6. Bố cục của Luận văn
1.1. Khái quát chung về hệ thống kiểm soát nội bộ 1 Khái niệm hệ thống kiểm soát nội bộ
1.1.1. Khái niệm hệ thống kiểm soát nội bộ
Mọi hoạt động trong đó có hoạt động kiểm soát xuất hiện trong thực tế đều là kết quả của nhu cầu nảy sinh khi một người bất kỳ ngồi lại và kiểm tra cái anh ta đã làm. Khi đó, anh ta tự hỏi mình đã làm một việc như thế nào và nếu lại làm việc đó thì có thể làm tốt hơn ra sao. Khi có một người thứ hai liên quan đến nữa, chức năng đó được mở rộng thêm ra vì có thẩm tra hoạt động của người thứ hai đó. Trong một doanh nghiệp, khối lượng các nghiệp vụ nhiều và phức tạp nên người chủ sở hữu hay người quản lý cấp cao thực tế không dễ dàng tiếp xúc với các nghiệp vụ đó để kiểm tra hiệu quả của các hoạt động một cách vừa ý được.
Với tính đa dạng của các loại hình doanh nghiệp như hiện nay, chủ sở hữu có nhiều cách thức để đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả của doanh nghiệp. Ví dụ, với loại hình công ty cổ phần (loại hình doanh nghiệp phổ biến), Đại hội đồng cổ đông bầu ra Hội đồng quản trị để thay mặt cho các cổ đông để quyết định các vấn đề liên quan đến mục đích, quyền lợi của công ty. Đối với công ty cổ phần có trên 11 thành viên phải có Ban kiểm soát để kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Người quản lý được chủ sở hữu giao cho việc quản lý khối tài sản đảm bảo mục tiêu đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả thông qua bàn tay vô hình trong quản lý. Tính hiệu lực trong quản lý đó là việc đảm bảo những phương hướng, mục tiêu, nguyên tắc, quy trình, thủ tục đã được đặt ra bởi nhà quản lý thì phải được chấp hành. Tính hiệu quả đó là việc các chi phí bỏ ra thì phải đem lại kết quả cao nhất. Hệ thống kiểm soát nội bộ của một doanh nghiệp được hình thành như công cụ để thực hiện chức năng kiểm soát của các nhà quản lý.
Lịch sử cũng đã từng chứng kiến sự sụp đổ của hàng loạt các công ty cổ phần có niêm yết ở Hoa Kỳ như Ngân hàng Continental Illinois National Bank & Trust Co. (1984); Công ty Dầu khí Texaco Inc. (1987); Tập đoàn Tài chính Financial Corp. of America (1988),… Điều này đã cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp.
Có nhiều quan điểm khác nhau đã được đưa ra về Hệ thống kiểm soát nội bộ. Năm 1929, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Federal Reserve Bulletin) lần đầu tiên đưa ra khái niệm về kiểm soát nội bộ và chính thức công nhận vai trò của hệ thống kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp. Khái niệm kiểm soát nội bộ lúc này được sử
dụng trong các tài liệu kiểm toán và được hiểu đơn giản như là một biện pháp giúp cho việc: bảo vệ tiền không bị các nhân viên gian lận, bảo vệ tài sản không bị thất thoát, ghi chép kế toán chính xác, tuân thủ chính sách của nhà quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Với sự sụp đổ hàng loạt của các tập đoàn lớn do ảnh hưởng của quy mô các gian lận gây thiệt hại cho nền kinh tế, nhiều Ủy ban ra đời để khảo sát và tìm cách khắc phục, ngăn chặn các gian lận. Ủy ban quốc gia về phòng chống gian lận báo cáo tài chính Treadway Commission (National Commission on Financial Reporting) được thành lập vào năm 1985 với mục tiêu hoạt động cơ bản là xác định các yếu tố gian lận trên báo cáo tài chính và đưa ra các đề xuất để giảm thiểu phạm vi ảnh hưởng của các gian lận đó đến kết xuất thông tin.
Ủy ban các tổ chức đồng bảo trợ (COSO) là một Ủy ban gồm nhiều tổ chức nghề nghiệp nhằm hỗ trợ cho Ủy ban Treadway như: Hiệp hội kế toán viên công chứng Hoa Kỳ (AICPA), Hội Kế toán Hoa Kỳ (AAA), Hiệp hội các nhà quản trị tài chính (FEI), Hiệp hội kiểm toán viên nội bộ (IIA) và Hiệp hội kế toán viên quản trị (IMA). Năm 1992, COSO đã đưa ra Báo cáo COSO về kiểm soát nội bộ trong đó nêu rõ “Hệ thống kiểm soát nội bộ là một quá trình bị chi phối bởi ban giám đốc, nhà quản lý và các nhân viên của đơn vị, được thiết kế để cung cấp một sự đảm bảo hợp lý nhằm đạt được các mục tiêu về sự hữu hiệu và hiệu quả của hoạt động, mục tiêu về sự tin cậy của báo cáo tài chính, mục tiêu về sự tuân thủ các luật lệ và quy định”
Hệ thống lý luận về kiểm soát nội bộ ở Việt Nam gắn liền với sự ra đời và phát triển của hoạt động kiểm toán độc lập của Việt Nam. Theo chuẩn mực kiểm toán VSA 400 “Đánh giá rủi ro và kiểm soát nội bộ” đã đưa ra định nghĩa về Hệ thống kiểm soát nội bộ như sau: “Kiểm soát nội bộ là các quy định và các thủ tục kiểm soát do đơn vị được kiểm toán xây dựng và áp dụng nhằm bảo đảm cho đơn vị tuân thủ pháp luật và các quy định, để kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa và phát hiện gian lận, sai sót; để lập báo cáo tài chính trung thực và hợp lý; nhằm bảo vệ, quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản của đơn vị”
Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về hệ thống kiểm soát nội bộ nhưng có thể thấy rằng quan điểm của Báo cáo COSO là đầy đủ và có hệ thống nhất, Báo cáo COSO tạo lập một cơ sở lý thuyết rất cơ bản về kiểm soát nội bộ.