống, bài bản, hoạt động công vụ chủ yếu dựa trên cơ sở kinh nghiệm, làm nhiều thành quen. Từ đó, Người xác định cần đào tạo, bồi dưỡng giúp đội ngũ công chức trên nâng cao trình độ về mọi mặt, đáp ứng mọi yêu cầu công việc đặt ra. Người chỉ rõ:

Phần đông cán bộ là công nhân và nông dân, văn hoá rất kém. Đảng chưa tìm đủ cách để nâng cao trình độ văn hoá của họ. Huấn luyện lý luận cho những cán bộ cao cấp, đến nay hoặc chưa làm, hoặc làm không đúng, lý luận và thực tế không ăn khớp với nhau, dạy theo cách học thuộc lòng [82, tr.309].

* Về chủ thể huấn luyện.

Theo Người, huấn luyện công chức là một nghề đặc thù, không phải ai cũng có thể làm được. Hồ Chí Minh chỉ rõ, người đi huấn luyện phải có tâm, có đức, yêu nghề, có động cơ, thái độ rõ ràng và trong sáng. Người yêu cầu, lực lượng đi huấn luyện phải thành thạo nội dung huấn luyện cả lý thuyết lẫn kiến thức thực tế; nắm rõ bản chất nội dung huấn luyện, các vấn đề xung quanh; cập nhật, sưu tầm đầy đủ các tài liệu có liên quan, qua đó hướng dẫn, giúp đỡ người học nhằm giúp họ đạt được kết quả cao nhất trong quá trình học tập. Người nhấn mạnh:

Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình. Lênin khuyên chúng ta: “Học, học nữa, học mãi”. Mỗi người đều phải ghi nhớ và thực hành điều đó, những người huấn luyện lại càng phải ghi nhớ hơn ai hết. Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất [84, tr.356].

* Về đối tượng huấn luyện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi công chức trong quá trình được đi đào tạo, bồi dưỡng cần tích cực, chủ động trong học tập. Người đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố tự học của mỗi công chức. Theo Người, tự học là phương pháp hiệu quả nhất, bởi nó giúp người học củng cố những nội dung đã học trên lớp và mở rộng thêm những nội dung kiến thức mới. Người cũng yêu cầu mỗi công chức cần xác định rõ mục đích, động cơ học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, chứ không phải học để lấy bằng cấp, để sau này làm quan cách mạng.

* Về yêu cầu của quá trình huấn luyện.

Người chỉ rõ, trong huấn luyện cần phải đạt được hiệu quả cao nhất, cần đào tạo ra được những công chức vừa hồng, vừa chuyên, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Người yêu cầu cần mở lớp nào ra lớp đấy, không mở lớp lung tung. Mở lớp rồi thì cần phải lựa chọn người huấn luyện và công chức đi huấn luyện cho phù hợp, đúng tiêu chuẩn, phù hợp với thực tế nhu cầu của từng cơ quan, đơn vị.

* Nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải toàn diện, chuyên sâu.

Huấn luyện nghề nghiệp. Theo Người, có huấn luyện nghề nghiệp căn bản, đầy đủ mỗi công chức mới có kiến thức chuyên sâu về ngành nghề, lĩnh vực mình hoạt động, trên cơ sở đó đáp ứng được yêu cầu công việc đặt ra. Người chỉ rõ: “Phải thực hành khẩu hiệu: làm việc gì học việc ấy” [83, tr.310].

Huấn luyện chính trị. Người cho rằng, huấn luyện chính trị giúp mỗi công chức kiên định hơn với lập trường, quan điểm, với mục tiêu, con đường cách mạng. Quá trình huấn luyện, Người yêu cầu cần phải nghiên cứu kỹ đối tượng để bố trí lực lượng, thời lượng giảng dạy chính trị cho phù hợp. Người khẳng định: “Huấn luyện chính trị, môn nào cũng phải có. Nhưng phải tuỳ theo mỗi môn mà định nhiều hay ít. Thí dụ: cán bộ chuyên môn về y tế, về văn nghệ, v.v., thì ít hơn. Cán bộ về tuyên truyền, tổ chức, v.v., thì phải nghiên cứu chính trị nhiều hơn” [83, tr.311].

Huấn luyện văn hoá. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, huấn luyện văn hóa là nội dung bắt buộc trong đào tạo, bồi dưỡng công chức. Về nội dung đào tạo, bồi

dưỡng văn hóa cần đa dạng, phong phú gồm nhiều môn khác nhau. Theo Người: “Trước hết phải dạy cho họ những thường thức: lịch sử, địa dư, làm tính, khoa học tự nhiên, xã hội, chính trị, cách viết báo cáo, nghĩa vụ và quyền lợi người công dân” [83, tr.311].

Huấn luyện lý luận. Theo Người, lý luận có vai trò quan trọng với mỗi công chức, nó trang bị thế giới quan, phương pháp luận, trang bị phương pháp tiếp cận, phân tích, nhìn nhận và xử lý bất cứ vấn đề gì trong trong thực tế. Bên cạnh đó, Người còn cho rằng, có nắm vững lý luận mỗi công chức mới hiểu mọi vấn đề trong xã hội, từ đó đề ra đường lối, chủ trương, chính sách cho đúng. Người chỉ rõ: “Phải dạy lý luận Mác - Lênin cho mọi người. Người biết lý luận mà không thực hành thì cũng vô ích. Học lý luận không phải để nói mép, nhưng biết lý luận mà không thực hành là lý luận suông. Học là để áp dụng vào việc làm” [84, tr.357].

* Phương châm huấn luyện, bồi dưỡng công chức đa dạng, phong phú.

Thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đào tạo, bồi dưỡng công chức cần chú trọng tới hiệu quả, tới chất lượng hơn là tham nhiều. Người nhấn mạnh: “Việc cốt yếu là phải làm cho người học hiểu thấu vấn đề. Nhưng hiểu thấu cũng có nhiều cách: có cách hiểu thấu thật tỉ mỉ, nhưng dạy theo cách đó thì phải tốn nhiều thì giờ. Trái lại cũng có cách dạy bao quát mà vẫn làm cho người học hiểu thấu được” [84, tr.357-358].

Huấn luyện từ dưới lên trên. Đây là phương pháp hay, thể hiện tư duy hết sức độc đáo, sáng tạo của Hồ Chí Minh trong đào tạo, bồi dưỡng công chức. Theo Người, huấn luyện từ dưới lên có vai trò quan trọng, bảo đảm tận dụng tối đa nguồn nhân lực tại chỗ cho đào tạo, bồi dưỡng; hạn chế sự tốn kém cho người học và cơ quan, tổ chức; tạo điều kiện để mọi công chức đều được đào tạo, bồi dưỡng; bảo đảm tính sát thực hơn trong huấn luyện. Người khẳng định:

Các ban huấn luyện không nên ôm đồm. Phải lấy người ở cấp dưới lên huấn luyện rồi trở lại cấp dưới để họ huấn luyện cho cấp dưới nữa. Trung ương huấn luyện cán bộ cho các khu, các tỉnh, cán bộ ở khu và tỉnh phải

huấn luyện cho cán bộ huyện, xã. Như thế đỡ tốn công, đỡ tốn thì giờ, và cán bộ huấn luyện cho cấp dưới gần mình lại sát hơn [84, tr.357]. Huấn luyện phải nhằm đúng yêu cầu. Theo Người, huấn luyện nhằm đúng yêu cầu là đào tạo, bồi dưỡng những nội dung mà công chức, cơ quan, tổ chức đang cần; tránh đào tạo với khung chương trình có nhiều nội dung xa rời thực tế và nhu cầu người học đang cần. Để thực hiện tốt phương châm huấn luyện trên, Người yêu cầu các ban huấn luyện, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công chức cần liên lạc thường xuyên, mật thiết, chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp để thăm dò nguyện vọng cần được đào tạo, trên cơ sở đó về xây dựng nội dung, chương trình đào tạo phù hợp nhất. Thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, tiến hành đổi mới dung gắn với đổi mới phương pháp trong từng đối tượng giảng và từng bài giảng, tránh tụt hậu so với thực tế.

Huấn luyện phải chú trọng việc cải tạo tư tưởng. Nội dung phương châm cải tạo tư tưởng theo Hồ Chí Minh là phải gột rửa những suy nghĩ sai lầm, tiêu cực trong nhận thức. Bên cạnh đó, cần cải tạo thói hư, tật xấu đang còn tồn tại trong mỗi công chức. Người nhắc nhở: “Huấn luyện thì phải hiểu rõ người học để nâng cao khả năng và tẩy rửa khuyết điểm cho họ. Phải huấn và luyện. Huấn là dạy dỗ, luyện là rèn giũa cho sạch những vết xấu xa trong đầu óc” [84, tr.359].

* Về tài liệu huấn luyện.

Để phát huy được vai trò, hiệu quả của tài liệu huấn luyện với quá trình đào tạo, bồi dưỡng cần đa dạng hóa các loại tài liệu. Trước hết phải lấy những tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin làm gốc. Bên cạnh đó là những chỉ thị, nghị quyết, luật của Đảng và Chính phủ đều là những tài liệu cần phải học tập nghiên cứu. Các loại sách văn hóa như toán, lý, hóa, văn, sử, địa, ngoại ngữ, v.v.. Các loại tài liệu chuyên ngành trên tất cả các lĩnh vực chuyên môn công chức đang hoạt động.

Các cơ sở đào tạo, các cơ quan đơn vị cần căn cứ vào tính chất hoạt động công vụ của đối tượng đào tạo để cập nhật, mua bổ sung các loại tài liệu vào thư

viện nhà trường, cơ quan, đơn vị cho phù hợp. Ngoài ra, cần bảo đảm cung cấp đầy đủ các loại tài liệu cần thiết, cơ bản cho mỗi người học. Tài liệu cần được bố trí, sắp xếp khoa học, hợp lý giúp người học dễ tìm khi có nhu cầu mượn nghiên cứu. Người chỉ rõ: “Nhưng tài liệu phải lựa chọn, xếp đặt lại, vì trình độ người học không đều nhau, cần có tài liệu thích hợp với từng hạng. Tài liệu không thích hợp thì học không có ích lợi gì” [84, tr.359].

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Văn Hòa (Trang 56 - 61)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(187 trang)
w