Phương pháp, hình thức, phương tiện đào tạo nghề cho lao động

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lí hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên, tỉnh sóc trăng​ (Trang 32 - 35)

1.3. Lí luận về hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Trung tâm

1.3.3. Phương pháp, hình thức, phương tiện đào tạo nghề cho lao động

Trung tâm GDNN-GDTX tổ chức đào tạo các nghề cho lao động nông thôn ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng chủ yếu tập trung ở nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp theo yêu cầu của thị trường lao động, việc thực hiện nội dung đào tạo theo chương trình khung do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành. Theo thông tư số 31/2010/TTBLĐTBXH ngày 08 tháng 10 năm 2010 của Bộ LĐ-TBXH hướng dẫn nguyên tắc, nội dung, cấu trúc, thời gian, quy trình tổ chức xây dựng, thẩm định, phê duyệt chương trình, giáo trình dạy nghề trình độ sơ cấp, để người đứng đầu làm căn cứ khi xây dựng chương trình, giáo trình và các quy định về đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên theo Thông tư số 42/2015/TT- BLĐTBXH và Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ LĐ- TB&XH.

Nội dung chương trình ĐTN cho LĐNT phải đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Phù hợp với nhu cầu của người lao động và xu thế phát triển của xã hội, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

+ Kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực hành giúp người lao động có tay nghề cao.

+ Nội dung đào tạo đảm bảo gắn liền với thực tế. + Nội dung đào tạo phong phú, đa dạng.

1.3.3. Phương pháp, hình thức, phương tiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn thôn

- Phương pháp đào tạo

Phương pháp đào tạo là cách thức hành động để đạt được mục tiêu mong muốn trong những điều kiện và bối cảnh nhất định. Phương pháp đào tạo có thể được hiểu là cách thức hoạt động của người dạy và người học nhằm thực hiện các nội dung dạy học để đạt được mục tiêu đề ra với những điều kiện cụ thể và môi trường,

phương tiện học tập, thời gian đào tạo … Khái niệm phương pháp đào được hiểu chung nhất là cách thức hành động (hoạt động) hướng tới đạt được những mục tiêu, mục đích đã định. Phương pháp đào tạo được hiểu là cách thức tổ chức các hoạt động của người dạy (thầy) và người học nhằm hình thành và phát triển ở người học các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và phát triển nhân cách nghề nghiệp trong quá trình đào tạo (Bùi Thị Thúy Hằng và Nguyễn Thị Hương Giang).

Tại khoản 1, điều 34, Luật giáo dục 2005 có nêu: “ Phương pháp ĐTN phải kết hợp rèn luyện kỹ năng thực hành với giảng dạy lý thuyết để giúp người học có khả năng hành nghề và phát triển nghề nghiệp theo yêu của từng công việc” (Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2005).

Đối với đào tạo trình độ sơ cấp sẽ chú trọng rèn luyện kỹ năng thực hành nghề và phát huy tính tích cực tự giác của người học (Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2014).

Đối với đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng, phương pháp đào tạo là dạy tích hợp giữa lý thuyết với thực hành, lấy thực hành là chính; đồng thời phải gắn với thực tế sản xuất, kinh doanh (vừa làm, vừa học); phát huy vai trò chủ động, năng lực tự học và kinh nghiệm của người học; sử dụng phương tiện hiện đại và công nghệ thông tin truyền thông để nâng cao chất lượng hiệu quả dạy và học (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thông tư số 43/2015/TT- BLĐTBXH, 2015).

Để đạt được điểu đó giáo viên cần tiến hành áp dụng các nhóm phương pháp phù hợp với hoạt động đào tạo nghề như:

+ Nhóm phương pháp truyền đạt bằng lời; + Nhóm phương pháp trực quan;

+ Nhóm phương pháp dạy thực hành;

+ Nhóm phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả.

Trong thực tế, khi giảng dạy mỗi nhóm phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng của nó nên trong quá trình thực hiện ĐTN cần lựa chọn và vận dụng kết hợp các phương pháp với nhau.

- Hình thức đào tạo

Trung tâm GDNN-GDTX đào tạo theo hình thức kèm cặp nghề, truyền nghề, tập nghề; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động trong doanh nghiệp; bồi dưỡng hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; đào tạo nghề cho lao động nông thôn và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng (Bộ lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH- BGDĐT-BNV, 2015).

- Theo phương thức đào tạo có dạy nghề và truyền nghề. Dạy nghề là truyền bá những kiến thức về lý thuyết và hực hành để những người lao động nông thôn có được một trình độ, kỹ năng, kỹ xảo, sự khéo léo, thành thục nhất định về nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Dạy nghề gắn với các tổ chức chuyên hoạt động dạy nghề. Truyền nghề là truyền bá kỹ năng thực hành để những người lao động nông thôn có được một trình độ, kỹ năng, kỹ xảo, sự khéo léo, thành thục nhất định về nghề nghiệp. Dạy nghề và truyền nghề thường áp dụng trong đào tạo nghề cho các lao động trực tiếp với các kỹ năng nghề nghiệp mang tính kỹ thuật (Phạm Thị Tuyến, 2015).

- Theo mức độ truyền bá kiến thức nghề có đào tạo nghề mới, đào tạo lại nghề và bồi dưỡng nâng cao tay nghề (Phạm Thị Tuyến, 2015).

Đào tạo nghề mới: Là đào tạo những người chưa có nghề. Đào tạo mới nhằm tăng thêm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cho xã hội. Đào tạo mới có thể thực hiện ở các cơ sở dạy nghề chuyên hoặc trong từng cơ sơ sản xuất kinh doanh.

Đào tạo lại: Là đào tạo với những người có nghề nhưng do yêu cầu mới của sản xuất và tiến bộ kỹ thuật dẫn đến việc thay đổi cơ cấu ngành nghề, trình độ chuyên môn, nên cần đào tạo lại cho phù hợp với cơ cấu ngành nghề và trình dộ mới, đáp ứng yêu cầu công việc. Đào tạo lại giúp người lao động có cơ hội học tập một lĩnh vực chuyên môn mới để thay đổi nghề, nên thường được thực hiện ở cơ sở đào tạo chuyên.

Bồi dưỡng nâng cao tay nghề: Là quá trình cập nhật kiến thức còn thiếu, bổ túc nghề, đào tạo thêm hoặc củng cố các kỹ năng nghề nghiệp theo từng chuyên môn. Hình thức này cũng thường được thực hiện ở cơ sở đào tạo chuyên.

- Theo thời gian, nội dung chương trình đào tạo có đào tạo dài hạn và đào tạo ngắn hạn.

Đào tạo dài hạn: là đào tạo một cách bài bản, theo chương tình chuẩn. Thời gian đào tạo từ 1 đến 4 năm tùy theo loại nghề, mức độ phức tạp của nghề. Đào tạo dài hạn chủ yếu được thực hiên ở các trường dạy nghề, các trường trung cấp kỹ thuật và các trường cao đẳng có đào tạo nghề. Đây là những cơ sở đào tạo nghề có đủ điều kiện để tổ chức dạy nghề dài hạn.

Đào tạo ngắn hạn: là đào tạo nghề theo chương trình với thời gian từ một vài tháng đến dưới 1 năm. Dạy nghề ngắn hạn thường tập trung ở các trung tâm dạy nghề, lớp dạy nghề độc lập hoặc gắn với doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo khác có đăng ký dạy nghề ngắn hạn theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

- Phương tiện đào tạo: bao gồm cơ sở vật chất và các thiết bị cần thiết phục vụ

cho hoạt động đào tạo nghề như: phòng học lý thuyết, xưởng thực hành cơ bản và thực tập sản xuất, thư viện, học liệu, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập, nhà ở cho học viên, khu làm việc cho cán bộ, giáo viên dạy nghề...

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lí hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên, tỉnh sóc trăng​ (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)