Khái niệm kĩ năng dạy học

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng xây dựng và sử dụng câu hỏi cho sinh viên khoa sinh đại học sư phạm để dạy học sinh học (Trang 32 - 34)

Theo Xavier Roegiers thì “Kĩ năng dạy học là nói tới khả năng thực hiện có kết quả một số hay một loạt các thao tác của một hành động giảng dạy” [61, tr.79].

Theo Nguyễn Như An: “Kĩ năng dạy học là khả năng thực hiện có kết quả một số thao tác hay một loạt thao tác phức tạp của một hành động sư phạm bằng cách lựa

chọn và vận dụng những tri thức, những cách thức, những quy trình đúng đắn” [3, tr.21].

Kế thừa quan điểm này, tác giả Trần Anh Tuấn khẳng định: “Kĩ năng dạy học là sự thực hiện có kết quả một số thao tác hay một loạt thao tác của một hành động giảng dạy bằng cách lựa chọn và vận dụng những tri thức chuyên môn và nghiệp vụ cần thiết vào các tình huống dạy học xác định” [70, tr.81].

Tác giả Phan Thanh Long thì đưa ra định nghĩa: “Kĩ năng dạy học là khả năng vận dụng những tri thức về chuyên môn nghiệp vụ của GV để võ trang tri thức khoa học, phát triển trí tuệ và hình thành thế giới quan, hành vi đạo đức cho HS” [45, tr.25].

Trần Bá Hoành, trong nghiên cứu về dạy học Sinh học, tác giả định nghĩa: “Kĩ năng dạy học nói tới khả năng thực hiện có kết quả một số thao tác hay một loạt các thao tác của một hành động giảng dạy, bằng cách lựa chọn, vận dụng những tri thức, những cách thức và quy trình hợp lí” [34, tr.18]. Cũng theo tác giả, mỗi khâu của quá trình dạy học có những nhóm kĩ năng dạy học tương ứng: kĩ năng chuẩn bị lên lớp; kĩ năng lên lớp; kĩ năng thực hiện các hình thức tổ chức dạy học khác; kĩ năng kiểm tra đánh giá kết quả dạy học. Trong mỗi nhóm kĩ năng lại gồm nhiều kĩ năng nhỏ. Cụ thể: - Trong nhóm kĩ năng chuẩn bị lên lớp có các kĩ năng: xác định mục tiêu bài học;

phân tích chương trình và SGK; nghiên cứu đặc điểm, trình độ HS; xây dựng kế hoạch dạy học; soạn giáo án; chuẩn bị các phương tiện dạy học.

- Trong nhóm kĩ năng thực hiện bài lên lớp có các kĩ năng: ổn định lớp; kiểm tra bài cũ, thực hiện bài mới; củng cố bài học; hướng dẫn tự học, ra bài tập về nhà.

- Trong nhóm kĩ năng thực hiện các hình thức tổ chức dạy học khác có các kĩ năng: tổ chức các hoạt động ngoại khoá, tham quan, thực tập.

- Trong nhóm kĩ năng thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học có các kĩ năng: làm để kiểm tra, thi; làm đáp án và thang điểm; tổ chức kiểm tra, thi; chấm, trả bài.

Tác giả Nguyễn Đức Thành [64] thì xác định các kĩ năng quan trọng đối với GV Sinh học, Kĩ thuật nông nghiệp là:

- Nhóm kĩ năng chuẩn bị bài dạy gồm: kĩ năng xác định mục tiêu, phân tích cấu trúc nội dung bài dạy, kĩ năng lựa chọn con đường, phương pháp, biện pháp tổ chức HS học tập.

- Nhóm kĩ năng tổ chức thực hiện bài dạy gồm: kĩ năng định hướng học tập, kĩ năng hướng dẫn và tổ chức HS hoạt động học tập, kĩ năng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.

- Nhóm kĩ năng đánh giá kết quả bài dạy gồm kĩ năng nhận xét bài dạy, kĩ năng tổng hợp dạy học.

Tác giả Phan Đức Duy thì đề xuất 12 kĩ năng mà GV Sinh học cần thiết được rèn luyện đó là: kĩ năng xác định mục tiêu bài học; kĩ năng xác định nội dung cơ bản, trọng tâm, mở rộng, chỉnh lí tài liệu giáo khoa; kĩ năng xác định phương pháp, biện pháp dạy học phù hợp cho bài học; kĩ năng lập dàn bài hợp lí; kĩ năng hướng dẫn HS làm việc với tài liệu học tập; kĩ năng vào đề, chuyển ý, nêu vấn đề; kĩ năng thiết lập và sử dụng bảng biểu, sơ đồ; kĩ năng hỏi đáp; kĩ năng sử dụng các phương tiện dạy học, kĩ năng củng cố bài học; kĩ năng ra bài tập vận dụng để HS tự rèn ở nhà; kĩ năng ra câu hỏi, xây dựng đáp án, thang điểm đánh giá [21, tr.37].

Tác giả Trịnh Đông Thư khi nghiên cứu về việc rèn luyện cho SV kĩ năng soạn bài học Sinh học đã chia thành 3 nhóm kĩ năng chính [7] [66, tr.18]:

- Nhóm kĩ năng phân tích nội dung bài học gồm các kĩ năng: xác định mục tiêu bài học; phân tích và xác định nội dung trọng tâm của bài học; trình bày bố cục của bài; tóm tắt nội dung SGK; sơ đồ hóa nội dung; lập và sử dụng bảng số liệu; lựa chọn ví dụ để dạy học; đọc tài liệu tham khảo để lựa chọn thông tin cần thiết bổ sung cho bài dạy.

- Nhóm kĩ năng xác định PPDH gồm: đặt vấn đề vào bài; xác định và sử dụng PPDH; lựa chọn và sử dụng các phương tiện trực quan; khai thác nội dung kiến thức từ sơ đồ, hình vẽ; đặt và sử dụng câu hỏi; tổ chức thảo luận nhóm; thiết kế hoạt động học tập; tổ chức bài thực hành thí nghiệm; chuyển đoạn, củng cố bài học.

- Nhóm kĩ năng ra bài kiểm tra và lập đáp án gồm: ra đề kiểm tra đánh giá; làm đáp án cho câu hỏi bài tập; chấm bài và nhận xét bài làm của HS.

Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi sử dụng định nghĩa kĩ năng dạy học của tác giả Trần Bá Hoành, hệ thống kĩ năng dạy học Sinh học của tác giả Trịnh Đông Thư để làm cơ sở cho việc định nghĩa khái niệm kĩ năng xây dựng và sử dụng câu hỏi, xác định vị trí của kĩ năng xây dựng, sử dụng câu hỏi trong hệ thống kĩ năng dạy học, xác định được mối quan hệ giữa kĩ năng xây dựng câu hỏi, kĩ năng sử dụng câu hỏi với các kĩ năng dạy học khác. Trên cơ sở đó đề xuất quy trình rèn luyện cho SV kĩ năng xây dựng và sử dụng câu hỏi để tổ chức bài dạy Sinh học.

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng xây dựng và sử dụng câu hỏi cho sinh viên khoa sinh đại học sư phạm để dạy học sinh học (Trang 32 - 34)