Quận 8 thuộc khu vực nội thành và nằm ở phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh, có tọa độ địa lí từ 10045’8’’ đến 10041’45’’ vĩ độ Bắc; 106035’51’’ đến 106041’22’’ kinh độ Đông. Phía Đông giáp quận 4, quận 7, phía Tây giáp quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, phía Nam giáp huyện Bình Chánh, phía Bắc giáp quận 5, quận 6.
Quận có diện tích tự nhiên 1.917,49 ha, dân số 423.129 người, gồm 16 đơn vị hành chính cấp phường. Toàn bộ diện tích Quận 8 là đồng bằng có địa hình thấp với cao độ trung bình so với mặt nước biển là 1,2m trong đó thấp nhất là 0,3m (phường 7) và cao nhất là 2,0 m (phường 2), với chu vi khoảng 32 km.
Quận 8 nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa khu đô thị cũ (quận 5 và quận 6) và khu đô thị mới Nam Thành phố, nên chịu tác động của sự phát triển đô thị hóa cao, có hệ thống giao thông khá phát triển ngày càng được cải thiện với một số tuyến chính nối từ trung tâm thành phố qua quận 8 đến khu đô thị Nam Sài Gòn: Đại lộ Võ Văn Kiệt, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường Phạm Thế Hiển, đường Tạ Quang Bửu, đường An Dương Vương,…
Địa hình và địa mạo Quận 8 được hình thành bởi sự chia cắt của các con sông và kênh rạch. Địa hình của Quận bằng phẳng, độ dốc của địa hình nhỏ hơn 0,1% nhưng thấp, trũng. Cao độ trung bình của Quận là 1,20m trong đó khu vực có độ cao thấp nhất là phường 7 (0,3m) và khu vực có độ cao cao nhất là phường 2 (2,0m) quận có đến 2/3 diện tích tự nhiên nằm dưới ngưỡng của đỉnh triều cường lịch sử 1,60m (tháng 11 năm 2011) trong đó vùng bị ảnh hưởng lớn nhất cũng là khu vực có địa hình thấp nhất là phường 6, phường 7, phường 15 và phường 16. Đặc điểm địa mạo (hay hình thể) của Quận bị các kênh Đôi, Tầu Hủ, sông Cần Giuộc, rạch Hiệp Ân, rạch Ông Lớn, Ông Nhỏ, Xóm Củi, Ruột Ngựa, Bà Tàng, Lò Gốm, Kênh Ngang số 1, Kênh Ngang số 2, Kênh Ngang số 3 lại chia nhỏ Quận 8 thành những khu vực riêng
biệt được kết nối qua hệ thống cầu.
Quận nằm trong vùng rất ít thiên tai về khí hậu, biến động thời tiết. Đáng kể nhất ở Quận cũng như của thành phố là tình trạng hạn cục bộ trong mùa mưa (mùa mưa đến muộn hoặc kết thúc sớm hoặc có các đợt hạn trong mùa mưa). Tuy là quận nội thành nhưng Quận 8 lại bán nông bán thị, kinh tế có cả nông nghiệp, cả công nghiệp, tiểu thủ công, dịch vụ và thương mại, …. Kết cấu kinh tế độc đáo ấy thích hợp với vị trí vùng đệm của Quận 8 và trước hết nó là sản phầm của sự kết hợp lại những tầng lớp dân cư hội tụ về đây.
Những người nông dân từ Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hoà lên vùng đất này khai phá và canh tác nông nghiệp. Những người lao động nghèo từ miền Bắc, miền Trung, miền Đông Nam Bộ đến các bến cảng ở đây bán sức lao động cho các chủ cảng, chủ hãng xay xát lúa gạo, bột mì, hãng buôn. Đó là hai nguồn cư dân đông nhất từ cuối thế kỷ trước tụ về Quận 8. Sau đó những người nông dân và lao động nghèo từ miền Tây, miền Đông, từ các vùng địa phương khác Thành phố lại dồn về vùng đệm Quận 8, đưa dân số Quận 8 trong những năm chiến tranh lên hàng chục vạn người, với 2 thành phần chủ yếu là công nông. Cư dân của Quận 8 đông nhất là người Việt chiếm khoảng 85,4%, người Hoa cũng có mặt ở Quận 8 từ rất sớm với tỷ lệ khoảng hơn 11%; ngoài ra còn có người Chăm, Khơ-me chiếm khoảng hơn 0,3%. Các tầng lớp dân cư ở Quận 8 phần lớn theo đạo Phật (35%) với 52 chùa được xây dựng khắp nơi. Một số tôn giáo khác cũng không ít tín đồ như: đạo Thiên Chúa (11,5%) với 12 nhà thờ, Tin Lành (0,4%) có 5 nhà thờ, Cao Đài (0,48%) có 2 thánh thất, Đạo Hồi (0,52%) có 2 thánh đường…
Nhìn chung các tầng lớp dân cư, tôn giáo ở Quận 8 dù từ nhiều nguồn gốc, thành phần đa dạng khác nhau, nhưng chủ yếu là người lao động nghèo, nông dân và công nhân khuân vác, làm thuê, chung số phận tha hương tụ hội lại nên đã chung lưng đấu cật, đoàn kết thân ái, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
(http://www.quan8.hochiminhcity.gov.vn/gioithieu/Lists/Posts/Post.aspx?List =ae22a659%2Daebe%2D41ba%2Daa8a%2D5b48611a1e11&ID=34).