Khái niệm kĩ năng

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng xây dựng và sử dụng câu hỏi cho sinh viên khoa sinh đại học sư phạm để dạy học sinh học (Trang 28 - 32)

Có rất nhiều tác giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu vấn đề kĩ năng. Theo từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) [59], “kĩ năng là khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được trong một lĩnh vực nào đó vào thực tế”.

Theo từ điển Tâm lí học (Vũ Dũng chủ biên) [23, tr.132] thì “kĩ năng là năng lực vận dụng có kết quả tri thức về phương thức hành động đã được chủ thể lĩnh hội để thực hiện những nhiệm vụ tương ứng”.

Theo đánh giá của nhiều nghiên cứu trước (Nguyễn Như An, Phan Đức Duy, Phan Thanh Long, Đào Thị Hiền) [2] [3] [21] [45] [30] có hai khuynh hướng tiếp cận khái niệm kĩ năng:

+ Khuynh hướng thứ nhất xem kĩ năng nghiêng về mặt kĩ thuật hành động tức là coi kĩ năng là cách thức thực hiện hành động phù hợp với mục đích và điều kiện của hành động mà con người đã nắm vững. Theo khuynh hướng này có các tác giả V.A. Kruchexki, A.G. Coovaliôp, P.A. Ruđich, Trần Trọng Thủy, Thái Duy Tuyên... Cụ thể, V.A. Kruchexki xem “Kĩ năng là phương thức thực hiện hoạt động, những cái mà con người đã nắm vững”. A.G. Coovaliôp xem “Kĩ năng là phương thức thực hiện hành động phù hợp với mục đích và điều kiện của hành động”. P.A. Ruđich đưa ra định nghĩa “Kĩ năng là động tác mà cơ sở của nó là sự vận dụng thực tế các kiến thức đã tiếp thu để đạt được kết quả trong một số hình thức hoạt động cụ thể”. Trần Trọng Thủy cũng cho rằng “Kĩ năng là mặt kĩ thuật của hành động. Con người nắm vững cách thức hành động là có kĩ năng”.

+ Khuynh hướng thứ hai xem kĩ năng nghiêng về góc độ năng lực của con người. Theo quan niệm này thì kĩ năng vừa có tính ổn định, vừa có tính mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo và có tính mục đích. Theo khuynh hướng này có các tác giả L.Đ. Lêvitôp, A.V. Petrovski, K.K. Platônôp, Nguyễn Quang Uẩn, Phạm Tất Dong... Cụ thể, L.Đ. Lêvitôp cho rằng “Kĩ năng là sự thực hiện có kết quả một hành động nào đó hay một hoạt động phức tạp hơn bằng cách lựa chọn và áp dụng những cách thức đúng đắn có tính đến điều kiện nhất định”. Theo A.V. Petrovxki “Kĩ năng là năng lực sử dụng các dữ kiện, các tri thức hay khái niệm đã có, vận dụng chúng để phát hiện những thuộc tính bản chất của các sự vật và giải quyết thành công những nhiệm vụ lí luận hay thực hành xác định” [58].

Từ góc độ tâm lí học thì kĩ năng được phân chia thành kĩ năng nguyên sinh và kĩ năng thứ sinh. Trong đó, kĩ năng nguyên sinh là kĩ năng hình thành đầu tiên qua các hành động đơn giản, là các kĩ năng ban đầu và là cơ cở để hình thành kĩ xảo. Kĩ năng thứ sinh là kĩ năng bậc cao có tích chất phức hợp được hình thành trên cơ sở một số kĩ năng bậc thấp và kĩ xảo có trước [3].

Theo quan điểm giáo dục học thì kĩ năng được chia thành hai bậc: kĩ năng bậc I và kĩ năng bậc II. Trong đó, kĩ năng bậc I là khả năng thực hiện đúng hành động, hoạt động phù hợp với mục tiêu và điều kiện cụ thể để tiến hành hành động ấy, cho dù là hành động cụ thể hay hành động trí tuệ. Để có loại kĩ năng này phải có kiến thức làm cơ sở cho việc hiểu biết về nội dung công việc mà kĩ năng hướng vào và tri thức về bản thân kĩ năng. Thông qua quá trình luyện tập đến mức hoàn hảo, không cần sự hiện diện hoặc tham gia rất ít của ý thức kĩ năng này trở thành kĩ xảo. Kĩ năng bậc II là khả năng thực hiện hành động, hoạt động một cách thành thạo, linh hoạt, sáng tạo phù hợp với mục tiêu trong các điều kiện khác nhau. Để đạt được kĩ năng bậc II cần trải qua giai đoạn luyện tập trên cơ sở kĩ năng bậc I và kĩ xảo. Trong kĩ năng bậc II, yếu tố linh

hoạt, sáng tạo là yếu tố cơ bản, là cơ sở của mọi hoạt động đạt hiệu quả cao. [từ điển Giáo dục học]. Trong hoạt động giáo dục, hoạt động dạy học, mục tiêu của chúng ta là cần làm cho người học có được kĩ năng bậc II.

Theo tác giả Nguyễn Như An (1993), thì kĩ năng là năng lực thực hiện có kết quả với chất lượng cần thiết và với thời gian tương ứng không chỉ trong điều kiện quen thuộc nhất định mà còn trong những điều kiện mới [2] [3]. Quan niệm này, không chỉ coi kĩ năng là kĩ thuật hành động mà còn là khả năng biểu hiện của năng lực con người, đòi hỏi con người phải luyện tập theo một quy trình xác định mới hình thành được kĩ năng đó.

Theo gốc Hán – Việt (dẫn theo Trần Bá Hoành) thì “kĩ” là sự khéo léo, “năng” là có thể. “Kĩ năng là khả năng vận dụng những tri thức thu nhận được trong một lĩnh vực nào đó vào thực tiễn. Kĩ năng đạt tới mức thành thạo, khéo léo thì trở thành kĩ xảo” [34].

Vậy có sự khác biệt nào giữa kĩ năng, kĩ xảo và năng lực?

Theo Kixengoph (1977) [43], “kỹ xảo là biện pháp hành động được đặc trưng ở trình độ thành thạo đến mức tự động hoá”. Việc tiếp thu các kĩ năng có mức độ hoàn thiện cao, có nghĩa là khả năng sử dụng tập hợp các kỹ xảo khác để đạt tới cùng một mục đích, tuỳ thuộc vào những thay đổi của hành động.

Như vậy, kĩ năng, kỹ xảo không phải là cái vốn có ở mỗi cá nhân mà được hình thành trên cơ sở các tri thức về hành động đã được lĩnh hội và được triển khai trong thực tiễn.

Theo Nguyễn Như An (1993) [3], “không phải bất cứ kĩ năng sư phạm nào cũng rèn luyện để trở thành kỹ xảo. Đặc biệt ở những kĩ năng phức hợp, chỉ cần có một số kỹ xảo tham gia vào; không có các yếu tố đó, hoạt động sư phạm sẽ không có hiệu quả cao. Chúng ta cố gắng rèn luyện cho SV những kĩ năng sư phạm để từ đó dần dần trở thành kỹ xảo trong nhu cầu lý tưởng là gắn liền kĩ năng, kỹ xảo với nhu cầu nghề nghiệp”. Khác với kĩ năng, kỹ xảo là hành động được tự động hoá nhờ tập luyện, không có sự kiểm soát thường xuyên của ý thức, động tác mang tính khái quát, không có động tác thừa, kết quả cao mà không phải tốn nhiều năng lượng thần kinh và cơ bắp.

Sự khác nhau giữa kĩ năng và kỹ xảo được đặc trưng bởi mức độ thuần thục, tự động hoá; bởi mức độ kiểm soát của ý thức trong quá trình thực hiện hành động; bởi cấu trúc và vai trò của quá trình hành động.

Theo tác giả Trần Bá Hoành, trong dạy học cần phân biệt giữa kĩ năng và năng lực: năng lực người GV là khả năng thực hiện các hoạt động dạy học, giáo dục với chất lượng cao. Năng lực bộc lộ trong hoạt động và gắn liền với một số kĩ năng tương

ứng. Ví dụ người có năng lực thiết kế kế hoạch dạy học chứng tỏ người đó có các kĩ năng như: nghiên cứu mục tiêu, nội dung, chương trình và SGK cấp học, lớp học, môn học dựa vào đặc điểm đối tượng đã khảo sát để lập một kế hoạch phức tạp, khả thi, có thể kiểm soát được, đánh giá được. Bản kế hoạch phải định rõ đầu vào (các điều kiện), đầu ra (mục tiêu, sản phẩm) các hoạt động cùng với tiến độ, phân công trách nhiệm (Vì sao? Thực hiện như thế nào? Vào thời điểm nào? Ở đâu? Do ai thực hiện?). Cũng theo tác giả thì kĩ năng có tính riêng lẻ, cụ thể, còn năng lực có tính tổng hợp, khách quan. Kĩ năng đạt tới mức thành thạo thì thành kĩ xảo, năng lực đạt tới mức cao được xem là tinh thông nghề nghiệp.

Kĩ năng hiểu theo nghĩa hẹp là những thao tác, những cách thức thực hành, vận dụng tri thức, kinh nghiệm thực hiện một hoạt động nào đó trong những môi trường quen thuộc. Hiểu theo cách này kĩ năng có được là do kinh nghiệm, thực hành, làm nhiều thành quen mà thiếu những hiểu biết, thiếu những tri thức, không giúp cá nhân thích ứng khi hoàn cảnh điều kiện thay đổi. Kĩ năng hiểu theo nghĩa rộng, bao hàm những kiến thức, những hiểu biết giúp cá nhân thích ứng khi hoàn cảnh điều kiện thay đổi. Cách hiểu kĩ năng này giống như là năng lực. Như vậy, kĩ năng và năng lực có mối liên hệ mật thiết với nhau. Kĩ năng giúp con người biết và làm việc có hiệu quả về một hoạt động nào đó, năng lực giúp cho con người hoạt động có kết quả cao hơn. Xét cho cùng, kĩ năng là một trong các điều kiện cần thiết để hình thành và phát triển năng lực. Muốn có năng lực, phải nắm vững tri thức về công việc, cách thức, điều kiện thực hiện công việc, hay muốn có năng lực, phải có kĩ năng về một hoạt động nào đó.

Kĩ xảo là loại hành động được tập luyện thành thục, có tính tự động hóa, không cần có sự kiểm tra trực tiếp, thường xuyên của ý thức mà vẫn đạt kết quả. Xét về mặt lượng, kĩ xảo cao hơn, tốt hơn trình độ kĩ năng. Về mặt phạm vi cấu trúc thì kĩ năng phức hợp thường bao gồm một số kĩ năng bộ phận ban đầu và một số kĩ xảo nhất định đã có.

Năng lực là khả năng thực hiện hiệu quả một nhiệm vụ hay một hành động cụ thể, liên quan đến một lĩnh vực nhất định dựa trên cơ sở hiểu biết, kĩ năng, kỹ xảo và sự sẵn sàng hành động.

Tóm lại, năng lực là sự kết hợp một cách linh hoạt và có tổ chức kiến thức, kĩ năng với thái độ, tình cảm, giá trị, động cơ cá nhân nhằm đáp ứng hiệu quả một yêu cầu phức hợp của hoạt động trong bối cảnh nhất định.

Đặc biệt, trong nghiên cứu của mình tác giả Nguyễn Văn Hiền [31, tr.20] đã định nghĩa “kĩ năng là khả năng của chủ thể có được qua đào tạo, rèn luyện để thực hiện một cách linh hoạt các hoạt động với kết quả tốt”. Tác giả cũng đã khái quát rút ra các nội hàm của khái niệm kĩ năng. Các nội hàm đó bao gồm:

- Về mặt cấu trúc: kĩ năng gồm tri thức về hành động và các hành động cụ thể, kĩ năng có tính phức hợp gồm nhiều hoạt động, kĩ năng nhỏ.

- Về mặt kết quả: kĩ năng là sự thực hiện có kết quả một hoạt động nhất định. - Về nguồn gốc: kĩ năng có được thông qua trải nghiệm, huấn luyện, đào tạo.

- Về tính phát triển: kĩ năng có các mức độ phát triển khác nhau, từ thấp đến cao và mức độ hoàn thiện là kĩ xảo; từ mức kĩ thuật hành động đến mức trở thành phẩm chất, năng lực con người tức trở thành một loại phẩm chất nhân cách; từ tạm thời đến bền vững; từ mang tính khu trú trong một phạm vi hoạt động đến linh hoạt chuyển hóa sang các lĩnh vực khác nhau.

Từ việc phân tích các nghiên cứu trước, có thể thấy quan niệm về kĩ năng là rất đa dạng, cách phát biểu định nghĩa kĩ năng có khác nhau nhưng về bản chất các quan niệm này không mâu thuẫn nhau. Đặc biệt, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với những nội hàm của khái niệm kĩ năng mà tác giả Nguyễn Văn Hiền đã đưa ra. Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi theo định hướng đó và định nghĩa khái niệm kĩ năng như sau: “ năng là khả năng của chủ thể có được do đào tạo, rèn luyện để thực hiện có kết quả một hoạt động nào đó bằng cách vận dụng tri thức và những kinh nghiệm đã có về hoạt động đó”. Đây là định nghĩa định hướng nghiên cứu cho luận án của chúng tôi. Với định nghĩa này chúng tôi muốn khẳng định rằng muốn có kĩ năng và phát triển kĩ năng cần phải được đào tạo và rèn luyện thường xuyên trong lĩnh vực hoạt động tương ứng. Bởi vì, người có kĩ năng về một hoạt động nào đó phải đảm bảo các yêu cầu:

- Có tri thức về hoạt động đó (biết mục đích, cách thức hành động và điều kiện để thực hiện hoạt động).

- Tiến hành hoạt động theo đúng yêu cầu (được rèn luyện và được tạo cơ hội luyện tập).

- Đạt kết quả hoạt động không chỉ trong điều kiện quen thuộc mà cả trong các điều kiện và tình huống mới.

Ngoài ra, việc hiểu rõ mối quan hệ giữa kĩ năng, kĩ xảo và năng lực sẽ là cơ sở giúp chúng tôi biên soạn các dạng bài tập theo các mức độ từ thấp đến cao để rèn luyện cho SV kĩ năng xây dựng và sử dụng câu hỏi trong việc tổ chức dạy học Sinh học đạt kết quả.

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng xây dựng và sử dụng câu hỏi cho sinh viên khoa sinh đại học sư phạm để dạy học sinh học (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(160 trang)
w