0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (198 trang)

CHƯƠNG THỨ TÁM CẦN PHẢI THAM THIỀN

Một phần của tài liệu THUONG TRI NTHAI (Trang 56 -60 )

CẦN PHẢI THAM THIỀN

Cõi đời tràn ngập đau thương và khốn khổ. Con người sống trong dục vọng và ích kỷ triền miên, hằng ngày gây ra tội ác một cách vô tâm. “Khiến cho nước mắt chúng sanh chứa đầy bốn bể theo lời Phật nói.

Vì muốn tìm ra được phương thuốc cứu khổ, Đức Phật Thích Ca mới ra đi, bỏ hết những lạc thú, ở cung điện, gở cánh tay bám víu của người vợ hiền, cắt ngang tình yêu mãnh liệt của phụ vương và xa lìa đứa con thơ còn măng sữa! Ngài ra đi . . . rồi làm gì để đắc đạo?

-Ngài chỉ tham thiền nơi cội Bồ Đề với thân tâm tự nhủ: “Dẫu máu ta có khô, xương ta có mục, ta cũng không rời khỏi chỗ nầy, nếu ta chưa tìm ra được Đạo để cứu khổ cho chúng sanh” . . . Rồi từng đêm nầy sang đêm khác, Đức Phật Thích Ca ngồi tĩnh toạ, tham thiền, trong bóng tối, hào quang trên trán Ngài sáng rực, dưới vòm lá Bồ Đề. Sau sáu tháng công phu. Ngài thắng trận Chúa tể Kâma (là dục vọng) và quỉ Ngạo Mạn ( tượng trưng Hạ Trí ) để đắc quả “ Túc mệnh minh “ trước nhứt. Ngài thấu suốt được tất cả khoảng đời quá khứ rất xa xưa của Ngài trong ba hạ giới, xuyên qua cái trí cao siêu. Trong kiếp nầy có tất cả bao nhiêu quả của những kiếp trước, Ngài thấy rõ ràng từng viên gạch và những công trình kiến trúc mà Ngài đã ra công xây dựng, để đến ngày rực rỡ hôm nay. Kế ít giờ sau, trong đêm ấy, Ngài chứng quả “Thiên-nhãn- minh” thấy rõ tất cả bản thể của vũ trụ, từ thế giới nầy đến bao nhiêu thế giới khác. Ngài thấu suốt tất cả hàng tinh tú, cái nầy liên lạc với cái kia. Ngài nhận thấy cái Luật chung bất di bất dịch, âm thầm và mạnh mẽ, biến vạn vật trong vòng tròn, gồm bốn giai đoạn: Sanh, trụ, dị, biệt. Cái luật ấy không có gì vượt qua đặng từ con vi trùng cho đến Đại Tinh Cầu trong vũ trụ. Rồi cũng trong đêm ấy, Ngài chứng quả “Lậu-tận- minh” rõ biết nguồn gốc của sự đau khổ đã bám víu vào chúng sanh, như bóng với hình. Con người, từ bản tâm sáng suốt, đi dần mãi vào cõi vô minh, vì dục vọng làm mù quáng, như bụi dấy lên. Muốn cắt đứt sự đau khổ, phải diệt vô minh. Nhưng người ta không thể trừ vô minh, không thể sáng suốt được, khi còn nhiều dục vọng. Ôi, tham vọng! Ôi khát khao ! Không bao giờ thỏa mãn!

Nhờ tham thiền con người lần cởi “cổ xe đã buộc vào mình”, và khi xe bị rả bánh, người bị buộc được giải thoát, thấy mình vượt ra ngoài phạm vi nhỏ hẹp để nhìn toàn thể. Người ấy, không còn phụ thuộc với không gian, cho nên không phụ thuộc với thời gian, không riêng giữ cho một hình dáng, cho nên luôn luôn được vĩnh viễn. Vậy tham thiền là con đường duy nhứt đưa người đến sự trường sinh và phúc lạc. Ta không thể thành công vĩ đại trong sự tham thiền. Nhưng người khôn ngoan nên dùng nó để đoạn những khúc mắc ích kỷ.

Kinh “Isha Upanishad 3è mantra” nói rằng: “Người nào không chịu định trí và tham thiền quả là người sát nhơn thực sự của linh hồn. Họ quả thật là những xác chết biết cử động. Họ là những người khổ sở và khốn nạn nhất!”

Người khôn ngoan dùng dao thép tham thiền để cắt đứt dục vọng và ngạo mạn. Về sau, sự minh triết tuyệt vời của Chơn Nhơn lố dạng và sự sáng tỏ bên trong bộc lộ ra ngoài. Nhờ những dây nghiệp chướng bị đoạn lần, đám mây mù đã tan. Vậy chúng ta hãy tham thiền. Nó là cái chìa khóa để mở rộng cửa Đạo, là cái thang bí ẩn, bất tử đất chí trời, từ sự giả đến sự chơn, từ cõi tối tăm đến nơi sáng suốt, từ sự đau khổ đến chơn hạnh phúc, từ sự xáo trộn đến nơi yên tịnh, từ sự dốt nát đến nơi hiểu biết, từ cõi tử đến cõi trường sanh bất tử.

Những vị đại hiền giả thời xưa, biết được Chơn Ngã, cảm được Thượng Đế trong lòng là nhờ biết suy nghĩ và tham thiền.

Cũng giống như xác thân cần vật thực, linh hồn của ta cũng đòi vật thực cho nó vậy. Vật thực ấy là sự tham thiền.

Khi vật thực không đến cho xác thân, thì ta thấy mình bị xáo trộn. Cũng y như vậy, linh hồn ta sẽ bị xáo trộn nếu ta bỏ lãng sự tham thiền hay một buổi cầu nguyện nào. Vật thực cho linh hồn là cần thiết hơn là vật thực cho xác thịt. Vậy ta hãy tham thiền và cầu nguyện.

Cái trí lấy hình dáng của vật mà nó biết. Nhà tôn sùng luôn luôn tham thiền về Đấng mà y tôn thờ. Cái trí của y luôn luôn lấy hình Ngài. Và khi y tham thiền được uyên thâm thì y đoạt đến sự tôn thờ tối thượng. Danh và hình của Đấng được tôn thờ sẽ tan mờ rồi tiêu mất. Người tôn thờ cảm thấy Ngài khắp cùng, ẩn tàng trong vạn vật. Ta cần có một cái trí trong thanh. Nếu nó chưa giải thoát đặng dục vọng, sự lo lắng, những ảo ảnh, lòng tự kiêu, sự tham vọng, tánh luyến ái, sự ưa thích mùi vị, thì nó chưa thuần trong sạch, chưa trở thành thượng trí, nên nó không đến đặng xứ an lạc của toà nhà vĩnh cửu.

Người đam mê, ưa sắc dục, và ô trọc, biếng nhác không thể nào tham thiền đặng. Ai đã chủ trị một phần nào lời nói, có lý trí sáng suốt, ăn uống tiết độ, giảm bớt tham lam, ích kỷ, giận hờn, mới có thể tham thiền và mong tiến tới đại định được.

Ta không thể có một cái trí an ổn để tham thiền, khi ta còn bị xáo trộn và ngờ vực. Hễ cái trí xáo trộn, thì nó kéo luôn dục vọng để cho nó rối loạn lên. Vậy ta phải tinh lọc cái trí, kiểm soát tư tưởng trước khi tham thiền. Nếu ta để lửa và cây tươi gần bên thì nó không bén; nếu đó là một khúc cây khô, thì nó bắt cháy liền. Cũng giống y như vậy, người nào có cái trí không tinh lọc, thì nó không cháy trước lửa tham thiền. Y sẽ buồn ngủ và mơ mơ màng màng. Còn những người biết phụng sự đời, biết giữ giới có lòng nhơn từ, khoan dung, có lý trí tinh lọc, thì vừa ngồi thiền là đã nhập định ngay. Cái trí ví như khu vườn, như líp bông. Nếu tất cả đã dọn sẵn, có phân đàng hoàng và không cỏ xấu, thì ta sẽ có hoa quả tốt. Cái vườn trí của ta cũng vậy, nếu ta nhổ những gai dục vọng và phách lối, nếu ta tưới nó bằng những tư tưởng đẹp lành, thì nó sẽ mọc hoa giác ngộ. Vậy ta hãy tưới cái khu vườn trí của ta với sự tham thiền, với những tư tưởng siêu việt. Ta sẽ phải nhổ cỏ xấu: ấy là những tư tưởng không điều hòa và vô bổ. Nếu ta thấy hoa trên cây xoài, thì ta biết chắc chắn là ta sẽ có trái xoài. Cũng y như vậy, nếu ta có sự an tịnh trong lòng thì chắc chắn ta sẽ tham thiền có kết quả và thu hoạch đặng sự minh triết. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Đó là định luật trong sự giữ gìn những tư tưởng tốt.

Trong khi ta dọn khu vườn sạch sẽ, thì chẳng những ta nhổ cỏ, nhổ gai trên mặt đất, mà còn đào xới đất để lấy mầm xấu, kẻo về sau chúng nó lại mọc lên nữa. Cũng y như vậy, chẳng những ta diệt trừ các lượn sóng to của cái trí, mà còn tinh lọc tiềm thức của nó nữa, nếu ta muốn đi lần đến đại định.

Vậy ta hãy chuẩn bị cái trí để tham thiền. Nhờ tham thiền ta sẽ rút được các bậc hiền giả, các vị chơn tu và các nhà được Điểm Đạo. Các vị nầy sẽ giúp ta rất nhiều. Tham thiền là con đường chơn chánh và vương giả duy nhứt để đoạt sự giải thoát. Nó chấm dứt tận gốc sự đau khổ, buồn rầu, phiền não. Sự tham thiền cho ta thấy cái viễn ảnh hiệp nhứt của Phàm Nhơn và Chơn Nhơn. Nó là cái khí cầu của người chí nguyện dùng để phóng lên tận xứ an tịnh và phúc lạc. Nó là con đường đưa người chí nguyện đến Tâm Thức Thiêng Liêng, để được giải thoát hoàn toàn, không tham thiền thì không thể tiến hóa mau lẹ trên đường tinh thần được. Chính nó là con đò đưa qua bể ngạn.

Tham thiền đều đều, mở đường trực giác, ta sẽ tự giải thoát ta khỏi vòng trói buộc của hạ trí, và đoạt đặng sự phúc lạc miên tràng. Nó sẽ đưa linh hồn của nhà tu sĩ đến gần nguồn chí linh của vũ trụ. Sự ngờ vực tự nó biến tan, khi ta cố quyết đi trên đường tham thiền. Ta sẽ tự biết chỗ nào nên đặt chơn, và sẽ có một “Tiếng Nói Vô Thinh” huyền bí dắt dẫn ta. Ta hãy lắng nghe sau?

Chơn lý là im lặng. Nó đơn giản và khiết bạch. Ta không thể nào đến chơn lý mà không suy nghĩ và không tham thiền. Hãy quan sát lại sự im lặng. Hãy tự biết mình. Hãy biết điều đó. Hãy chìm mình trong đó.

Tham thiền là một tự lực mạnh mẽ cho xác thân, mà cũng cho trí thức nữa. Sự rung động huyền linh thu thập tất cả tế bào của xác thịt, khiến cho các bịnh được tiêu trừ, cho nên người tham thiền ít đau vặt, ít tốn tiền thuốc. Những làn sóng mạnh mẽ và hòa hoãn nổi lên, trong lúc tham thiền, có một ảnh hưởng huyền linh cho thể trí, bộ thần kinh, các cơ quan và những tế bào của cái xác. Thần lực thiêng liêng chảy xuống, sẽ như dầu chảy từ bình nầy đến bình kia, không gây tiếng động, từ chơn Đức Sư Phụ đến con người.

Nếu ta có thể tham thiền trong nửa giờ, thì ta có thể đảm đương trách nhiệm một cách an tĩnh và dũng mãnh trong cuộc chiến đấu của đời sống trong vòng một tuần lễ. Bởi vì ta phải gần gũi và đụng chạm với nhiều trí óc khác nhau trong đời sống hằng ngày, ta sẽ gặp trong lúc tham thiền cái sức mạnh và sự an tĩnh; chúng nó sẽ làm cho bạn tránh đặng nhiều phiền phức và xáo trộn.

Nhà tu sĩ tham thiền đều đều có một từ điển rất là hấp dẫn. Những ai đến gần y sẽ bị ảnh hưởng của lời nói dịu dàng mà mạnh mẽ: bởi cặp mắt sáng ngời, màu da bóng láng, tư cách thanh nhã, sức tráng kiện, đức hạnh và bản tánh thiêng liêng của y. Cũng như một hột muối bỏ vào bình đầy nước, nó tan ra và hòa trong nước, mùi thơm hoa lài thấm nhuần không khí, thì hào quang của Sư Phụ thấu nhập trí óc của kẻ khác. Những người nầy sẽ thấy mình vui vẻ, an tịnh và mạnh mẽ. Họ cảm hứng đặng lời của Sư Phụ và cái hạ trí của họ lần lên đến Thượng Trí, để rút nguồn minh triết đến thế gian. Vậy tham thiền mở cửa cái trí trước nhứt; nó đưa đến trực giác và nhiều quyền năng khác nữa.

Vậy tham thiền là kẻ nghịch của Hạ trí. Nó làm cho Hạ trí héo mòn, rồi mất hẳn trong Thượng trí.

Khi nhà tham thiền không còn dùng Hạ trí nữa, thì y sẽ đi xa trên quả địa cầu không biết bao nhiêu dặm. Người không hiểu được sự huyền dịệu của sự tham thiền, nên kết án y là ăn không, ngồi rồi trong hang trong động.

Ta bị ngoại giới lôi kéo, bị sự luyến ái vào ảo ảnh trì lại. Vậy ta hãy định trí nhớ Trời trong lòng ta. Ta hãy chìm sâu trong đó và ngâm mình trong đó.

Trong khi tham thiền, cái trí của ta chú vào một điểm tinh thần (là Trời), thì ta được cảm hứng. Ta sẽ làm thì giỏi, hoặc sẽ giải đáp được nhiều bài toán đố khó khăn của đời sống. Định trí tại một điểm tinh thần cao nhứt làm ta lên cao thêm nữa, hơn nữa rồi đoạt tới Chơn Ngã.

Sự an tịnh và phúc lạc thực sự chỉ biểu lộ khi nào những cảm giác của tiềm thức đều bị bôi xóa và những dục vọng đều bị dụt tắt. Nếu ta chú ý đến Đức Thượng Đế, hay Đức Krishna hay Đức Phật trong năm phút, thì cái Thượng trí của ta sẽ thấm nhuần Ngài trong năm phút. Ta sẽ lấy quan năng minh triết của ta mà so sánh cái phúc lạc ấy, (là kết quả của sự tham thiền) với cái vui sướng của ngũ quan, thì ta sẽ thấy khác biệt cả triệu lần hơn.

Nếu một người chí nguyện ở tại Việt Nam tham thiền về Sư Phụ của y tại Hy Mã Lạp Sơn, thì sẽ có sự liên lạc rõ rệt giữa hai người. Sư Phụ phóng ra những làn rung động quyền năng, an tịnh, vui mừng và phúc lạc cho người chí nguyện, để trả lại tư tưởng lành của y. Nguồn tư tưởng tinh thần của Sư Phụ y gội nhuần y, chảy đều đều xuống y, như dầu rót từ chai nầy đến chai khác. Người đệ tử tẩm mình trong dó, nhiều hay ít, tùy theo đức tin của y. Y tham thiền nồng nàn đến Sư Phụ dù là trong chốc lát. Sư Phụ y sẽ cảm biết ngay; Ngài thấy có một luồng sáng cầu nguyện hay một mãnh tư tưởng thanh cao đến Ngài, làm tim Ngài rung động. Có một luồng từ điển chói sáng nối tim người đệ tử với Sư Phụ y, tạo thành một sự rung động của tư tưởng, lướt qua bể Hạ trí. Hễ người đệ tử đó càng giống Sư Phụ, thì đường quang tuyến ấy càng to lớn và chiếu sáng phi thường. Đường quang tuyến ấy có nhiều danh hiệu khác nhau như: Ống từ điển dẫn lực, cây cầu nối Chơn Ngã với Phàm Ngã, hay con kinh dẫn lực từ các cõi trên xuống cõi trần. Con kinh ấy người ta gọi là Antahkarana.

Một ánh sáng tỏ rạng bực lên, nó chấm dứt những tư tưởng nhỏ mọn, xấu xa của Hạ trí, khi Đạo sĩ đi đến nấc thang chót của sự tham thiền và đại định rồi. Và khi tất cả cặn bả của hành vi, dục vọng và ngạo mạn đã bị tiêu diệt rồi, thì y sẽ được giải thoát, có thể nội trong kiếp nầy.

Tham thiền hiến cho ta một mãnh lực tinh thần vĩ đại, một sự an tịnh vô biên và một sức sống mới. Nó là thuốc bổ hay nhứt cho cái trí. Người tham thiền mà còn hờn giận là y không tham thiền đúng theo phương pháp và bền dai; và trong sự luyện tập của y, có điều gì sái quấy.

Tham thiền mở mang những tư tưởng mạnh mẽ và thanh cao. Những hình tư tưởng của y được rõ ràng và hẳn định. Những tư tưởng tốt có một nền tảng vững chắc. Nhờ ý niệm rõ rệt, nên y chấm dứt mọi lầm lẫn.

Cũng như mùi thơm dịu thường phát ra nơi cây nhang, một sự rõ rệt thiêng liêng sẽ từ gương mặt người chí nguyện bốc ra vậy. Kẻ tham thiền, trong trường hợp đó, có gương mặt an tịnh, vui tươi, dễ mến, một tiếng nói dịu dàng và cặp mắt sáng rỡ. Vậy, tham thiền là đốt dần tánh xấu, và đưa lần đến sự hiểu biết tức thời.

Trong lúc tham thiền, ta gần gũi với tinh thần, với ánh sáng. Ta chấm dứt mọi ô trược. Ánh sáng nầy lan rộng ra, chùi rửa linh hồn. Cái kính phóng đại để trước mặt

trời; dưới tấm kính, để một cọng rơm; cọng rơm liền cháy. Cũng y như thế; nếu thâm tâm ta hướng về Trời, hướng về ánh sáng của trong sạch, của tình thương, thì nó đôt cháy mọi sự xấu xa trước lửa Trời. Ánh sáng đem đến một nghị lực tăng cường, và một sự sung mãn đời đời.

Vậy, ta hãy tham thiền.

Một phần của tài liệu THUONG TRI NTHAI (Trang 56 -60 )

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×