1.4. Lí luận về quản lí hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Trung
1.4.2. Tổ chức hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Chức năng tổ chức của quản lý là thiết kế cơ cấu, phương thức và quyền hạn hoạt động của các bộ phận quản lý sao cho phù hợp với mục tiêu của tổ chức. Đây là chức năng phát huy vai trò, nhiệm vụ, sự vận hành và sức mạnh của tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của quản lí. Có thể nói tổ chức là một công cụ. Nhiệm vụ của nó càng chuyên sâu thì khả năng hoạt động có hiệu quả càng cao. Sản phẩm của một tổ chức chỉ tồn tại bên ngoài nó. Một tổ chức phải có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng như quy chế, quy định, nội quy ... và coi đây là điều kiện để tổ chức hoạt động có hiệu quả. Tổ chức phải có sự bình đẳng trong quan hệ (Trần Kiểm, 2014).
Một tổ chức tốt phải được xây dựng trên các nguyên tắc sau (Trần Kiểm, 2014): - Xác định cơ cấu của tổ chức phải gắn với mục đích, mục tiêu của hệ thống, phải gắn với nội dung công việc cụ thể. Vì cơ cấu tổ chức là công cụ để thực hiện mục tiêu của hệ thống.
- Việc xây dựng cơ cấu tổ chức phải bảo đảm nguyên tắc chuyên môn hóa, cân đối và dựa vào nhiệm vụ cụ thể. Con người trong cơ cấu tổ chức phải được sắp xếp phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Phải cụ thể hóa nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và lợi ích của từng bộ phận, từng cá nhân.
- Xây dựng tiêu chuẩn hóa trong tổ chức giúp cho nhà quản lí và các thành viên đánh giá và tự đánh giá công việc của mình.
- Cơ cấu tổ chức của một hệ thống còn liên quan đến tầm quản lí. Tầm quản lí là giới hạn quản lí mà người quản lí có thể giám sát có hiệu quả.
Sự phát triển của quản lí đã dẫn đến việc hình thành các kiểu cơ cấu tổ chức quản lí khác nhau. Đó là: Kiểu cơ cấu tổ chức trực tuyến, kiểu chức năng, kiểu cơ cấu trực tuyến-chức năng; kiểu tổ chức chính thức và không chính thức; kiểu ma trận. Mỗi kiểu đều có ưu điểm, nhược điểm riêng. Tùy theo điều kiện cụ thể, có thể lựa chọn cho phù hợp để vận hành có hiệu quả (Trần Kiểm, 2014).
- Tổ chức hoạt động ĐTN cho LĐNT tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên bao gồm các nội dung sau (Nguyễn Đức Thu, 2017):
+ Bố trí, phân công đội ngũ giáo viên dạy nghề:
Sau khi được Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, UBND cấp huyện giao chỉ tiêu về ĐTN cho LĐNT trong năm thì căn cứ vào số lớp, kinh phí được giao. Giám đốc chỉ đạo tổ Đào tạo nghề - Hướng nghiệp phân công các giáo viên theo định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm học. Từ 500 đến 580 giờ chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp và bố trí 1 giáo viên trên một lớp, yêu cầu về trình độ chuyên môn đối với giáo viên dạy nghề phải có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề hoặc trung cấp trở lên, có chuyên ngành phù hợp với nghề giảng dạy hoặc có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề phù hợp với nghề giảng dạy trình độ sơ cấp sau: Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 1 hoặc chứng
nhận thợ bậc 3/7, 2/6 hoặc chứng nhận nghệ nhân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc tương đương trở lên.
+ Phối hợp các lực lượng cùng tham gia quản lý:
Trung tâm thường xuyên phối kết hợp với Phòng Lao động, Phòng Nông nghiệp (Phòng Kinh tế) và Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn cấp huyện, đặc biệt là đại diện các ban ngành đoàn thể, giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy để quản lý hoạt động ĐTN.
+ Tổ chức hoạt động dạy theo thời gian, theo loại hình nghề:
Đối với Trung tâm việc ĐTN cho LĐNT chủ yếu là dạy nghề ở trình độ sơ cấp nghề và trình độ dưới 3 tháng, các nghề được đào tạo chủ yếu là nhóm nghề nông nghiệp nghề phi nông nghiệp.