- Tốc độ phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ ảnh hưởng đến sự chuyển dịch cơ cấu lao động. Điều này đòi hỏi cần phải đào tạo nghề cho người lao động đang hoạt động trong những lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp (nông nghiệp) sang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - thương mại - dịch vụ ... (phi nông nghiệp) (Đinh Thị Yến, 2017).
Thực tế cũng cho thấy, khi nền kinh tế nước ta trong thời kỳ khủng hoảng (thập kỷ 80 của thế kỷ XX), nhu cầu công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ cũng giảm theo, đồng thời làm cho hệ thống các trường dạy nghề suy giảm. Tuy nhiên, khi nền kinh tế dần phục hồi, thì nhu cầu nhân lực về công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ tăng cả về số lượng, chất lượng, từ đó, làm cho công tác đào tạo nghề phát triển theo (Đinh Thị Yến, 2017).
- Cơ hội và thách thức của toàn cầu hoá và yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế
Hiện nay, chất lượng lao động là yếu tố hàng đầu quyết định sự thành bại trong cạnh tranh quốc tế. Những năm gần đây, Việt Nam gặp rất nhiều bất lợi trong cạnh tranh. Yếu tố quan trọng của sự hạn chế này là lực lượng lao động chất lượng thấp. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng lao động nước ta đang là một đòi hỏi cấp thiết. Chất lượng lao động chỉ có thể được nâng cao thông qua quá trình giáo dục và đào tạo, trong đó đào tạo nghề là một yếu tố cấu thành quan trọng. Yêu cầu này đòi hỏi
công tác dạy nghề phải phát triển cả quy mô, lẫn chất lượng đào tạo (Đinh Thị Yến, 2017).
- Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước
ĐTN nghề có chi phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, vì vậy muốn dạy nghề phát triển thì Nhà nước phải có các chính sách đầu tư; đồng thời phải ban hành hệ thống văn bản tạo hành lang pháp lý, tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích dạy nghề phát triển (Đinh Thị Yến, 2017).
Kể từ khi Luật dạy nghề ra đời năm 2006, Luật GDNN ra đời năm 2014, các chính sách mới liên quan về dạy nghề cho người lao động được ban hành, phù hợp với thực tế ĐTN như việc ban hành các chính sách đầu tư cho ĐTN: Dự án nâng cao năng lực dạy nghề thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo, trong đó có hợp phần dạy nghề cho LĐNT; Đề án phát triển đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020; Chính sách đối với người học nghề (miễn giảm học phí, cử tuyển, giới thiệu việc làm…); Chính sách đối với trường nghề và trung tâm dạy nghề; Chính sách đối với giáo viên, giảng viên tham gia dạy nghề và cán bộ quản lý dạy nghề; Chính sách đối với doanh nghiệp tham gia dạy nghề, nhận lao động qua sau khi được dạy nghề (Đinh Thị Yến, 2017).
Nhà nước quản lý dạy nghề thông qua hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật như: quy định về thành lập, đăng ký hoạt động dạy nghề, quy chế hoạt động của trường dạy nghề; chương trình khung; mã nghề; quy định liên thông các trình độ tay nghề; kiểm định chất lượng dạy nghề. Đó là những chính sách quan trọng giúp phát triển dạy nghề (Đinh Thị Yến, 2017).
- Đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội địa phương
Mỗi địa phương đều có những đặc điểm tự nhiên và điều kiện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội khác nhau. Ở đâu phát triển mạnh về kinh tế, có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, làng nghề truyền thống phát triển thì ở đó có nhu cầu về lao động lớn, ngành nghề đa dạng đòi hỏi trình độ tay nghề của người lao động cao hơn các địa phương khác, số lượng ngành nghề cần được đào tạo cũng nhiều hơn, phong phú hơn. Ở địa phương nào sản xuất thuần nông, ở đó nhu cầu ĐTN phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tăng. Nơi nào chính quyền địa phương có
những chủ trương đúng, có chính sách ưu đãi cho công tác ĐTN và tạo việc làm cho người lao động sau ĐTN thì ở đó công tác ĐTN được phát triển...
- Nhận thức của xã hội về đào tạo nghề
Nhận thức của xã hội về ĐTN tác động mạnh đến công tác ĐTN, ảnh hưởng rõ rệt nhất của nó là tới lượng học viên đầu vào cho các cơ sở dạy nghề. Thực tế công tác ĐTN hiện nay chưa được xã hội nhận thức đầy đủ và đúng đắn. Thứ nhất, vì những hạn chế, những rào cản của ĐTN. Thứ hai, do tâm lý ưa chuộng khoa bảng, bằng cấp của gia đình, người học nghề và xã hội. Không ít các gia đình coi việc vào đại học như là con đường duy nhất để tiến thân, kiếm được việc nhàn hạ.
Nếu mọi người lao động trong xã hội đánh giá được đúng đắn hơn tầm quan trọng của việc học nghề thì lượng lao động tham gia học nghề sẽ chiếm một tỷ lệ lớn hơn so với toàn bộ số lao động trên thị trường và sẽ có cơ cấu trẻ hơn, đa dạng hơn. Hơn nữa, nếu người lao động nhận thức được rằng giỏi nghề là một phẩm chất quý giá của mình, là cơ sở vững chắc để có việc làm và thu nhập ổn định thì công tác ĐTN sẽ nhận được thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ cần thiết từ xã hội.
- Cơ sở vật chất và thiết bị và tài chính đầu tư cho đào tạo nghề
Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề bao gồm: phòng học, xưởng thực hành cơ bản và thực tập sản xuất, thư viện, học liệu, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập… Đây là yếu tố hết sức quan trọng, nó tác động trực tiếp đến chất lượng dạy nghề, ứng với mỗi nghề dù đơn giản hay phức tạp cũng cần phải có các máy móc, trang thiết bị chuyên dùng phục vụ cho giảng dạy và học tập. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị nghề càng tốt, càng hiện đại bao nhiêu, theo sát với máy móc phục vụ cho sản xuất bao nhiêu thì người học viên có thể thích ứng, vận dụng nhanh chóng với sản xuất trong doanh nghiệp bấy nhiêu. Chất lượng của cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề đòi hỏi phải theo kịp tốc độ đổi mới hiện đại hóa của máy móc, thiết bị sản xuất (Đinh Thị Yến, 2017).
Nguồn tài chính đầu tư công tác dạy nghề có vị trí hết sức quan trọng, có tính chất quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các cơ sở dạy nghề. Tài chính bao gồm các khoản chi cho việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, chi phí công tác quản lý, tiền lương và các hoạt động khác của các cơ sở dạy nghề.
Có thể thấy được đào tạo nghề là hình thức đào tạo tốn kém nên rất cần sự đầu tư đúng mức của chính phủ và hỗ trợ kinh phí từ các nguồn khác (Đinh Thị Yến, 2017).