Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: "CNTT (tiếng Anh là: Information technology gọi tắt là IT) là ngành ứng dụng công nghệ QL và xử lí thông tin, là ngành sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lí, truyền và thu nhập thông tin".
Ở Việt Nam, khái niệm CNTT được hiểu và định nghĩa trong Nghị quyết số 49/CP của Chính phủ ký ngày 04/08/1993 về “Phát triển CNTT ở nước ta trong những năm 90”: "CNTT là tập hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kỹ thuật hiện đại - chủ yếu là kỹ thuật máy tính và viễn thông nhằm tổ chức, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin rất phong phú và tiềm tàng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội" (Chính phủ, 1993).
Theo luật CNTT số 67/2006/QH11 ngày 29/6/2006 điều 4 giải thích: "CNTT là tập hợp các phương pháp khoa học, công nghệ và công cụ kỹ thuật hiện đại để sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lí, lưu trữ và trao đổi thông tin số" (Quốc hội, 2006).
CNTT được phát triển trên nền tảng của các công nghệ Tin học - Điện tử - Viễn thông và Tự động hóa. CNTT nghiên cứu về các khả năng và các giải pháp, tức là nghiêng về công nghệ theo nghĩa truyền thống. Khi nói “CNTT” là hàm ý muốn nói tới nghĩa kỹ thuật công nghệ. Còn Tin học thì nghiên cứu về cấu trúc và tính chất, vì thế tin học gần gũi với cách hiểu là môn khoa học, hay môn học. CNTT là lĩnh vực khoa học rộng lớn nhưng có nhiều chuyên ngành hẹp.
Tóm lại, trong luận văn này tác giả khái niệm CNTT là tập hợp các phương tiện và công cụ kỹ thuật hiện đại như máy vi tính, máy chiếu, mạng internet…để cung cấp nguồn tài nguyên thông tin phong phú, đa dạng, nhằm tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thông tin rất phong phú và phát huy tối ưu tiềm năng của chúng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội.