Quy trình rèn luyện kĩ năng dạy học

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng xây dựng và sử dụng câu hỏi cho sinh viên khoa sinh đại học sư phạm để dạy học sinh học (Trang 37 - 39)

Để hình thành và phát triển kĩ năng nào đó thì chủ thể cần được đào tạo (hay tự đào tạo), rèn luyện (hay tự luyện tập) theo một quy trình nhất định.

Quy trình là một tập hợp các giai đoạn, các bước, các thao tác và hành vi được sắp xếp theo một trật tự hợp lí để tác động đến đối tượng nhằm biến đổi đối tượng theo mục đích mà chủ thể dự kiến [31, tr.23].

Để hình thành kĩ năng dạy học, nhiều tác giả đã đề xuất các quy trình khác nhau và coi việc hình thành kĩ năng bao hàm cả việc nắm vững mối quan hệ giữa mục đích và hành động, trang bị cả kĩ thuật tiến hành hành động.

Trong tài liệu “Dạy tốt, học tốt”, F.B.Abbatt đã đề xuất quy trình hình thành kĩ năng gồm 3 giai đoạn sau đây: (dẫn theo Nguyễn Như An) [3, tr.29]:

- Giai đoạn 1: Mô tả kĩ năng, kĩ xảo

- Giai đoạn 2: Trình bày kĩ năng, kĩ xảo

- Giai đoạn 3: Tổ chức các buổi thực hành

Theo tác giả X.I.Kixengoph [43], chia quá trình hình thành kĩ năng thành 5 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: SV được giới thiệu về hành động sắp phải thực hiện

- Giai đoạn 2: Diễn đạt các quy tắc lĩnh hội hoặc tái hiện những hiểu biết mà dựa vào đó các kĩ năng được tạo ra.

- Giai đoạn 3: Trình bày mẫu hành động.

- Giai đoạn 4: SV tiếp thu hành động, vận dụng các quy tắc một cách có ý thức.

- Giai đoạn 5: Đưa ra các bài tập độc lập và có hệ thống để SV luyện tập

Theo Nguyễn Như An [2] [3, tr.26], “Quy trình rèn luyện kĩ năng dạy học bao gồm các giai đoạn, các bước, các thao tác và hành vi được sắp xếp theo một trình tự hợp lí, chặt chẽ nhằm hình thành một kĩ năng nhất định”. Quy trình bao gồm quy trình vĩ mô và quy trình vi mô. Quy trình vĩ mô là quy trình rèn luyện kĩ năng được sắp xếp thành những giai đoạn khái quát, các bước lớn. Quy trình vi mô là quy trình gồm những bước nhỏ, những thao tác công việc chi tiết được sắp xếp theo trình tự để tiến hành trong từng giai đoạn khái quát, trong từng bước lớn của quy trình vĩ mô. Tác giả

cũng đã đề xuất 6 bước rèn kĩ năng sư phạm nói chung, kĩ năng dạy học nói riêng như sau:

- Bước 1: GV hướng dẫn lí thuyết về thực hiện kĩ năng dạy học, giúp SV hiểu mục đích của từng kĩ năng, nắm vững ý nghĩa, tầm quan trọng, cách thức thực hiện và trình tự các thao tác tiến hành.

- Bước 2: GV thao tác mẫu, SV quan sát thao tác mẫu. Bước 2 gắn chặt và xen kẽ với bước 1.

- Bước 3: SV đặt kế hoạch thực hiện dựa theo mẫu

- Bước 4: SV thực hành theo mẫu

- Bước 5: SV thao tác sáng tạo dựa trên cơ sở nắm vững mẫu

- Bước 6: SV tự đánh giá

Theo tác giả Trần Anh Tuấn [70], phải tập từng kĩ năng dạy học từ thao tác cơ bản đến hành động, đến việc làm. Tác giả đưa ra quy trình rèn luyện kĩ năng gồm 7 bước sau:

- Bước 1: Nhận bài và nghiên cứu SGK, tài liệu tham khảo

- Bước 2: Dự giờ, ghi biên bản dạy mẫu, rút kinh nghiệm

- Bước 3: Thiết kế bài được phân công

- Bước 4: GV hướng dẫn duyệt giáo án, trao đổi nếu SV cần sửa chữa

- Bước 5: Giảng tập nhóm, rút kinh nghiệm đánh giá, bổ sung

- Bước 6: Thực tập, tổ chức bài lên lớp

- Bước 7: Rút kinh nghiệm và đánh giá bài lên lớp

Trong lĩnh vực dạy học Sinh học, Kĩ thuật nông nghiệp, cũng có nhiều tác giả nghiên cứu về quy trình hình thành và phát triển kĩ năng dạy học cho đối tượng SV như: Nguyễn Đức Thành, Phan Đức Duy, Văn Thị Thanh Nhung, Trịnh Đông Thư, Nguyễn Văn Hiền [63] [64] [21] [52] [66] [6] [31]; nhiều tác giả nghiên cứu đề xuất quy trình rèn luyện kĩ năng học tập (kĩ năng hệ thống hóa kiến thức, kĩ năng làm việc với SGK) cho đối tượng HS như: Ngô Văn Hưng, Nguyễn Duân [39] [19]. Trong nghiên cứu của mình, các tác giả đã đưa ra các quy trình gồm nhiều bước để rèn luyện nhóm kĩ năng hoặc từng kĩ năng cụ thể. Qua phân tích, chúng tôi nhận thấy các quy trình này có khác nhau về số bước, tên các bước cho phù hợp với kĩ năng cần rèn luyện song đều tuân theo một tiến trình chung như sau:

- Trang bị tri thức liên quan tới kĩ năng cần rèn luyện - Người hướng dẫn làm mẫu

- Người học làm theo và tự thực hành, luyện tập - Đánh giá và tự đánh giá về kĩ năng rèn luyện

Nghiên cứu các quy trình trên giúp chúng tôi định hướng đề xuất quy trình rèn luyện kĩ năng xây dựng và sử dụng câu hỏi cho SV. Đối với kĩ năng xây dựng câu hỏi chúng tôi tuân theo tiến trình chung để xây dựng quy trình rèn luyện kĩ năng này cho SV. Đối với kĩ năng sử dụng câu hỏi, chúng tôi kế thừa quy trình của tác giả Trần Anh Tuấn để đề xuất quy trình rèn luyện kĩ năng sử dụng câu hỏi cho SV song có thu gọn lại các bước, thay đổi tên các bước cho phù hợp với lĩnh vực dạy học Sinh học. Nội dung các quy trình này được trình bày cụ thể ở chương 2 của luận án.

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng xây dựng và sử dụng câu hỏi cho sinh viên khoa sinh đại học sư phạm để dạy học sinh học (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(160 trang)
w