Những lỗi thường mắc khi viết đoạn văn

Một phần của tài liệu Giáo trình kỹ năng đàm phán và giao tiếp trong kinh doanh (Trang 33 - 35)

- Câu chủ đề đứn gở cuối đoạn văn

4 Những lỗi thường mắc khi viết đoạn văn

4.1. Về nội dung

Lỗi về nội dung đoạn văn thể hiện ở một số điểm sau đây :

a) Lạc ý

Đây là một trong những lỗi hay gặp nhất trong các đoạn văn có câu chủ đề nên lên một ý nào đó nhưng khi triển khai, các câu đứng ở phần sau lại phân tán, không tập trung làm rõ ý đó hoặc đang triển khai ý đó lại đột ngột chuyển sang trình bầy ý khác.

Ví dụ :

Trong ca dao Việt Nam, những bài về tình yêu nam nữ là những bài nhiều hơn cả. Họ yêu gia đình, yêu cái tổ ấm cùng nhau chung sống, yêu nơi chôn nhau cắt rốn. Họ yêu người làng, người nước, yêu từ cảnh ruộng đồng đến công việc trong xóm, ngoài làng. Tình yêu đó nồng nhiệt, đằm thắm và sâu sắc.

Đoạn văn này có câu chủ đề nêu nội dung sẽ triển khai là những bài về tình yêu nam nữ, nhưng các câu sau lại không nói tới tình yêu đó mà lại nói tới những tình cảm hoàn toàn khác. Đoạn văn đã mắc lỗi lạc chủ đề.

Để tránh lỗi này, không nên viết những câu không đi đúng vào chủ đề đã định.

b) Thiếu ý

Thiếu ý là lỗi thường gặp trong các đoạn văn có câu chủ đề nêu nhiều ý nhưng khi triển khai đoạn văn, các ý đó không được trình bầy đầy đủ. ở đây, các câu đứng sau câu chủ đề chưa lấp đầy ý cho câu chủ đề, chưa làm rõ ý trong câu chủ đề.

Ví dụ :

Cư dân Văn Lang rất ưa ca hát và nhảy múa. Họ hát trong những đêm trăng hoặc ngày hội. Họ còn hát trong lúc chèo thuyền, săn bắt. Những nhạc cụ đệm cho những điệu hát thường là trống đồng, khèn, sáo, cồng...

Đoạn văn nêu lên hai nội dung : ca hát và nhảy múa . Nhưng khi triển khai đoạn văn này mới chỉ đề cập đến nội dung ca hát, còn nội dung nhảy múa chưa được nói tới. Đoạn văn này đã mắc lỗi triển khai thiếu hụt ý.

c) Loãng ý

Đây là loại lỗi thường mắc trong những đoạn văn có chứa quá nhiều câu bậc 2 hoặc bậc 3. Sự lấn át về mặt số lượng của những loại câu này sẽ làm cho nội dung bị dàn trải, phân tán và vì thế gây nên tình trạng loãng ý.

Ví dụ :

Bên cạnh con cò, con trâu được nói nhiều hơn cả trong ca dao, dân ca Việt Nam. Con trâu không mấy lúc thảnh thơi, cho nên khi nghĩ đến cuộc đời nhọc nhằn của mình, người nông dân thường nghĩ đến con trâu. Con cò tuy có vất vả, tuy phải lặn lội bờ sông nhưng còn có lúc được bay lên trời xanh. Con cò, con vạc, con nông là những con vật rất gần gũi với người lao động. Chúng mang những đức tính cần cù, chịu khó của người nông dân chân lấm tay bùn. Những lúc cần bộc bạch nỗi niềm, người nông dân thường đem con vật đó ra để tâm sự.

Trong đoạn văn này câu mở đầu cho ta biết đoạn văn sẽ trình bầy về con trâu trong ca dao, dân ca Việt Nam. Nhưng trong khi khai triển, đoạn văn lại nói nhiều về con cò, con vạc... Chính điều này đã làm cho đoạn văn bị loãng ý.

Để chữa loại lỗi này, cần mạnh dạn lược bỏ các câu bậc 2, bậc 3và thêm vào đoạn văn những câu bậc 1, trực tiếp phục vụ cho chủ đề.

d) Lặp ý

Đây là hiện tượng một đoạn văn có chứa nhiều câu trùng ý nhau, câu sau lặp lại nội dung đã có trong câu trước. Các câu trong đoạn lặp lại nhau càng nhiều thì nội dung trong đoạn văn càng nghèo nàn.

Ví dụ :

Mọi vật trong bài thơ Mùa thu câu cá của Nguyến Khuyến đều buồn. Mùa thu câu cá là một bài thơ buồn. Cảnh vật đều phảng phất nỗi buồn mang mác. Nỗi buồn như thấm vào cả mọi vật. Cảnh vật nào dường như cũng chứa nỗi buồn riêng.

Đọc đoạn văn, chúng ta đều thấy các ý bị lặp lại, nội dung không có sự phát triển và vì vậy ý trong đoạn trở nên luẩn quẩn. Đoạn văn đã mắc lỗi lặp ý.

Để tránh lỗi này, không viết những câu lặp ý.

đ) Mâu thuẫn ý

Trong đoạn văn, nếu ý câu trên trái ngược với ý câu dưới, phủ nhận ý câu dưới; còn ý câu dưới lại bác bỏ ý câu trên, không phù hợp với ý câu trên, ta nói đoạn văn bị mâu thuẫn ý.

Ví dụ :

Đoàn thuyền đánh cá ra khơi trong cảnh màn đêm buông xuống. Sóng biển cài then, đêm sập cửa, vũ trụ đi vào yên tĩnh, vắng lặng. Bốn bề không còn một tiếng động. Lá cờ nhỏ trên đỉnh cột buồm bay phần phật trước gió. Những đường chỉ viền óng ánh như sáng rực trong đêm. Tiếng sóng vỗ mạn thuyền rì rầm nghe như bản nhạc vô tận của biển cả ngân nga muôn lời tâm sự. Những khuôn mặt rám nắng, những cánh tay gân guốc, bắp thịt nổi cuồn cuộn khẩn trương chuẩn bị nhổ neo lên đường.

Trong đoạn văn này, hai câu đã xác định thời gian, không gian và cảnh vật làm nền cho việc miêu tả là “màn đêm buông xuống”, “đêm sập cửa”, “yên tĩnh, vắng lặng”, vì vậy không thể có được những chi tiết miêu tả như:Cờ bay phần phật, như bản nhạc vô tận và cũng không thể nhìn rõ được những khuôn mặt rám nắng, những cánh tay gân guốc, bắp thịt nổi cuồn cuộn. Viết như vậy là mâu thuẫn.

Để tránh lỗi này cần đảm bảo tôn trọng hiện thực khách quan, đảm bảo trình bày đối tượng theo đúng những quy luật tư duy.

Một phần của tài liệu Giáo trình kỹ năng đàm phán và giao tiếp trong kinh doanh (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)