Quá trình tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau trong giao tiếp.

Một phần của tài liệu Giáo trình kỹ năng đàm phán và giao tiếp trong kinh doanh (Trang 65 - 68)

II. cấu trúc của hoạt động giao tiếp.

3. Quá trình tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau trong giao tiếp.

Giao tiếp không chỉ là trao đổi thông tin, nhận thức, đánh giá về nhau, mà còn là sự tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau. Trong quá trình đó chúng ta tác động tới những người khác, và ngược lại, người khác lại tác động, ảnh hưởng tới chúng ta. Sự ảnh hưởng đó có thể tốt hay xấu, có thể tích cực, có thể tiêu cực đối với nhau “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Tuy nhiên sự tác động giữa người này tới người khác diễn ra hết sức phức tạp, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Mỗi chúng ta chịu sự tác động từ xã hội không phải một cách thụ động, mà thông qua một cơ chế chọn lọc, “đề kháng” nhất định. Có nghĩa là không phải cứ “ gần mực, thì đen”, mà cứ hễ “ gần đèn, thì rạng”. Đen hay không, sáng hay tối còn phụ thuộc vào ý chí, trí tuệ và tính tích cực của mỗi cá nhân. Nếu có trí tuệ cao, ý chí đúng và mạnh thì chúng ta cũng có thể “ gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Quá trình tác động, ảnh hưởng lẫn nhau trong giao tiếp được diễn ra dưới nhiều hình thức, như: lây lan, ám thị, bắt chước, thuyết phục, áp lực nhóm…

3.1. Sự lây lan tâm lý

Một trong những cơ chế ảnh hưởng đặc biệt trong giao tiếp giữa cá nhân và xã hội là lây lan tâm lý. Đó là quá trình chuyển tỏa trạng thái cảm xúc từ cá thể này sang cá thể khác ở cấp độ tâm sinh lý nằm ngoài sự tác động của ý thức. Nói cách khác, lây lan là quá trình mà trong đó một người này tự đưa mình vào trạng thái tâm lý của người khác một cách vô thức.

Trong giao tiếp, tâm lý của người này ảnh hưởng tới tâm lý của người khác. Một người vui vẻ có thể làm cho người khác vui theo, một người buồn có thể làm cho người khác buồn theo. Chính nhờ có sự lây lan tâm lý mà người ta có sự đồng cảm với nhau trong giao tiếp.

Trong một tập thể tâm lý của thành viên này có thể lan truyền sang thành viên khác. Ví dụ, khi tập thể định làm một công việc gì đó, chỉ cần một người chán nản, nói ngãng ra là có thể gây cho người khác chán nản theo. Lực lây lan tâm lý được truyền đi theo nguyên tắc cộng hưởng, tỷ lệ thuận với số lượng thành viên của tập thể và cường độ cảm xúc được truyền.

Sự lây lan tâm lý có thể diễn ra theo cơ chế dao động từ từ ( tâm lý của người này lan sang tâm lý của người khác một cách từ từ), cơ chế bùng nổ (là sự lan truyền rất

nhanh, đột ngột, thường xảy ra khi con người lâm vào trạng thái căng thẳng cao độ. Ví dụ, sự hoảng loạn tập thể; cơn bốc trên sàn nhảy, trên sân bóng)

Nhà quản trị cần nhận thức được hiện tượng lây lan tâm lý và biết cách điều khiển nó để có lợi cho tập thể. Cần tránh sự lây lan tâm trạng xấu từ người này sang người khác, điều đó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của tập thể. Trong tập thể nên có những người luôn vui vẻ, lạc quan có thể tạo ra không khí vui vẻ, phấn khởi, thu hút được mọi người nhằm nâng cao tâm trạng chung.

3.2.ám thị trong giao tiếp

ám thịlà dùng lời nói, việc làm, hành vi cử chỉ tác động vào tâm lý của một cá nhân hoặc một nhóm người nhằm làm cho họ tiếp thu thông tin mà không có sự phê phán.

Có thể tiến hành ám thị lúc con người tỉnh táo hoặc trong trạng thái thôi miên.

ám thị thường đi kèm với quá trình giao tiếp. Nó có thể mang tính chất trực tiếp hoặc gián tiếp, tích cực hay tiêu cực, trọn vẹn hay không trọn vẹn.ám thị trực tiếp là tác động trong đó người này thông báo cho người kia – dưới hình thức mệnh lệnh thực hành – những ý nghĩ nhất định, khiến người kia phải tiếp nhận và thực hiện không bàn cãi.

ám thị gián tiếp thì phải đi theo đường vòng để đạt mục đích trên ( chẳng hạn thủ thuật “ noi gương” trong nghệ thuật bán hàng là một ví dụ)

Tính bị ám thị ( hay còn gọi là nhẹ dạ cả tin) phụ thuộc vào từng người, từng lứa tuối, giới tính và từng hoàn cảnh. Tính bị ám thị của con người tăng lên khi người ta đang hoang mang dao động, đang trông chờ, đang đi tìm một lối thoát, khi họ đang bị chi phối bởi một nhu cầu mãnh liệt nào đó. Thường tuổi càng cao, kinh nghiệm càng nhiều thì tính bị ám thị cũng giảm đi, phụ nữ thường dễ bị ám thị hơn nam giới. Uy tín của các nhà lãnh đạo cũng có sức ám thị mạnh với nhân viên. Nếu nhà lãnh đạo có uy tín tuyệt đối đối với nhân viên thì mọi chỉ thị, mệnh lệnh đều được nhân viên tiếp thu, thực hiện một cách tự giác.

3.3. Hiện tượng áp lực nhóm.

Trong giao tiếp tập thể, phản ứng của một thành viên thường bị chi phối bởi phản ứng của số đông. Khi đại đa số các thành viên của nhóm đã thống nhất với nhau về một phản ứng tâm lý nào đó, thì số thành viên còn lại cũng có xu hướng chấp nhận theo phản ứng đó. Tức là phản ứng của đa số tạo nên áp lực đối với phản ứng của một số ít người.

Biểu hiện đặc biệt của áp lực nhóm tới cá nhân là tính a dua( hay “ theo đuôi”). Đối lập với tính a dua là tính độc lập kiên định của cá nhân so với áp lực nhóm.

Có thể chia ra 2 loại a dua: a dua bên ngoài hay a dua hình thức và a dua bên trong hay a dua thực tâm. A dua bên ngoài là a dua khi cá nhân tiếp thu ý kiến của nhóm mang tính hình thức, còn trên thực tế người đó chống lại ý kiến của cả nhóm. A dua bên trong là khi mà cá nhân hoàn toàn bị ý kiến của đa số thu phục. Loại a dua này là kết quả khắc phục xung đột cá nhân theo nhóm và kết thúc bằng sự có lợi cho nhóm.

3.4. Bắt chước

Bắt chước là sự mô phỏng, tái tạo, lặp lại các hành động, hành vi, tâm trạng, cách thức suy nghĩ, ứng xử của một người hay nhóm người nào đó.

Trong thực tiễn đời sống hàng ngày chúng ta thường gặp những biểu hiện đa dạng của bắt chước: trẻ em bắt chước cách xử thế nhất định của người lớn, xử sự như cha chúng, phản ứng với những tình huống nhất định như mẹ chúng; thợ học việc trong xưởng hành động theo cách của thợ cả; học sinh bắt chước cách ứng xử của thầy giáo; sự a dua của lớp trẻ trong việc lựa chọn nghề nghiệp, cách ăn mặc, tiêu xài theo mốt…

Bắt chước là cơ chế quan trọng để hình thành nên chuẩn mực và giá trị của nhóm, của xã hội. Thông qua bắt chước mà mỗi cá nhân xây dựng nên cách ứng xử của mình phù hợp với chuẩn mực xã hội.

Có nhiều hình thức bắt chước:

- Bắt chước vô thức và bắt chước có ý thức. - Bắt chước hình thức và bắt chước bản chất.

- Bắt chước nhất thời ( mốt, thời trang, tâm trạng xã hội…) và bắt chước lâu dài (phong tục tập quán, tín ngưỡng…)

- Bắt chước lẫn nhau trong phạm vi một giai cấp, một thế hệ và sự mô phỏng, lặp lại giữa các giai cấp, giữa các thế hệ.

Bắt chước thường được diễn ra theo quy định nhất định: bắt chước được thực hiện từ bản chất đến hình thức, nghĩa là các hình mẫu bản chất hấp dẫn bắt chước sớm hơn các hình mẫu bên ngoài. Người ta thường bắt chước các tinh thần tôn giáo trước rồi mới bắt chước các nghi lễ, nghi thức sau. Bắt chước được thực hiện từ dưới lên trên theo bậc thang xã hội, nghĩa là tầng lớp hạ lưu có xu hướng bắt chước giới thượng lưu, trẻ em bắt chước người lớn, các vùng phụ cận bắt chước trung tâm…

3.5. Thuyết phục

Là một phương pháp tác động ảnh hưởng có mục đích nhằm thay đổi các quan điểm, thái độ của người khác, hoặc xây dựng quan điểm mới.

Khác với ám thị sự thuyết phục được xây dựng trên cơ sở tính lôgic, tính chặt chẽ, xác đáng của các lập luận để làm cho đối tượng hiểu và đồng tình với các lý lẽ đó.

Hiệu quả của sự thuyết phục phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: uy tín của người thuyết phục, tính chặt chẽ, tính logic của các lý lẽ đưa ra, một số đặc điểm tâm lý cá nhân (tính cách, tính khí, ý chí, tâm thế…), hoàn cảnh diễn ra sự thuyết phục, cách thức thuyết phục…

Để thuyết phục có hiệu quả, phải tạo ra một bầu không khí bình đẳng trong giao tiếp. Khi trình bày quan điểm của mình bạn nên chú ý dành thời gian để cho đối tượng động não, đánh giá, so sánh quan điểm của bạn. Và cũng cần thiết tạo điều kiện cho đối tượng bộc lộ cảm xúc, vì cảm xúc luôn phải được giải thoát khi gieo cấy một tư tưởng nào đó.

Khi thuyết phục hoặc tranh luận bạn cần chú ý thêm những điểm sau:

- Phải tôn trọng ý kiến của người khác( dù ý kiến đó có khác, thâm chí trái ngược với ý kiến của mình) bằng cách bình tĩnh lắng nghe, không cắt ngang, không phát biểu ý kiến phản bác, chê bai.

- Phải bình tĩnh, điềm đạm, ôn tồn chứng minh lẽ phải của mình, không nên nổi nóng, lên giọng, múa tay, đập bàn…

- Cần đánh giá một cách khách quan những điểm có lý trong ý kiến của đối tượng và thừa nhận một cách công khai cái sai trong ý kiến của mình mà đối tượng đã vạch ra.

Ba quá trình truyền đạt thông tin, nhận thức và tác động lẫn nhau thống nhất trong một hoạt động giao tiếp, chúng tác động qua lại, phụ thuộc lẫn nhau. Thông tin có được truyền đạt và tiếp nhận một cách đầy đủ, chính xác thì các bên giao tiếp mới hiểu được về nhau và đồng thời đưa ra các phương pháp tác động có hiệu quả. Đến lượt mình, sự hiểu biết thấu đáo về nhau làm cho quá trình truyền tin diễn ra một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Một phần của tài liệu Giáo trình kỹ năng đàm phán và giao tiếp trong kinh doanh (Trang 65 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)