Quy mô, phân loại nhóm học tập hợp tác

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp dạy học hợp tác trong môn toán ở tiểu học (Trang 30 - 32)

Để PPDHHT đạt hiệu quả cao thì một trong những điều GV cần chú ý đó là số lượng HS trong một nhóm. Bởi vì, số lượng HS trong một nhóm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả trong hoạt động của nhóm. Theo các mô hình ở trên mỗi nhóm bao gồm từ 4 đến 6 HS và các thành viên trong nhóm có những điểm không tương đồng về trình độ, các kĩ năng xã hội, tính cách, giới tính... sự khác biệt này sẽ phát huy được hiệu quả làm việc theo nhóm. Nếu nhóm chỉ gồm 2 thành viên thì sự hợp tác giữa các thành viên trong nhóm sẽ bị hạn chế. Ngược lại, một nhóm hợp tác cũng không nên quá đông, nếu trong một nhóm có quá nhiều HS thì sẽ rất khó để làm việc có hiệu quả. Những HS nói nhiều có xu hướng điều khiển cả nhóm, còn những HS ít nói tự rút lui ra phía sau; những HS lười nhác sẽ dựa dẫm vào các kĩ thuật hỗ trợ hoặc các bạn khác trong nhóm. Trong một nhóm lớn sẽ rất khó để tất cả các thành viên trình bày hết ý tưởng của mình. Hơn thế nữa, việc tổ chức trao đổi, thảo luận giữa các thành viên trong nhóm để đi đến thống nhất ý kiến về một vấn đề cũng rất khó khăn.

Tuy nhiên, tùy từng mục đích, yêu cầu và lồng ghép các ý đồ sư phạm của GV mà có thể chia nhóm cho phù hợp. Ngoài ra, tùy vào tính chất khó dễ của nội dung học tập hoặc những ý đồ sư phạm của GV mà chia nhóm theo khả năng trình độ của HS.

Phân loại nhóm học hợp tác có nhiều quan điểm khác nhau, mỗi cách đều dựa theo tiêu chí nhất định. Theo [83, tr.22-25], về phân loại dựa vào kết quả việc học hợp tác trong nhóm, do đó có ba loại nhóm học hợp tác sau:

* Nhóm học hợp tác giả tạo: HS được giao nhiệm vụ học tập cùng nhau nhưng không hề có sự thích thú với việc đó. Kết quả là khả năng chung của nhóm kém hơn các cá thể. HS hoạt động cá nhân hiệu quả hơn.

* Nhóm học hợp tác kiểu truyền thống: HS nhận nhiệm vụ hoạt động cùng nhau và chấp nhận cùng làm việc, nhưng nhiệm vụ thì đã được hoạch

định, vì vậy có rất ít công việc có thể cần sự hợp tác. Sự giúp đỡ và chia sẻ thông tin của HS ở mức độ tối thiểu. Vì vậy, kết quả của nhóm có thể thấp hơn kết quả của cá nhân.

* Nhóm học hợp tác thực sự: HS nhận nhiệm vụ hoạt động cùng nhau và họ thích thú với điều đó. HS biết rằng sự thành công của họ phụ thuộc vào kết quả của toàn bộ thành viên trong nhóm. Các thành viên trong nhóm tin tưởng mỗi cá nhân sẽ hoàn thành trách nhiệm công việc chất lượng để tất cả đạt kết quả cao cùng nhau. Họ làm những công việc đó thực sự cùng nhau và ủng hộ sự thành công của người khác qua sự giúp đỡ, sự chia sẻ, sự trợ giúp và sự khuyến khích.

Khi xét đến thời gian của việc học hợp tác, trong [69, tr.40] nhóm học hợp tác cũng chia làm ba loại:

* Nhóm học tập chính thức là nhóm HS được tổ chức chặt chẽ và duy trì cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ.

* Nhóm học tập không chính thức là nhóm tồn tại trong thời gian ngắn và có tổ chức lỏng lẻo (chẳng hạn kiểm tra người ngồi cạnh xem bạn đó có hiểu bài không).

* Nhóm học tập hợp tác cơ sở là những nhóm học tập hợp tác lâu dài, có mối quan hệ bền lâu giữa các thành viên với trách nhiệm chính là giúp đỡ, khuyến khích hỗ trợ nhau hoàn thành phần việc được giao.

Khi xét đến trình độ nhận thức của HS, trong [56, tr.51] nhóm học hợp tác chia làm hai loại:

* Nhóm đồng nhất là tập hợp HS có cùng trình độ về nhận thức và một số đặc điểm khác, điều kiện khác.

* Nhóm hỗn hợp là tập hợp HS có sự khác biệt nhau về trình độ về nhận thức và một số đặc điểm khác, điều kiện khác.

Như vậy có nhiều quan điểm khác nhau về phân loại nhóm học hợp tác, theo chúng tôi khi vận dụng phương pháp DHHT vào trong QTDH thì GV

cần căn cứ vào mục tiêu, nội dung kiến thức bài học, điều kiện học tập cùng với những dụng ý sư phạm, để có thể phân chia nhóm học tập hợp tác theo những tiêu chí nhất định sao cho phù hợp.

Ví dụ: Chẳng hạn dạy bài "Thực hành xem đồng hồ" (SGK Toán 2, tr.126) có thể dùng nhóm cặp đôi khi vấn đề tương đối đơn giản vì khi đó một em đọc kết quả còn bạn kia sẽ ghi kết quả đã được đọc. GV tổ chức cho các cặp trong lớp thi đua báo cáo kết quả nhanh. Nhóm cặp đôi cũng có thể dùng khi cần kiểm tra kết quả học tập lẫn nhau của HS.

Nhóm đồng nhất nên được áp dung khi GV tổ chức dạy học phân hóa tức là căn cứ vào tính chất khó dễ của vấn đề hoặc nhằm cung cấp một vài kĩ năng đặc biệt nào đó. Kinh nghiệm cho thấy, hoạt động nhóm có hiệu quả là nhóm gồm các thành viên có năng lực đa dạng (nhóm hỗn hợp). [95, tr.421]

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp dạy học hợp tác trong môn toán ở tiểu học (Trang 30 - 32)