Năm 2013, Công ty Hồng Ký ứng dụng công nghệ CNC (Computer numerical control – điều khiển bằng máy tính) vào dây chuyền sản xuất và sau đó đưa Robot tự động vào hỗ trợ sản xuất. Việc gia tăng tự động hóa trong quá trình sản xuất đã tạo ra độ chính xác và chất lượng của sản phẩm, tạo cơ sở vững chắc cho việc phát triển ngày nay. Tuy nhiên, công nghệ quản lý là các phần mềm quản lý hệ thống hàng tồn kho, tài chính – kế toán, nhân sự, quản lý khách hàng của công ty Hồng Ký hiện nay chưa được triển khai đồng bộ. Phần mềm ERP chỉ mới bước đầu áp dụng tại bộ phận cung ứng và chưa được hoàn thiện. Lý do là trình độ nhân viên sử dụng chưa đảm bảo, các yếu tố đầu vào của chương trình như: phân loại sản phẩm, mã số mã vạch, sắp xếp hệ thống kho… chưa được chuẩn hóa nên vấn đề nhập liệu còn khó khăn. Trong khi đó, bộ phận kế toán thì lại sử dụng phần mềm kế toán Misa (đã sử dụng từ trước), bộ phận nhân sự thì lại sử dụng SuerHSC của công ty Lạc Việt. Hơn nữa, các hệ thống phần mềm sử dụng chỉ ở hình thức ẩn (offline) chưa trực tuyến (online) nên việc cung cấp thông tin rất chậm. Số liệu kinh doanh thường được vào cuối mỗi tháng dựa trên thống kê lại kết quả trên phần mềm Excel. Hậu quả là hệ thống thông tin quản lý đến với ban lãnh đạo chưa kịp thời, đặc biệt là thông tin về vật tư tồn kho, hàng hóa tồn kho và tình hình thu chi. Các thông tin về nhân sự, khách hàng, nhà cung cấp cũng đang trở nên khó khăn của các cấp ra quyết định cũng như kiểm soát các yếu tố đầu vào.
Ngày nay, trong kinh doanh, công nghệ quản lý đóng vai trò hết sức quan trọng, nó mang lai cho nhà quản trị thông tin chính xác và kịp thời là yếu tố thành bại trong kinh doanh. Với tình hình khó khăn trong việc cung cấp thông tin cho cấp quản lý hiện nay, công ty Hồng Ký phải đầu tư một hệ thống công nghệ quản lý hiệu quả, tác giả đề xuất như sau:
Ứng dụng đồng bộ phần mềm ERP cho toàn bộ các hoạt động từ nhân sự, cung ứng, hàng tồn kho, hoạt động bán hàng, quản lý khách hàng, tài chính, kế toán, kế hoạch sản xuất...
Xây dựng hệ thống kết nối trực tuyến giữa các bộ phận như: Phòng kinh doanh, hệ thống các cửa hàng, chi nhánh, bộ phận cung ứng, hệ thống kho, bộ phận kế toán… để cung cấp và kiểm soát thông tin kịp thời.
Để áp dụng tốt các ứng dụng về công nghệ quản lý, công ty phải chuẩn hóa sơ đồ cơ cấu tổ chức cho toàn công ty, từng phòng ban, xây dựng các quy trình làm việc cụ thể, chuẩn hóa hệ thống báo cáo, tổ chức công tác đào tạo nhân sự để sử dụng công nghệ hiệu quả.