Quản lí hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lí hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên, tỉnh sóc trăng​ (Trang 28 - 30)

1.2. Các khái niệm cơ bản liên quan đến vấn đề nghiên cứu

1.2.2. Quản lí hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn

- Quản lí

Quản lí là một loại hình lao động quan trọng nhất trong các hoạt động của con người. Trong lao động cần có sự tổ chức và thống nhất nhằm tạo ra sức mạnh để đạt được mục đích chung. Trong lịch sử sự phát triển của loài người đã xuất hiện một dạng lao động mang tính đặc thù là tổ chức-điều khiển con người với các hoạt động theo những yêu cầu nhất định, dạng lao động đó được gọi là quản lí. Có rất nhiều khái niệm khác nhau về quản lí:

Theo Từ điển Tiếng Việt-Viện Ngôn ngữ học định nghĩa: “Quản lí là trông coi, giữ gìn theo những yêu cầu nhất định. Là tổ chức và điều hành các hoạt động theo những yêu cầu nhất định” (Trung tâm Từ điển ngôn ngữ - Viện ngôn ngữ, 1992).

Theo giáo trình quản lí hành chính Nhà nước của Học viện hành chính quốc gia chỉ rõ: “ Quản lí là sự tác động chỉ huy, điều khiển các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của con người để chúng phát triển phù hợp với quy luật, đạt tới mục đích đã đề ra và đúng ý chí của người quản lí” (Học viện hành chính Quốc gia, 1992).

Theo tác giả Đỗ Hoàng Toàn: “Quản lí là sự tác động có tổ chức, có định hướng của chủ thể lên đối tượng quản lí nhằm sử dụng có hiệu quả nhất các tiềm năng, các cơ hội của hệ thống để đạt được mục tiêu đặt ra trong điều kiện biến chuyển của môi trường” (Đỗ Hoàng Toàn, 1995).

Theo tác giả Trần Kiểm: “Quản lí một hệ thống xã hội là tác động có mục đích đến tập thể người-thành viên của hệ-nhằm làm cho hệ vận hành thuận lợi và đạt tới mục đích dự kiến” (Trần Kiểm, 1990).

Theo tác giả Mai Hữu Khuê quan niệm: "Quản lí là sự tác động có mục đích tới tập thể những người lao động nhằm đạt được những kết quả nhất định và mục đích đã định trước (Mai Hữu Khuê, 1982).

Dù tiếp cận bằng cách nào cũng cần xem xét bản chất của chức năng lao động đặc biệt này. Bản chất của hoạt động quản lí là tổ chức, chỉ huy và điều khiển phù hợp quy luật của chủ thể quản lý nhằm thực hiện có hiệu quả những mục tiêu của tổ chức đã đề ra.

Tóm lại các quan niệm trên đây, tuy mỗi quan niệm nhấn mạnh mặt này hay mặt khác nhưng đều có điểm chung thống nhất xác định quản lí là hoạt động có tổ chức, có mục đích nhằm đạt tới mục tiêu xác định. Hay nói một cách khái quát nhất: quản lí là một quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch, hợp quy luật của chủ thể quản lí tới khách thể quản lí nhằm đạt được các mục tiêu của tổ chức đã đề ra.

- Hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Theo tâm lý học “Hoạt động là phương thức tồn tại của con người trong thế giới. Hoạt động tạo nên mối quan hệ tác động qua lại giữa con người với thế giới khách quan và với chính bản thân mình, qua đó tạo ra sản phẩm cả về thế giới (khách thể), cả về phía con người (chủ thể).

Mọi hoạt động của con người đều có tính mục đích. Con người hiểu được mục đích hoạt động của mình, từ đó mới định rõ chức năng, nhiệm vụ, động lực của hoạt động để đạt hiệu quả trong công việc. C.Mác cho rằng, hoạt động của con người là hoạt động có mục đích, có ý thức; mục đích, ý thức ấy như một quy luật, quyết định phương thức hoạt động và bắt ý chí con người phụ thuộc vào nó.

Theo quan điểm lý thuyết về hoạt động, A.N.Leontiev cho rằng hoạt động “là một tổ hợp các quá trình con người tác động vào đối tượng nhằm đạt mục đích thỏa mãn một nhu cầu nhất định và chính kết quả của hoạt động là sự cụ thể hóa nhu cầu của chủ thể” (Nguyễn Thị Thu Hiền, 2017).

Theo tác giả, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn là tổ hợp quá trình tác động có mục đích của con người, đó là quá trình giảng viên truyền bá những kiến thức về lý thuyết và thực hành để những người lao động nông thôn có được một

trình độ, kỹ năng, kỹ xảo, sự khéo léo thành thục nhất định về lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.

- Quản lí hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Từ những quan niệm về quản lí và hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn có thể hiểu: Quản lý hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn là những tác động của nhà quản lý đến quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động đào tạo nghề, giúp người lao động nông thôn thích ứng được với các yêu cầu của nghề nhất định.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lí hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên, tỉnh sóc trăng​ (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)