ĐẠI ĐỊNH ( Samâdhi )

Một phần của tài liệu THUONG TRI NTHAI (Trang 140 - 141)

( Samâdhi )

Lời nói đầu .

Ta biết rằng: Tham thiền phải đi sau Định trí và Đại định phải đi sau tham thiền.

Đại định là trạng thái của kẻ được giải thoát hiện sinh (le libéré vivant). Người ấy sống tại cõi trần mà lòng đã được giải thoát sự trần.

Người ta cắt nghĩa đại định như thế nầy:

Tỷ như tham thiền về lòng Từ Bi. Ta gom tất cả tư tưởng về nó. Đừng để cho ý niệm nào khác xen vào. Phải có một chìu hướng tư tưởng duy nhứt mà thôi. Có thể có nhiều ý niệm khác liên hệ đến đề tài. Nhưng ta không cần biết chúng nó. Ta hãy làm giảm bớt số lượng, để rồi chỉ còn có một ý niệm chánh mà thôi. Và khi cái ý niệm duy nhất đó – (tới phiên nó)- tan rã và tiêu đi, thì ta đã đến Đại Định. Khi mất tất cả ý niệm, thì cái trí giống như tờ giấy trắng. Đó là trạng thái trống không của nhà Yogi Patanjali nói trong Raja Yoga.

Đoạn ta vượt khỏi cái trạng thái “trống không” để nhập vào Đức Thượng Đế yên lặng, đem Ánh Sáng và Quyền Năng cho trí tuệ cá nhơn. Và chỉ chừng ấy, ta mới đoạt đặng Samadhi, là mức cuối cùng của đời sống, là sự hiệp nhất trong An lạc với Đấng Chí Tôn .

Đại định được thực hiện là nhờ chủ trị đặng ngũ quan và lòng không ham muốn. Mà muốn tiêu diệt đặng mọi ham muốn, thì phải có ý niệm nồng nàn được giải thoát và chỉ có tư tưởng hướng về trời . . .

Tóm lại, trong lúc Đại Định, cái trí phải “trống không”. Nhưng trong lúc cái trí “trống không” là lúc nó linh động, tỷ như con diều đang lơ lửng trên không, cánh xòe mà không đập. Ta tưởng nó nghỉ ngơi, thả hồn theo chìu gió. Nhưng thật ra nó còn hoạt động nhiều hơn là khi nó cử động với hai cái cánh của nó: vì nó đang nỗ lực, gom sức, để giữ sự thăng bằng. Trạng thái trống không đây là tích cực. Còn trạng thái xuất thần, đê mê của đồng cốt là tiêu cực .

Người đại định có thể xua đuỏi một ảnh hưởng nào xấu bên ngoài đến ám ảnh mình. Còn người đồng cốt, thì y theo tất cả ảnh hưởng tốt hay xấu từ bên ngoài đưa đến.

Người đại định đã chủ trị đặng cái trí một phần lớn, y muốn tưởng thì tưởng, không muốn tưởng thì thôi, chớ cái trí y không bao giờ xao động một cách vô ích .

PHẦN THỰC TẬP

Thực hành “Bốn điều chuẩn bị tham thiền” xong, thì bắt đầu : Cách thứ nhứt :

Dùng sức tưởng tượng tạo ra trong trí hình của một Đấng nào mà ta tôn thờ như: Đức Chúa, Đức Phật, Đức Chơn Sư, rồi đem tâm mình nhập vào Tâm Ngài, đoạn trụ vào đó để mà chiêm ngưỡng ngây ngất nghĩa là không còn tưởng cái chi ngoài việc đó. Ta để tâm trống không lâu chừng nào hay chừng nấy .

Cách thứ nhì :

Khi tham thiền về một đức tánh nào xong, ta tưởng tượng Đức Phật hay Đức Chúa, hay Chơn Sư ta là hiện thân của đức tánh ấy. Đoạn ta nằm trong lòng Ngài mà không tưởng, không nghĩ gì cả. Lâu chừng nào hay chừng nấy .

3/- Đọc Thánh ngữ AUM . 4/- Từ từ xả thiền .

***** Xin lưu ý :

Những lời trên đây là những lời dạy của các vị Huynh Trưởng Thông Thiên Học về khoa “Định Trí và Tham Thiền”. Nếu ta vừa tham thiền, vừa thực hành theo những điều ta tham thiền, thì một ngày kia, ta sẽ có diễm phúc được Chơn Sư thâu nhận làm đệ tử. Ngài sẽ chỉ cho ta cách tham thiền nào hạp với sự tiến hóa của ta.

Những cách dạy định trí và tham thiền trên đây sẽ thay đổi tùy theo giai đoạn tiến hóa của hành giả. Chúng nó giống như những tấm bảng chỉ đường cho kẻ lữ hành đừng đi lạc bước mà gặp nhiều hiểm nguy.

Chỉ có thế thôi. Vã lại, tuy có nhiều phương thế tham thiền đã chỉ sẵn, nhưng ta nên chọn cách tham thiền nào phù hạp với tánh tình ta, với phương tiện ta và với sự tiến hóa riêng của ta. Muôn người muôn cách. Nhưng chỉ có cách của riêng ta là hay nhất.

(Chung kết phần tham thiền)

Một phần của tài liệu THUONG TRI NTHAI (Trang 140 - 141)