Biện pháp rèn luyện kĩ năng dạy học

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng xây dựng và sử dụng câu hỏi cho sinh viên khoa sinh đại học sư phạm để dạy học sinh học (Trang 39 - 41)

Theo từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) định nghĩa: “Biện pháp là cách làm, cách giải quyết một vấn đề cụ thể” [59].

Trong cuốn từ điển tiếng Việt tường giải và liên tưởng (Nguyễn Văn Đạm chủ biên) định nghĩa: “Biện pháp là cách làm, cách hành động, đối phó để đi tới mục đích nhất định” (dẫn theo Đào Thị Hiền) [30, tr.25].

Trong nghiên cứu của mình chúng tôi sử dụng định nghĩa: “Biện pháp là cách làm để thực hiện một công việc nào đó nhằm đạt được mục đích đề ra”.

Trên cơ sở định nghĩa về biện pháp và định nghĩa về kĩ năng chúng tôi đề xuất một số định nghĩa liên quan tới đề tài như sau:

- Biện pháp rèn luyện kĩ năng dạy học là cách tổ chức, huấn luyện cho người học (SV) thực hiện kĩ năng nhằm hình thành và phát triển một hoặc một số kĩ năng dạy học nào đó.

- Biện pháp rèn luyện kĩ năng xây dựng câu hỏi trong dạy học là cách tổ chức, huấn luyện cho người học thực hiện hoạt động xây dựng câu hỏi để tổ chức hoạt động dạy học.

- Biện pháp rèn luyện kĩ năng sử dụng câu hỏi trong dạy học là cách tổ chức, huấn luyện cho người học thực hiện hoạt động sử dụng câu hỏi để tổ chức hoạt động dạy học.

Như vậy, để hình thành cho SV năng lực sư phạm nói chung, kĩ năng dạy học nói riêng cần phải thông qua các hoạt động đào tạo như dạy học, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, thông qua thực hành thực tập sư phạm và một số hoạt động bổ trợ khác. Những thành tựu của tâm lí học hiện đại đã khẳng định: tâm lí, ý thức, nhân cách của cá nhân được hình thành và phát triển trong hoạt động. Vì vậy, để hình thành năng lực nghề nghiệp cho SV không có con đường nào khác là đưa họ tham gia vào các hoạt động nghề nghiệp. Năng lực sư phạm của người GV không chỉ được hình thành và phát triển trong thời gian đào tạo ở trường sư phạm mà nó còn được củng cố và hoàn thiện trong suốt quá trình dạy học và giáo dục của họ sau khi họ ra trường.

Trong quá trình đào tạo ở trường sư phạm, nhà trường chỉ có khả năng trang bị cho SV những hiểu biết lí thuyết về các năng lực cần có với những kĩ năng cơ bản tương ứng, bước đầu biết vận dụng vào các hoạt động trong rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, vào các hoạt động dạy học và giáo dục trong kiến tập, thực tập sư phạm đặc biệt là giai đoạn đầu khi mới ra trường, để họ có khả năng từng bước thích ứng với công việc của mình.

Theo Nguyễn Đình Chỉnh, có các biện pháp giáo dục và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho SV như sau [17, tr.21-23]:

Thứ nhất là thông qua các hoạt động dạy học: Đây là con đường quan trọng và chủ yếu trong quá trình đào tạo nghề cho SV. Tất cả các môn học trong chương trình đào tạo của nhà trường sư phạm đều có khả năng giáo dục, nâng cao năng lực nghề nghiệp cho SV. Đặc biệt thông qua các môn học như tâm lí học, giáo dục học, PPDH bộ môn sẽ giúp SV có được những tri thức cơ bản, làm cơ sở cho việc hình thành các kĩ năng giảng dạy và giáo dục. Thông qua hoạt động học tập ở trường sư phạm, SV không chỉ được tiếp thu các tri thức về chuyên môn và nghiệp vụ mà còn được quan sát, tiếp thu, học hỏi các thao tác, các kĩ năng sư phạm của các cán bộ giảng dạy để bắt chước, chọn lọc những điều cần thiết cho nghề nghiệp của mình sau này ở trường phổ thông.

Thứ hai là thông qua các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên và một số hoạt động bổ trợ khác trong trường sư phạm: Thông qua các hoạt động như soạn giáo án, tập giảng, hội thảo khoa học, xêmina, thi nghiệp vụ sư phạm, điều khiển một buổi sinh hoạt, sinh hoạt tập thể, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao… SV có cơ hội vận dụng những tri thức khoa học về chuyên môn, nghiệp vụ để giải quyết các bài tập thực tiễn, nhờ đó mà các kĩ năng nghề nghiệp được hình thành, củng cố và phát triển. Cũng chính thông qua các loại hình hoạt động này mà SV có điều kiện gắn lí luận với thực tiễn, tạo cho họ cơ hội “hiểu sâu, nhớ lâu, vận dụng tốt”.

Thứ ba là thông qua các hoạt động kiến tập, thực tập sư phạm: Thực tập sư phạm là một giai đoạn quan trọng nhằm kiểm tra sự chuẩn bị về mặt lí luận và thực hành của SV để giải quyết những công việc của một GV tương lai, đồng thời là một quá trình học tập quan trọng đối với SV. Hoạt động này có tác dụng tạo ra nguồn hứng thú trực tiếp cho SV đối với nghề nghiệp, giúp SV thích nghi dần với các yêu cầu của hoạt động sư phạm, nhận thấy và khắc phục những thiếu sót của mình trong quá trình rèn luyện ở trường sư phạm từ đó có kế hoạch và biện pháp tự rèn luyện, hoàn thiện dần tay nghề của bản thân. Thực tập sư phạm đòi hỏi SV phải thực sự làm việc độc lập, phải biết vận dụng tổng hợp vốn hiểu biết của mình để thực hiện tốt các công việc ở trường phổ thông. Đây cũng là cơ hội tốt để SV thể nghiệm và thể hiện những gì họ

có được trong quá trình học tập, là điều kiện để họ rèn luyện các kĩ năng nghề nghiệp, bộc lộ các phẩm chất và năng lực của bản thân.

Trong các công trình nghiên cứu liên quan tới việc rèn luyện kĩ năng dạy học Sinh học, Kĩ thuật nông nghiệp cho SV, các tác giả Phan Đức Duy, Văn Thị Thanh Nhung, Trịnh Đông Thư, Nguyễn Văn Hiền [21] [52] [66] [31] đã đưa ra một số biện pháp khác nhau khi rèn luyện kĩ năng dạy học tương ứng như sử dụng bài tập tình huống, sử dụng tài liệu hướng dẫn và băng hình hoặc sử dụng các bài tập thực hành gắn với phương tiện kĩ thuật (nếu cần).

Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi dựa vào cơ sở các biện pháp rèn luyện kĩ năng dạy học của Nguyễn Đình Chỉnh và biện pháp rèn luyện kĩ năng của một số tác giả trên để lựa chọn và đề xuất một số biện pháp cụ thể, đồng thời biên soạn hệ thống bài tập phù hợp với quá trình rèn luyện kĩ năng xây dựng và sử dụng câu hỏi cho SV để dạy học Sinh học. Nội dung các biện pháp này được trình bày trong chương 2 của luận án.

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng xây dựng và sử dụng câu hỏi cho sinh viên khoa sinh đại học sư phạm để dạy học sinh học (Trang 39 - 41)