6. Bố cục của Luận văn
1.1.3. Các bộ phận cấu thành hệ thống kiểm soát nội bộ
Vì kiểm soát là một hoạt động của doanh nghiệp nên nó tồn tại ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp. Bản chất cơ bản của kiểm soát nội bộ còn được hiểu rõ hơn
trong các khâu của toàn bộ quá trình quản lý. Quá trình quản lý bắt đầu từ việc lập kế hoạch và xây dựng các mục tiêu có liên quan. Trên cơ sở kế hoạch đã xác định, các nhà quản lý có những hoạt động rõ ràng nhằm đạt được những mục tiêu đã xây dựng. Nhưng thông thường, những hành động nghiệp vụ đó tự nó chưa được coi là đầy đủ. Mọi việc hiếm khi được thực hiện đúng như dự định. Hơn nữa, con người có thể mắc những sai lầm và những điều kiện môi trường có thể thay đổi. Do đó, doanh nghiệp sẽ cần những biện pháp và hành động phụ thêm để đảm bảo tương lai có những kết quả tốt hơn. Chức năng kiểm soát chính là đem lại những biện pháp, hành động và thủ tục cần thiết đó, có nghĩa là phải xem xét, đánh giá ảnh hưởng tình hình mới trong tiến trình và tìm căn cứ cho hành động cụ thể. Để đạt được mục tiêu đó, một hệ thống kiểm soát nội bộ bao gồm 5 bộ phận có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Mô hình các bộ phận của hệ thống kiểm soát nội bộ
(Nguồn: Báo cáo COSO năm 1992)
Môi trường kiểm soát tạo ra phong thái của toàn doanh nghiệp và có ảnh hưởng tới ý thức về kiểm soát của các nhân viên. Nó là nền móng cho các yếu tố còn lại của hệ thống kiểm soát nội bộ. Môi trường kiểm soát bao gồm phương châm và phong cách kinh doanh của Ban lãnh đạo, sự tham gia của những người chịu trách nhiệm quản trị doanh nghiệp, hiệu quả của cơ cấu tổ chức, tính hợp lý của các kế hoạch và mức độ tin cậy của các ước tính của Ban lãnh đạo.
Đánh giá rủi ro đó là quy trình của doanh nghiệp để xác định và phân tích các rủi ro đối với việc hoàn thành các mục tiêu của doanh nghiệp, làm cơ sở cho việc xác định xem các rủi ro đó cần được quản lý như thế nào.
Các hệ thống thông tin và trao đổi thông tin hỗ trợ việc xác định, nắm bắt và trao đổi các thông tin theo một hình thức và khuôn khổ thời gian tạo điều kiện cho các thành viên thực hiện các nhiệm vụ của mình.
Các hoạt động kiểm soát là các chính sách và thủ tục góp phần đảm bảo rằng các định hướng của Ban lãnh đạo được thực hiện.
Đánh giá hoạt động kiểm soát là quá trình đánh giá chất lượng hệ thống kiểm soát nội bộ. Việc này được thực hiện thông qua việc đánh giá thường xuyên, đánh giá riêng lẻ hay kết hợp cả hai hình thức. Dưới góc độ này thì kiểm toán nội bộ được xem là một phần của toàn bộ hệ thống kiểm soát nội bộ.
Cả năm yếu tố của hệ thống kiểm soát nội bộ đều ảnh hưởng đến các mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp, ví dụ, các thông tin tài chính và phi tài chính có được từ hệ thống thông tin bên trong và bên ngoài doanh nghiệp là rất quan trọng, cần thiết cho việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, cung cấp các báo cáo tài chính đáng tin cậy và đảm bảo việc tuân thủ luật pháp.
Mô hình mối quan hệ của các mục tiêu và các bộ phận của hệ thống kiểm soát nội bộ
(Nguồn: Báo cáo COSO năm 1992)