Quy trình thực hiện * Hoạt động của G

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp dạy học hợp tác trong môn toán ở tiểu học (Trang 75 - 77)

* Hoạt động của GV

Hoạt động của GV ở giai đoạn này trở nên quan trọng hơn. GV là người khởi xướng các mối quan hệ hợp tác giữa GV - nhóm - HS, hoạt động của người GV sẽ quyết định đến hiệu quả của DHHT. GV bằng các chiến lược tổ chức của mình sẽ khơi dậy được tiềm năng sáng tạo của mỗi cá nhân HS đồng thời tạo ra một không khí năng động, hợp tác trong lớp học. Hoạt động của GV tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Thành lập nhóm và giao nhiệm vụ học tập cho HS

Tổ chức nhóm: Thành lập nhóm (chú ý loại nhóm và số lượng các thành viên trong nhóm); phân công vị trí của nhóm trong không gian lớp học.

Giao nhiệm vụ cho nhóm: Chú ý nhiệm vụ phải sát với trình độ HS; giải thích các vấn đề cần giải quyết và mục tiêu HS cần đạt được; thời gian hoàn thành nhiệm vụ.

Bước 2: Hướng dẫn HS tự nghiên cứu

Trong DHHT, GV giữ vai trò là người hướng dẫn, GV giúp đỡ và tạo điều kiện cho HS phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo trong việc giải quyết các tình huống học tập, qua đó HS sẽ tự lực chiếm lĩnh tri thức mới, cách hoạt động mới.

Tuy nhiên chiếm lĩnh tri thức là quá trình khó khăn, vì vậy GV phải sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ HS bằng cách đưa ra các câu hỏi gợi ý hoặc các tình huống phụ. Ở bước này GV tiến hành theo trình tự sau: Xác định và chính xác hóa nhiệm vụ của HS; gợi ý cách giải quyết tình huống; hỗ trợ và giúp đỡ HS. Bước 3: Tổ chức thảo luận nhóm

Trong DHHT, kết quả nghiên cứu của cá nhân có sự giúp đỡ, hỗ trợ của bạn bè. Vì vậy, nó là sản phẩm của sự hợp tác của trí tuệ tập thể. Ở bước này GV tiến hành theo trình tự: Định hướng hoạt động nhóm; điều khiển hoạt động của nhóm; kích thích, thúc đẩy hoạt động của nhóm đi tới mục tiêu.

Bước 4: Tổ chức thảo luận lớp.

Việc trao đổi, hợp tác giữa các HS trong cùng một nhóm là cần thiết. Tuy nhiên, để cho kiến thức được hoàn chỉnh thì cần phải tiến hành cho các nhóm trao đổi và bổ sung cho nhau. Hoạt động của GV tiến hành theo trình tự: Tổng kết báo cáo của từng nhóm; yêu cầu đại diện các nhóm trình bày; yêu cầu các nhóm bổ sung hoàn thiện; nhấn mạnh những khác biệt, mâu thuẫn giữa các nhóm.

Bước 5: Kết luận và đánh giá

Trong thảo luận, có những vấn đề rất khó phân biệt đúng sai, lúc này GV có vai trò là trọng tài khoa học. GV phải đưa ra kết luận có tính khoa học về cách xử lí tình huống. Hoạt động của GV được tiến hành như sau: Tóm tắt vấn đề trong tình huống; bổ sung và chính xác hóa tri thức mới; nhận xét, đánh giá hoạt động của từng nhóm, từng HS.

* Hoạt động của HS

Hoạt động của HS trong DHHT là tự lực chiếm lĩnh tri thức bằng chính hành động của mình và bằng sự hợp tác với các bạn trong nhóm và với GV. Như vậy HS vừa là mục tiêu vừa là động lực chủ yếu của QTDH. Ở giai đoạn này HS tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Gia nhập nhóm và tiếp cận nhiệm vụ học tập

Trong giờ học theo DHHT thì mỗi cá nhân, nhóm HS sẽ tồn tại trong một nhóm nhất định và giữ một vai trò nhiệm vụ nhất định. Vì vậy, ở bước này hoạt động của HS được tiến hành như sau: Gia nhập nhóm; tiếp nhận nhiệm vụ từ GV; tiếp nhận nhiệm vụ từ nhóm.

Bước 2: Cá nhân tự nghiên cứu

Dưới sự hướng dẫn của GV, HS sẽ tự nghiên cứu SGK, tài liệu và bằng vốn kiến thức của mình để tìm hướng xử lí tình huống mà GV đặt ra. Trình tự mà HS thực hiện ở bước này như sau: Tìm hiểu vấn đề; xây dựng giả thuyết cho tình huống; khẳng định (bác bỏ) giả thuyết; đánh giá và thử nghiệm giải pháp.

Bước 3: Hợp tác với bạn trong nhóm

Các phương án giải quyết tình huống mà mỗi HS khám phá tìm tòi ra chưa phải đã đúng, đã hoàn thiện vì vậy cần tiến hành trao đổi, hợp tác với các thành viên trong nhóm để được đánh giá, bổ sung. Hoạt động của HS tiến hành qua các thao tác: Trình bày và bảo vệ ý kiến của mình trước nhóm; ghi lại các ý kiến của bạn theo cách hiểu của mình; đưa ra nhận xét của mình đối với phương án của bạn đưa ra; các thành viên trong nhóm thống nhất để đi đến kết quả chung.

Bước 4: Hợp tác với bạn trong lớp

Sau bước 3 các giải pháp giải quyết tình huống của các nhóm đã được sửa chữa và bổ sung chỉnh lí. Tuy nhiên giữa các nhóm vẫn có thể có sự khác biệt, khi đó các nhóm trong lớp sẽ tiến hành thảo luận để thống nhất ý kiến. Hoạt động của HS thực hiện như sau: Đại diện nhóm trình bày kết quả; tỏ thái độ trước ý kiến của nhóm khác; bổ sung và điều chỉnh kết quả.

Bước 5: Hợp tác với thầy và tự đánh giá kết quả.

Sau khi đã tiến hành thảo luận trong lớp thì GV sẽ đưa ra những phân tích, đánh giá và kết luận căn cứ vào đó HS sẽ tự đánh giá, tự điều chỉnh kết quả của mình. Ở bước này HS cần tiến hành theo trình tự sau: So sánh với kết luận của GV; khái quát, tổng hợp lại từng vấn đề; chỉnh lí, bổ sung, hoàn thiện kết quả; rút kinh nghiệm về cách học.

Tóm lại qua các khâu tự nghiên cứu cá nhân, hợp tác với bạn trong nhóm, trong lớp, với thầy. HS đã tự hình thành cho mình một hệ thống tri thức có tính khoa học. Với những tri thức có được HS sẽ vận dụng để tiếp tục chiếm lĩnh tri thức khác, hoặc để giải quyết một tình huống thực tế.

Giai đoạn 2 là giai đoạn quan trọng nhất có tính quyết định sự thành công của việc vận dụng DHHT.

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp dạy học hợp tác trong môn toán ở tiểu học (Trang 75 - 77)