- Có ít nhất một thành viên góp vốn trực tiếp tham gia
2.3.2. Nhân tố bên trong (nhân tố thuộc về TCTCVM)
Thứ nhất, kế hoạch kinh doanh hướng tới mục tiêu bền vững trong dài hạn
Bất cứ một tổ chức nào, đặc biệt là những tổ chức mong muốn có bước phát triển đột phá đều cần đến một kế hoạch kinh doanh hướng vào tương lai. Kế hoạch kinh doanh là kết quả của một quá trình hoạch định chiến lược và hành động. Kế hoạch xác định các
mục đích chiến lược của tổ chức và liệt kê các phương thức triển khai để đạt các mục đích đã đề ra. Kế hoạch thể hiện các quyết định về phân bổ nguồn lực, các kết quả mong muốn đạt được, giúp cho các nhà lãnh đạo đưa ra các mục tiêu khả thi và quyết định. Thêm vào đó, kế hoạch kinh doanh cung cấp cho nhân viên, Ban điều hành, Hội đồng quản trị và các bên liên quan một bức tranh về hiện trạng của tổ chức tại thời điểm hiện tại và quan trọng hơn là viễn cảnh tổ chức mong muốn đạt được trong tương lai.
Kế hoạch kinh doanh là một công cụ đặc biệt quan trọng đối với một TCTCVM có định hướng hoạt động chuyên nghiệp và bền vững. Ở những thị trường TCVM non trẻ như Việt Nam, bền vững tài chính là thách thức của số đông các tổ chức và thường là một trong những mục tiêu quan trọng được đề ra trong kế hoạch kinh doanh và chỉ có thể đạt được nếu TCTCVM kết hợp nhuần nhuyễn các nguồn lực của tổ chức với chiến lược và chiến thuật phù hợp với cơ hội và thách thức trên thị trường. Kế hoạch kinh doanh chỉ rõ đường đi, nước bước và nguồn lực cần có để TCTCVM từng bước phát triển qui mô khách hàng, tăng trưởng doanh thuvà tiến tới trang trải đầy đủ chi phí hoạt động và tài chính của mình.
Thứ hai, Sản phẩm và dịch vụ, kênh phân phối đáp ứng nhu cầu của thị trường và khách hàng mục tiêu
Sự tồn tại và phát triển của một TCTCVM gắn chặt với mức độ tổ chức tài chính đó đáp ứng nhu cầu của khách hàng thông qua sản phẩm và dịch vụ của mình. Đối với các TCTCVM được cấp phép và hoạt động trong hệ thống tài chính chính thống, cạnh tranh và các nhu cầu liên tục thay đổi của khách hàng đòi hỏi TCTCVM áp dụng phương thức thiết kế và phát triển sản phẩm dựa theo nhu cầu thị trường. Cách thức này đặc biệt quan trọng khi TCTCVM phục vụ nhu cầu khách hàng ở phân đoạn thị trường cấp thấp vì nhu cầu và các ưu tiên của khách hàng mục tiêu ở phân đoạn này vô cùng đa dạng. Dù khách hàng có cùng nhu cầu với sản phẩm tín dụng, tiết kiệm, thanh khoản, đầu tư, cách thức tiếp cận khách hàng và nhận thức của khách hàng về tổ chức cung cấp dịch vụ sẽ ảnh hưởng
lớn đến quá trình thiết kế, phát triển sản phẩm. Ngoài ra, kênh phân phối cũng là một nhân tố quan trọng trong chiến lược gia tăng giá trị của TCTCVM với khách hàng. Khi TCTCVM huy động tiết kiệm từ công chúng thì kênh phân phối còn đóng vai trò quan trọng hơn nữa vì khách hàng luôn mong muốn có đơn vị an toàn và tin tưởng để chăm sóc tài sản của họ. Trong nhiều báo cáo nghiên cứu thị trường, các đặc tính của kênh phân phối (ví dụ như: điều kiện cơ sở vật chất và khả năng tiếp cận dễ dàng được xác định) là những lý do quyết định khi khách hàng lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ khác nhau. Nắm chắc những đặc điểm này sẽ giúp TCTCVM thiết kế những sản phẩm và dịch vụ và sắp đặt kênh phân phối thỏa mãn tối đa sự hài lòng của khách hàng, từ đó phát triển được qui mô, đạt tăng trưởng doanh thu và hướng tới bền vững.
Thứ ba, chính sách giá và khả năng sinh lời của danh mục cho vay
Chính sách giá là một quá trình quản lý các yếu tố thị trường một cách chủ động và linh hoạt. Xây dựng giá thành là quá trình một TCTCVM tổng hợp các hoạt động tiếp thị, cạnh tranh và các quyết định tài chính nhằm xác định mức giá đem lại lợi nhuận cho TCTCVM. Trong TCTCVM hay bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh nào, hoạch định chính sách giá đòi hỏi những thay đổi trong quyết định giá, khi nào thay đổi, thay đổi như thế nào và ai sẽ ra quyết định. Cách duy nhất để có mức giá mang lại lợi nhuận là từ bỏ những ý tưởng không tạo ra đủ giá trị để xác định chi phí. Chính sách giá đòi hỏi Ban điều hành của TCTCVM thiết lập một tập hợp những qui định và chính sách về giá nhất quán với mục đích và chiến lược hoạt động. Nếu mục đích của TCTCVM là hoạt động bền vững và có lợi nhuận, chính sách giá phải được thiết lập để đạt mục tiêu này.
Các cân nhắc tài chính trong nội bộ của TCTCVM và các cân nhắc về thị trường bên ngoài nhiều khi đối ngược nhau trong quá trình ra quyết sách về giá. Các quản lý tài chính trong TCTCVM phân bổ chi phí và xác định mức giá cao để có thể trang trải chi phí và đạt mục tiêu lợi nhuận. Các quản lý tiếp thị phân tích người mua để xác định mức giá thấp để có thể đạt mục tiêu bán hàng. Một chiến lược giá
hiệu quả phải hòa trộn nhuần nhuyễn chứ không phải là sự hoán đổi các yếu tố tài chính với yếu tố thị trường. Chính sách giá hướng tới lợi nhuận phải đảm bảo trang trải đủ các chi phí cơ bản, mang lại lợi nhuận và phụ thuộc vào phản ứng của thị trường và khách hàng mục tiêu mỗi khi giá thay đổi. Chính sách giá có tác động tối quan trọng đến khả năng bền vững của TCTCVM vì có liên hệ trực tiếp đến thu nhập thuần của tổ chức, cho thấy khả năng bù đắp sự mất giá của đồng tiền cho vay. Để đạt được bền vững thì giá cả phải đảm bảo trang trải toàn bộ chi phí tài chính và hoạt động, bao gồm cả chi phí mất vốn do tác động của lạm phát.
Thứ tư, năng lực quản trị
Quản trị là một trong những yếu tố thách thức tính bền vững của TCTCVM. TCTCVM phải đảm bảo gắn kết được cơ cấu quản trị, chính sách, thủ tục và các tập quán với chiến lược kinh doanh, phương thức hoạt động và rủi ro tổ chức phải đối mặt. Quản trị là một hệ thống kiểm tra, giám sát, cân đối các nguồn lực với sự tham gia của các thành viên của TCTCVM và các tổ chức có liên quan, bao gồm cả Chủ sở hữu, Ban điều hành, nhà tài trợ, cơ quan hoạch định chính sách, khách hàng. Để đạt được mục tiêu hoạt động bền vững thì TCTCVM phải hình thành một hệ thống kiểm tra và giám sát vận hành trong nội tại và cả từ bên ngoài. Hệ thống kiểm tra giám sát này giúp TCTCVM phát hiện và phòng ngừa rủi ro, hoạt động hiệu quả, bền vững và hoàn thành sứ mệnh đề ra.
Thứ năm, quản lý tài chính
Bền vững tài chính đi liền với khả năng quản lý tài chính hiệu quả. Quản lý tài chính hiệu quả là một hệ thống những chiến lược, chính sách, thủ tục được vận dụng bởi TCTCVM nhằm đối phó với các rủi ro như rủi ro tài chính, rủi ro hoạt động, rủi ro về chiến lược, mà vẫn đảm bảo tối đa hóa các kết quả tài chính của tổ chức. Quản lý tài chính hiệu quả là quá trình liên tục đánh giá, đo lường, giám sát và quản lý những rủi ro chính một cách có hệ thống trong một TCTCVM. Quản lí tài chính có chuỗi hoạt động rộng lớn, vượt ra ngoài việc
quản lý tài khoản, báo cáo tài chính truyền thống và liên quan đến phần đông cán bộ của TCTCVM, chứ không chỉ những cán bộ thuộc khối tài chính kế toán. Các chức năng chính của quản lý tài chính gồm (i) lập kế hoạch tài chính và lập ngân sách, (ii) kiểm soát tài chính trong đó có kế toán, báo cáo và phân tích tài chính, (iii) ngân quỹ, và (iv) quan hệ nhà đầu tư. Những chức năng này vận hành tốt sẽ giúp TCTCVM tối đa hóa lợi nhuận, tiết kiệm chi phí và huy động tài chính dồi dào, từ đó rút ngắn con đường đi tới bền vững tài chính.
Thứ sáu, năng lực quản lý rủi ro và đối phó khủng hoảng
Một TCTCVM phải đối diện với nhiều rủi ro, gồm: rủi ro về sở hữu và quản trị, rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động, rủi ro lãi suất và rủi ro về thanh danh... Rủi ro về quản trị và sở hữu thường gặp ở những TCTCVM hoạt động dưới dạng các tổ chức phi chính phủ.Những tổ chức này thường được nhà tài trợ cấp vốn để thực hiện các mục tiêu xã hội nên không có chủ sở hữu thực thụ. Do vậy, động cơ giám sát kết quả tài chính và thiết lập cơ chế giám sát nội bộ của các tổ chức này thường thấp. Cơ quan giám sát thường yêu cầu các tổ chức này chuyển thành các công ty có chủ sở hữu theo luật công ty trước khi cho phép huy động tiết kiệm từ công chúng. Trong nhiều trường hợp, điều này có thể dẫn đến rủi ro là những chủ sở hữu mới khuyến khích TCTCVM dịch chuyển khỏi phân đoạn thị trường mình đang phục vụ sang phân đoạn cấp trên, gây lệch lạc về sứ mệnh hoạt động. Rủi ro tín dụng gắn liền với xác xuất các khoản vay không được hoàn trả đầy đủ, đúng hạn. Các TCTCVM thường cố gắng duy trì tỉ lệ quá hạn thấp vì chậm trả thường lan rất nhanh trong hoạt động TCVM, gây mất mát tài sản lớn. Rủi ro thanh khoản của TCTCVM xảy ra khi tổ chức không có đủ tiền mặt để đáp ứng nhu cầu rút tiền gửi của khách hàng hoặc đáp ứng nhu cầu vay vốn gia tăng. Khả năng thanh khoản thấp ảnh hưởng đến uy tín của TCTCVM trước người gửi tiền và ảnh hưởng đến khả năng hoàn trả vốn vay của khách hàng nếu họ biết sẽ khó nhận được khoản vay tiếp theo. Rủi ro hoạt động xảy ra khi hệ thống hoạt động trục trặc, hoặc khi cán bộ quản lý và nhân viên có yếu kém hoặc sai phạm.
Khi TCTCVM thực hiện quá trình ra quyết định phi tập trung, tổ chức cần xây dựng một hệ thống kiểm soát nội bộ tinh vi và một hệ thống quản lý thông tin hiệu quả. Trong nhiều TCTCVM, hệ thống này yếu kém dẫn đến hậu quả khó xác định được các chức năng kiểm soát bên trong và bên ngoài rõ ràng. Rủi ro lãi suất diễn ra khi tài sản và công nợ của TCTCVM gặp chênh lệch lớn về thời hạn. Một TCTCVM cấp một khoản vay dài hạn với lãi suất cố định sẽ khó đảo nợ bằng khoản vay rẻ hơn khi lãi suất thị trường đi xuống. Ngoài ra, trần lãi suất có thể hạn chế nghiêm trọng khả năng cho vay của TCTCVM nếu chi phí vốn tăng. Rủi ro về danh tiếng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển của TCTCVM đặc biệt khi tổ chức này huy động tiền gửi của công chúng. Việc huy động tiền gửi chỉ suôn sẻ nếu tổ chức hoạt động ổn định và đáng tin. Bất cứ sự tổn hại nào về danh tiếng cũng ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của tổ chức. Nói tóm lại, các rủi ro nêu trên đều đe dọa tính bền vững của TCTCVM, khiến các tổ chức gian truân trong chặng đường hướng tới bền vững hoặc mất bền vững dù đã đạt được mục tiêu này. Khả năng ứng biến của tổ chức đối với cá rủi ro khi xảy ra sẽ quyết định khả năng tồn tại và tiềm năng phát triển của tổ chức đó trên thị trường.