Những yêu cầu khi thuyết trình

Một phần của tài liệu Giáo trình kỹ năng đàm phán và giao tiếp trong kinh doanh (Trang 43 - 48)

Khi viết ta chỉ diễn đạt tư tưởng bằng chữ thôi; khi nói, ta không những, diễn nó bằng lời, mà còn bằng giọng, bằngmắt, bằng điệu bộ, bằng tất cả vẻ bề ngoàithể hiện được nội tâm của ta nữa.

1. Nhịp cầu ánh mắt

Bạn nên nhớ rằng không giống như trường hợp các diễn viên, đối với một diễn giả,tiếp xúc bằng ánh mắt là một trong những phương tiện quan trọng, trực tiếp và hiệu quả nhất để thiết lập quan hệ với thính giả thông qua nhịp cầu giữa các cặp mắt của người nói và của người nghe.

Nhìn vào cử toạ và ngừng một chút trước khi nói. Thông thường, khi bạn đến bục giảng, bao giờ trong phòng cũng hơi ồn ào, mất trật tự đôi chút. Một diễn giả vừa bước lên bục đã nói ngay là thể hiện sự hấp tấp, thiếu đĩnh đạc và dễ gây ấn tượng không đẹp ban đầu.

Khi nói, bạn hãy duy trì nhịp cầu cặp mắt với cử tọa, nhìn vào mắt từng người và dừng lại lâu hơn ở những người nào đó trông có vẻ chăm chú, háo hức, thích thú nghe bạn.Qua cặp mắt sáng rực, họ chuyển tải đến bạn một thông điệp đầy ý nghĩa của sự đồng tình, khuyến khích nên nguồn yểm trợ mạnh về tinh thần và tình cảm cho bạn, để bạn tự tin và cố gắng làm cho bài nói của mình hấp dẫn hơn. Một diễn giả lãng trí nhìn lơ láo lên trần, ngó mông lung ra ngoài cửa sổ, hoặc chỉ nhìn vào một nhóm cử tọa nào đó là thể hiện một thái độ không đẹp, không nghiêm túc. Nếu thính giả cảm thấy bạn không quan tâm đến họ, thì chắc chắn họ cũng quên bạn đi cùng với những điều bạn nói. Hơn nữa, qua mạng lưới tiếp xúc bằng mắt, bạn có thể nhận được tín hiệu cho biết liệu kênh giao tiếp đã mở hay còn đóng, và nhận được hồi âm phản ứng của người nghe về thông điệp của bạn.

Nói chung, không nên cầm bài nói viết sẵn đọc lên từng chữ, từng câu như kiểu một bản tuyên ngôn hay một bài diễn văn. Cử toạ sẽ nghĩ rằng giá như diễn giả phát cho mỗi người một bản để họ tự đọc lấy còn hơn. Một bài nói đem đọc nguyên văn sẽ không có tính tươi mới, sinh động và hấp dẫn. Càng không nên học thuộc lòng như kiểu học sinh cấp một trả bài trước thầy cô giáo. Cách trình bày theo kiểu thuộc lòng không thể tạo ra sự nhộn nhịp và hứng thú, làm mất tính linh hoạt. Sự tương tác mặt đối mặt đòi hỏi tư duy sống động để phát biểu chứ không phải lặp lại những điều đã học thuộc như con

vẹt. Tuy nhiên, nếu bạn phải trình bày một chủ đề đặc biệt phức tạp (chẳng hạn như một báo cáo nghiên cứu trong hội thảo khoa học) trước các thành viên của một tập thể chuyên nghiệp, bạn vẫn có thể đọc lên một số đoạn trong tài liệu đã viết ra. Nhưng ngay cả trong trường hợp này trong khi đọc, thỉnh thoảng bạn vẫn phải ngửng đầu lên nhìn vào cử toạ để sự giao tiếp bằng mắt không bị gián đoạn.

Trường hợp cử toạ lảng tránh không nhìn bạn hoặc chỉ nhìn mơ hồ đâu đó, chắc chắn là họ không chú ý lắng nghe bạn. Điều này đòi hỏi bạn phải thay đổi cách tiếp cận và phương pháp làm cho họ quan tâm đến nội dung bài nói.

2. Ngữ điệu của giọng nói

Rõ ràng giọng nói là công cụ giao tiếp chính của bạn, nên bạn phải chú tâm học hỏi để biết cách sử dụng giọng nói được đúng đắn, và liên tục hoàn thiện giọng nói, nếu như bạn muốn trở thành một diễn giả sáng giá, một nhà hùng biện. Giọng nói tốt là một năng khiếu bẩm sinh, thế nhưng bằng rèn luyện khổ công bạn có thể cải tiến đáng kể chất lượng giọng nói của mình. Ngoài thanh quản cố định ra, ba bộ phận linh hoạt của cơ quan phát âm là môi, hàm và lưỡi. Trong khi nói, nếu một trong ba bộ phận này hoạt động không bình thường, thì người nghe rất vất vả vì các âm phát ra không chính xác.

Nếu có thể, thu bài nói của bạn vào một cuộn băng, nghe lại thử để xem giọng nói còn chỗ nào sai. Cũng nên để ý cung cách những người nói giỏi thay đổi âm lượng, âm tần, âm sắc, âm điệu thế nào cho phù hợp với tư duy, ý tưởng, tình cảm mà họ chuyển tải.

Nếu bạn có chút nghi hoặc nào về cách phát âm một từ (trường hợp ngoại ngữ) hoặc về một thành ngữ chính xác (trường hợp tiếng mẹ đẻ), nên tra ngay từ điển không do dự. Tập lấy thói quen khi tra từ điển để biết nghĩa, cũng phải xem cách phát âm của từ.

Nên tranh thủ mọi cơ hội để nói cho lưu loát và gẫy gọn; thực hành và kinh nghiệm sẽ tạo cho bạn sự tự tin và tính chính xác.

Trong quá trình nói, thỉnh thoảng nên có những chỗ ngắt quãng ngắn để lấy hơi, và nhất là để chia ý của bạn thành những phần nhỏ khiến người nghe có thời đoạn cần thiết cho việc tiếp thu một ý trước khi bạn chuyển sang một ý khác. Nếu ngắt quãng có hơi dài, cũng không sao. Không ai sẽ nghĩ rằng bạn phải ngừng để nhớ đoạn kế tiếp của bài nói. Hơn nữa, đối với người nói, thời gian ngắt quãng bao giờ cũng có vẻ dài hơn là thực sự.

Bạn cần ghi nhớ những điều này khi phát biểu:

* Phát âm một cách chuẩn xác, nhấn mạnh những điểm cần thiết ở những chỗ phải nhấn. Tránh nói huyên thiên và phát âm sai.Phát âm sai (nói ngọng) dễ khiến cho thính giả hiểu lầm và coi thường bạn.

* Nói đủ lớn để mọi người có thể nghe rõ ràng, không quá nhỏ khiến người nghe phải vất vả lắng tai, thậm chí không hiểu được gì.

* Nói nhanh là một biểu hiện thiếu tự tin, trừ trường hợp đó là một cố tật. Mà đã là cố tật thì phải sửa. Cần nói theo một tốc độ mà cử toạ có thể theo dõi để hiểu được điều bạn nói. Bình thường, bạn nên nói khoảng 125 đến 150 từ mỗi phút. Nên kiểm tra tốc độ của bạn để đưa vào giới hạn này.Nhưng nói quá chậm lại khiến cho người nghe rất mệt óc chờ đợi từng từ và thậm chí phát bực bội vì mất thì giờ.

* Thay đổi âm lượng, nhịp độ, âm điệu của giọng nói cho phù hợp với ngữ cảnh là điều cốt tử để chuyển tải thông điệp của bạn. Một bài nói đều đều đơn điệu như kiểu mưa rơi từng giọt khiến thính giả chán ngắt và rất dễ ngủ gật.

* Tránh nói giọng mũi, giọng ồm ồm, ề à, nên lấy hơi từ trong cổ họng để có giọng trầm vang xa, và để đỡ mệt hơn là lấy hơi từ đầu môi cuối lưỡi. Cố gắng không chêm vào đầu hoặc giữa câu nói những từ đệm, những mẩu từ vô nghĩa như: “cái“, “ấy thế là“, “vấn đề“, “đâm ra là“, “coi như là“, “chẳng qua là“, “nói thật chứ“, “hoá ra là“, vân vân và vân vân.

Những kiểu chêm, đệm cũng là một cố tật khó chữa. Song với việc nhận thức rõ đó là một yếu tố cản trở sự thành đạt, và với một quyết tâm cao rèn luyện kiên trì, có phương pháp, bất kỳ ai cũng có thể dần dần khắc phục được.

3. Ngôn ngữ ngoại hình

Lời nói không phải là phương tiện giao tiếp duy nhất trong sự tương tác mặt đối mặt giữa người thuyết trình và các thính giả. Toàn bộ ngoại hình, tư thế của bạn - từ nét mặt, tư thế đến cử chỉ - được huy động một cách tổng hợp vào cuộc nói.

Với trang phục gọn gàng, nghiêm chỉnh, với nét mặt vui tươi và một chút mỉm cười, bạn sẽ thấy thoải mái dễ dàng thiết lập một quan hệ thân tình, hữu nghị, một mối đồng cảm với mọi người ngay từ lúc bắt đầu. Ăn mặc luộm thuộm, tóc tai bù xù có thể gây ác cảm, khó chịu cho đám đông.

Khi được mời lên nói bạn hãy bước ra chững chạc, không quá nhanh, không quá chậm, và đứng trước bục thoải mái.

Đừng nhìn xuống sàncũng không ngó lên trần, bạn hãy đưa mắt quan sát một vòng qua thính giả, tạo nên sợi giây giao lưu tình cảm đầu tiên với họ.

Buông hai tay thanh thản tự nhiên và đặt tờ đề cương bài nói của bạn lên bàn giảng. Không bồn chồn hồi hộp, bạn hãy cố gắng thở đều đặn, sâu, nhẹ nhàng. Khi nói, thỉnh thoảng bạn nên dùng tay làm các cử động vừa phải, minh hoạ cho ý của mình, nhưng nhất thiết không vung mạnh hoặc múa may. Múa may thái quá khiến cho bạn trở thành anh hề vụng dại và lố bịch dưới con mắt của thính giả.

Nếu có sẵn micro, hãy điều chỉnh đúng tầm và để cách miệng bạn chừng 20 đến 25cm, bảo đảm âm phát ra vừa phải. Để micro quá xa hoặc quá gần, tiếng nói của bạn sẽ yếu hoặc rồ lên khó chịu.

Có thể bạn hơi hồi hộp, thậm chí trống ngực đập mạnh; không hề gì, đó là chuyện bình thường. Sự hồi hộp của bạn, nếu có, thính giả cũng không dễ cảm nhận được, một khi bạn không tự bộc lộ trên sắc diện hoặc tái mét hoặc đỏ bừng, hoặc cử động vụng về. Thực tế, những nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng một chút hồi hộp có thể tạo ra sự phấn khích cho một số diễn giả phát huy cảm hứng hoặc ngẫu hứng.

4. Sự đồng cảm của thính giả

Một diễn giả lão luyện bao giờ cũng cố gắng “ so giây “ để đạt tới cùng một bước sóng với thính giả, vì không làm như vậy, một rào chắn vô hình về tâm thức sẽ dựng lên giữa bạn và người nghe.

Chỉ cần lướt nhìn khắp hội trường một lượt, bạn đã có thể cảm nhận ra rằng cử tọa là một tập thể hăng say chờ đợi tiếp thu bài nói, hay là một tốp người không mấy thân thiện. Trước khi nói bạn cần ước lượng tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp và mối quan tâm của họ. Thông thường, trước đó, thông qua những thông tin sơ bộ, bạn đã biết được thành phần xã hội của cử tọa. Giờ bạn có thể thấy trên vẻ mặt của họ những cặp mắt sáng lên với hy vọng hay là rầu rĩ ủ dột vì phải cưỡng bức đến ngồi nghe.

Trực giác nhạy bén và lương tri sáng suốt là hai điều cần thiết để trở thành diễn giả thông minh, mà bạn nên vận dụng để chọn cách tiếp cận thích hợp với cử tọa. Trong nhiều trường hợp, nếu bạn nói theo kiểu trực tiếp, bạn sẽ được chú ý lắng nghe. Cố gắng

nói chuyện thẳng với họ. Mỗi thính giả phải cảm thấy như bạn nói riêng với họ, như giữa hai người đối thoại thân mật.

Để hấp dẫn người nghe, không cần phải sử dụng nhiều lời lẽ hùng hồn, thống thiết, văn hoa như kiểu động viên quần chúng lao vào một cuộc cách mạng hay một chiến dịch đấu tranh. Trái lại, bạn hãy nói một cách điềm đạm với niềm tin và sự chân thành về những quan tâm tức thời của họ, những điều quen thuộc đối với họ. Như vậy chắc chắn bạn có thể lôi cuốn họ lắng nghe. Nếu vấn đề bạn nêu ra hơi khô khan, khó hiểu, nên điểm xuyết vào một ít màu sắc, tình tiết có tính chất cá nhân hoặc địa phương. Trường hợp cần thiết và có thể, nên kịch tính hoá một số ý tưởng để phá vỡ hàng rào giao tiếp.

Tuy vậy, điều hay nhất là nên tập trung vào các ý tưởng, vào những gì mà bạn muốn thông báo cho thính giả hơn là vào chuyện bạn gây ấn tượng hoặc cảm tình tốt, tất nhiên sự kiện này cũng quan trọng. Các nhà diễn thuyết có kinh nghiệm cho rằng bạn phải cảnh giác với những chi tiết thừa và những giải thích dài dòng không đúng chỗ, vì những cái đó gây bực bội cho thính giả.

5. Sử dụng phương tiện nhìn

Bộ não con người thu nhận các thông tin khác nhau qua năm giác quan. Tri giác của chúng ta tạo nên các hình ảnh của thế giới bên ngoài bằng cách phối hợp các thông tin nghe, nhìn và những thông tin khác.

Thông tin chuyển tải bằng lời nói chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống chúng ta, trong khi sự tiến hoá của văn minh đã tạo ra một lực thúc đẩy mạnh mẽ cho thông tin thị giác, và cơ thể con người cũng cảm nhận một cách dễ dàng hơn những thông tin phức tạp nhất từ thị giác. Chúng ta thấy xúc động hơn khi cầm trong tay một bông hồng thật so với khi nghe tiếng nói phát ra âm thanh “bông hồng“.

Trong thuyết trình, các phương tiện nhìn có thể làm cho bài nói của bạn hữu hiệu hơn. Thính giả bao giờ cũng thấy bị kích thích, thú vị và quan tâm nhiều hơn khi thấy tận mắt điều được trình bày. Lời giải thích của bạn cùng với việc sử dụng một phương tiện nhìn sẽ trở nên sống động hơn và dễ hiểu, thậm chí được lưu giữ lâu trong bộ nhớ.

Một số phương tiện có thể giúp bạn tốt là các bản đồ, hình vẽ, sơ đồ, phim ảnh, máy chiếu “slide“ và “overhead“, kể cả bảng đen, bảng trắng.

Sự lựa chọn của bạn phụ thuộc vào chủ đề, vào thính giả, và khả năng có sẵn phương tiện gì. Nhưng nên nhớ rằng quá nhiều phương tiện có thể làm hiệu quả kém đi - “đa cơ loạn mục“.

Để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất khi dùng các phương tiện nhìn, bạn cần nhớ: * Phối hợp đồng bộ phương tiện nhìn với việc nói miệng và sử dụng phương tiện khi bạn đề cập tới hạng mục cần đến.

* Nếu có thể, nên đặt sơ đồ, hình vẽ, bản đồ ở một chỗ thuận tiện, dễ lấy ra khi cần. * Lúc sử dụng, phương tiện nhìn phải được bố trí tại nơi mọi người có thể trông thấy. Nếu cần, nên xem xét trước hình thế của hội trường, phòng họp để quyết định sắp xếp.

* Diễn dịch ý nghĩa của phương tiện cho người nghe và dẫn dắt sự chú ý của họ nếu bạn muốn họ ghi chép khi cần.

* Đứng sang một bên và sử dụng chiếc que trỏ khi giới thiệu.

* Phương tiện phải rõ ràng, sắc nét, chỉ nên nhấn mạnh những khía cạnh bạn coi là có ý nghĩa. Đừng nhồi nhét vào đó quá nhiều thông tin.

Một phần của tài liệu Giáo trình kỹ năng đàm phán và giao tiếp trong kinh doanh (Trang 43 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)