Khái quát về địa điểm sản xuất của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Giáo trình Quản trị sản xuất: Phần 1 - TS. Trần Văn Trang (Chủ biên) (Trang 130 - 131)

XÁC ĐỊNH ĐỊA ĐIỂM SẢN XUẤT CỦA DOANH NGHIỆP

4.1. Khái quát về địa điểm sản xuất của doanh nghiệp

4.1.1. Khái niệm

Địa điểm sản xuất hay vị trí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là nơi mà doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất kinh doanh của mình để tiến hành hoạt động. Cơ sở sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể bao gồm nhà máy, xưởng sản xuất, kho hàng, trụ sở doanh nghiệp, cửa hàng và các cơ sở khác trong hệ thống phân phối, bán hàng của doanh nghiệp. Thông thường, lựa chọn địa điểm sản xuất liên quan tới hai khía cạnh là lựa chọn “vùng” và lựa chọn “vị trí’. “Vùng” được hiểu là một phạm vi địa lý tương đối rộng, có thể ở quy mô địa lý của một tỉnh hoặc một nhóm tỉnh thành. Chẳng hạn, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ của Việt Nam gồm 7 tỉnh và thành phố: Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh (ba tỉnh hạt nhân của vùng), Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. “Vị trí” được hiểu là địa điểm cụ thể trong vùng, nơi doanh nghiệp sẽ đặt các cơ sở kinh doanh của mình.

Khi nói tới xác định địa điểm sản xuất kinh doanh, người ta có thể nghĩ ngay tới các doanh nghiệp mới thành lập - tìm kiếm địa điểm đặt trụ sở hoặc xây nhà máy mới. Thực tế thì hoạt động này có liên quan tới cả các doanh nghiệp đang hoạt động, phát triển thêm các cơ sở kinh doanh mới hoặc cơ cấu lại các cơ sở kinh doanh của mình (văn phòng, nhà máy, cửa hàng).

Xác định địa điểm sản xuất là một quyết định quan trọng trong việc thiết kế hệ thống sản xuất của doanh nghiệp, có ý nghĩa chiến lược và ảnh hưởng lâu dài tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với một doanh nghiệp sản xuất, vị trí đặt nhà máy có ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí làm ra sản phẩm, bao gồm cả chi phí cố định và chi phí biến đổi. Các doanh nghiệp hoạt động dựa trên chiến lược chi phí thấp cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề này. Hơn nữa, vị trí của nhà máy rất khó thay đổi và nếu thay đổi sẽ gây ra các chi phí lớn cho doanh nghiệp sản xuất. Đối với các doanh nghiệp dịch vụ, địa điểm cung cấp dịch vụ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc tiếp cận khách hàng và doanh thu của doanh nghiệp.

Khi tiến hành tìm kiếm hoặc lựa chọn địa điểm sản xuất kinh doanh, các nhà quản trị thường phải đứng trước các lựa chọn khác nhau và mỗi lựa chọn đều có các ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Mỗi quyết định sẽ phụ thuộc vào tình hình cụ thể và mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Một số yếu tố quan trọng để xem xét lựa chọn địa điểm có thể bao gồm giá thuê hoặc mua đất và diện tích hợp lý; điều kiện hạ tầng tốt; gần nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ; nhân công rẻ,... Chúng ta sẽ xem xét cụ thể các yếu tố này trong mục 4.2 của chương này.

Một phần của tài liệu Giáo trình Quản trị sản xuất: Phần 1 - TS. Trần Văn Trang (Chủ biên) (Trang 130 - 131)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(150 trang)