1.3. Lí luận về hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Trung tâm
1.3.4. Kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo là khâu quan trọng trong quá trình dạy và học. Kiểm tra, đánh giá có quan hệ hữu cơ với quá trình dạy nghề và học nghề. Nó là động lực giúp cho người học tích cực hoạt động. Kiểm tra, đánh giá giúp cho nhà quản lí điều chỉnh, cải tiến nội dung chương trình, điều chỉnh kế hoạch, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học.
Việc kiểm tra được thực hiện trong quá trình đào tạo, gồm: kiểm tra đầu khóa, kiểm tra kết thúc mô-đun, môn học, chương trình đào tạo (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thông tư số 43/2015/TT- BLĐTBXH, 2015).
- Kiểm tra đầu khóa học: Khi bắt đầu khóa học, giáo viên, người dạy nghề thực hiện kiểm tra, đánh giá về kiến thức, kỹ năng mềm và kỹ năng nghề đối với học viên
để chuẩn bị nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp. Nội dung, phương pháp kiểm tra do giáo viên, người dạy trực tiếp giảng dạy lựa chọn, quyết định.
- Kiểm tra kết thúc mô-đun, môn học, chương trình đào tạo: Nội dung, hình thức và điều kiện kiểm tra khi kết thúc mô-đun, môn học, chương trình đào tạo do người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân mở lớp đào tạo nghề quyết định và được quy định trong chương trình đào tạo.
+ Kết quả kiểm tra được đánh giá theo một trong hai mức: Đạt yêu cầu và Không đạt yêu cầu, có chữ ký và ghi rõ họ, tên của người đánh giá.
+ Học viên có kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu, thì phải tự ôn tập nội dung, kiến thức và thực hành nghề đã học để dự kiểm tra lại. Số lần kiểm tra lại tối đa là hai lần. Nếu kiểm tra lại lần thứ hai vẫn không đạt yêu cầu, thì phải học lại (nếu học viên có nhu cầu).
Mô - đun là đơn vị học tập được tích hợp giữa kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp một cách hoàn chỉnh nhằm giúp cho người học có năng lực thực hành trọn vẹn một hoặc một số công việc của một nghề (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thông tư số 42/2015/TT- BLĐTBXH, 2015).