Mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lí hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên, tỉnh sóc trăng​ (Trang 30 - 32)

1.3. Lí luận về hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Trung tâm

1.3.1. Mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Xét trên khía cạnh mục tiêu tổng quát, giáo dục nghề ngiệp đặt mục tiêu trọng tâm vào “đào tạo nhân lực”, đó là đào tạo lực lượng lao động có chuyên môn, nghiệp vụ ở trình độ sơ cấp và trung cấp (dưới Đại học) theo cơ cấu ngành nghề hợp lí và thái độ nghề nghiệp phù hợp để tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ … đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Xét trên khía cạnh mục tiêu cụ thể, mục tiêu của GDNN được thể hiện ở hệ thống các năng lực thực hiện bao hàm các kiến thức, kỹ năng và thái độ mà người tốt nghiệp của hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải đạt được để theo các tiêu chuẩn đào tạo ở trình độ tương ứng trong ngành nghề hoặc lĩnh vực ngành nghề, đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động thể hiện ở tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp, các tiêu chuẩn kỹ năng nghề.

Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 có đề ra mục tiêu chung của GDNN là nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đào đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo; thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn (Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2014).

Theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” có đề ra mục tiêu tổng quát: Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Như vậy, mục tiêu của đào tạo nghề cho lao động nông thôn là tạo cho người lao động có một nghề để có thể tự tạo việc làm trong nông nghiệp (tăng năng suất lao động) hoặc tìm được việc làm phi nông nghiệp (ở nông thôn hoặc ngoài nông thôn). Nói cách khác, đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, đây là vấn đề cốt lõi đối với dạy nghề cho lao động nông thôn.

- Mục tiêu tổng quát đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Sóc Trăng

Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, với sử dụng lao động, phấn đấu tăng tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề (UBND tỉnh Sóc Trăng, 2011).

Đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ lao động kỹ thuật cao, với quy mô và cơ cấu ngành nghề phù hợp, đáp ứng nhu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và nhu cầu của người sử dụng lao động trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là nhu cầu xuất khẩu lao động (UBND tỉnh Sóc Trăng, 2011).

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh (kể cả đầu tư nước ngoài) tham gia phát triển đào tạo nghề, tổ chức dạy nghề đa dạng, linh hoạt, phong phú cả về quy mô và số lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của người học nghề (UBND tỉnh Sóc Trăng, 2011).

- Mục tiêu cụ thể đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Sóc Trăng

Giai đoạn 2011 - 2015, đào tạo, bồi dưỡng cho 125.000 người; khoảng 115.700 người được học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng; 9.300 người học nghề trình độ trung cấp và cao đẳng nghề. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trên 70%. Phấn đấu đến năm 2011, tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 29% và đến cuối năm 2015 đạt trên 45% (UBND tỉnh Sóc Trăng, 2011).

Giai đoạn 2016 - 2020, đào tạo, bồi dưỡng cho 65.000 người, trong đó: đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp là 4.800 người, trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 60.200 người. Tỷ lệ có việc làm sau học nghề trên 70%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26% (UBND tỉnh Sóc Trăng, 2015).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lí hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên, tỉnh sóc trăng​ (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)