1.3.1. Đặc điểm tâm lí của HS Tiểu học
Việc hiểu đặc điểm tâm lí HS giữ vai trò quan trọng trong QTDH. Nếu chúng ta tác động vào đối tượng mà không hiểu tâm lí của chúng thì cũng như ta đập búa trên một thanh sắt nguội. Chính vì vậy, trong QTDH GV cần phải dựa vào những đặc điểm tâm lí đối tượng để lựa chọn và xây dựng những PP, phương tiện và HTTC dạy học phù hợp, có như thế đổi mới PPDH mới mang lại hiệu quả như mong muốn. PPDHHT cũng đã tính đến đặc điểm tâm lí của HS Tiểu học.
Theo [70], một số kết quả nghiên cứu về Tâm lí lứa tuổi và Tâm lí học sư phạm của HS Tiểu học đó là:
- Kết quả nghiên cứu của H.Valông cho rằng: Sự phát triển trí tuệ của đứa trẻ phải thường xuyên gắn bó với toàn bộ quá trình xã hội hóa nhân cách. Ông cho rằng đặc trưng của giai đoạn lứa tuổi HS Tiểu học là sự phong phú và
hướng ra bên ngoài, ra xã hội của các mối quan hệ. Nhờ đó hiểu biết của các
em đã đi sâu vào các thuộc tính của sự vật, cách sử dụng chúng. Như vậy, qua mô tả các giai đoạn phát triển tâm lí, trí tuệ của trẻ em của H.Valông ta thấy, mặc dù cũng theo hướng tiếp cận kiến tạo trí tuệ, nhưng so với G.Piagiê, ông đã giành phần xứng đáng cho các yếu tố xúc cảm, các hành động xã hội và
các quan hệ xã hội trong sự phát triển trí tuệ của trẻ em.
- Kết quả nghiên cứu của L.X.Vưgôtxky và các nhà tâm lí hoạt động cho rằng đối với lứa tuổi HS Tiểu học trẻ học các tri thức khoa học trong đó có tri thức hành động. A.N.Lêonchiev cho rằng trong giai đoạn trước tuổi học, hành động vui chơi có vai trò chủ đạo đối với sự phát triển trí tuệ của trẻ em, còn trong giai đoạn tuổi HS vai trò này thuộc về hoạt động học tập và giao
Các nhà tâm lí học L.X.Vưgôtxky, X.L. Rubinxtêrin, A.N.Lêonchiev... đã nhấn mạnh vai trò của hoạt động đối với sự phát triển tâm lí, ý thức của con người nói chung và đối với HS nói riêng. Hoạt động học là hoạt động đặc thù của con người, nhằm lĩnh hội những tri thức, kĩ năng kĩ xảo mới, những phương thức hành vi để tạo ra những năng lực và những phẩm chất tâm lí mới đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Về đặc điểm quá trình nhận thức của HS Tiểu học
- Tri giác của HS Tiểu học mang tính đại thể, toàn bộ, ít đi sâu vào chi tiết (lớp 1, lớp 2), tuy nhiên trẻ cũng bắt đầu có khả năng phân tích tách dấu hiệu, chi tiết nhỏ của một đối tượng nào đó. Ví dụ : trẻ khó phân biệt cây mía và cây sậy. Tri giác thường gắn với hành động, với hoạt động thực tiễn: trẻ phải cầm nắm, sờ mó sự vật thì tri giác sẽ tốt hơn. Tri giác và đánh giá không gian, thời gian còn hạn chế: tri giác chưa chính xác độ lớn của những vật quá lớn hoặc quá nhỏ. Tri giác thời gian còn hạn chế hơn.
- Tư duy của trẻ mới đến trường là tư duy cụ thể, mang tính hình thức, dựa vào đặc điểm bên ngoài. Nhờ hoạt động học tập, tư duy dần mang tính khái quát. Khi khái quát, HS Tiểu học thường dựa vào chức năng và công dụng của sự vật hiện tượng, trên cơ sở này chúng tiến hành phân loại, phân hạng. Hoạt động phân tích tổng hợp còn sơ đẳng. Việc học Tiếng Việt và Toán học sẽ giúp các em biết phân tích và tổng hợp. Trẻ thường gặp khó khăn trong việc thiết lập mối quan hệ nhân quả. Vì vậy, khi vận dụng DHHT trong DH Toán ở Tiểu học, HS cùng nhau giải quyết những nhiệm vụ chung thông qua hoạt động và giao lưu, từ đó ngôn ngữ được phát triển.
- Chú ý không chủ định vẫn phát triển, chú ý có chủ định còn yếu và thiếu bền vững. Sự phát triển chú ý gắn liền với sự phát triển của hoạt động học tập. Nhu cầu, hứng thú có thể kích thích và duy trì được sự chú ý không
chủ định cho nên GV cần làm cho giờ học hấp dẫn và lí thú.
- Trí nhớ trực quan hình tượng phát triển hơn trí nhớ từ ngữ logic. Nhiều HS Tiểu học còn chưa biết tổ chức việc ghi nhớ có ý nghĩa mà có
khuynh hướng phát triển trí nhớ máy móc. Ghi nhớ gắn với mục đích sẽ giúp trẻ nhớ nhanh hơn, lâu hơn và chính xác hơn.
- Tưởng tượng của HS Tiểu học được hình thành và phát triển trong hoạt động học và các hoạt động khác của các em. Tưởng tượng của các em còn tản mạn, hình ảnh tưởng tượng còn đơn giản, chưa bền vững. Trong DH GV cần hình thành biểu tượng thông qua mô tả bằng lời nói, cử chỉ, điệu bộ của GV được xem là phương tiện trực quan.
- Nhu cầu nhận thức của HS Tiểu học đã phát triển khá rõ nét: từ nhu cầu tìm hiểu những sự vật hiện tượng riêng lẻ (lớp 1 và lớp 2) đến nhu cầu phát hiện những nguyên nhân, quy luật và các mối liên hệ, quan hệ phụ thuộc giữa các hiện tượng (lớp 3, lớp 4, đặc biệt là lớp 5)
Về đặc điểm nhân cách của HS Tiểu học
- Tình cảm là một mặt rất quan trọng trong đời sống tâm lí của HS Tiểu học vì nó là khâu trọng yếu gắn liền nhận thức với hành động của trẻ em. Từ đặc điểm này trong DH và giáo dục cần khơi dậy những cảm xúc tự nhiên của HS.
- Quan hệ với bạn học ở trường Tiểu học là quan hệ hợp tác trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập. Mặt khác, nhu cầu tự khẳng định mình là thành viên của xã hội, của nhóm, tập thể là nhu cầu tinh thần cơ bản của con người muốn được mọi người thừa nhận vị trí của mình, được khen ngợi, muốn giúp đỡ người khác và được người khác giúp khi cần thiết. Trong giáo dục đạo đức cần tận dụng tác động tâm lí của nhóm, tập thể. Tôn trọng sự tự quản của các em HS để phát triển sáng kiến, óc tổ chức, trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm xây dựng nhóm, tập thể. Trên cơ sở đó, hình thành cho HS biết tự rèn luyện, tự giáo dục. Đây là hình thức cao nhất của giáo dục đạo đức. V.A Xukhômlinxki đã chỉ ra: "Khi nào giáo dục là tự giáo dục thì mới là giáo dục chân chính. Và tự giáo dục đó là nhân phẩm của con người trong hành động, đó là dòng thác mãnh liệt làm chuyển động bánh xe nhân phẩm của con người". [70, tr.191]
Elconin, Đavưđôp, Hồ Ngọc Đại... đều khẳng định hoạt động học là hoạt động chủ đạo của HS Tiểu học. Tiền đề cơ sở của hoạt động học của HS
Tiểu học được nảy sinh trong lòng hoạt động vui chơi. Khi xét đến cấu trúc
hoạt động của HS Tiểu học người ta thường xét các thành tố: Nhiệm vụ học
tập, các hành động học, động cơ học. HS thực hiện nhiệm vụ học bằng các
hành động học (Hành động vật chất, hành động với các hình thức mã hóa của khái niệm và hành động tinh thần). DH ở bậc Tiểu học phải hình thành hành động học cho HS. Muốn làm được điều đó phải có sự đồng bộ về nội dung DH, PP và tổ chức DH.
Hoạt động học bắt đầu được hình thành ở HS ngay từ lớp 1 và dần dần được định hình ở các lớp sau, nhờ cơ chế "Thầy tổ chức - Trò hoạt động". Do đó các nhà sư phạm hiện đại cho rằng bắt đầu từ lớp 1, cách học vừa là tiền đề, công cụ, phương tiện vừa là mục đích của DH. Tri thức và cách học dần được hình thành trong suốt quá trình học tập trong bậc Tiểu học, khi nó đã được hình thành thì nó trở thành công cụ, phương tiện tiếp thu các khái niệm khoa học ở các lớp trên. Cách học không thể được hình thành nhờ khuyên răn, tâm phúc và trừng phạt nghiêm khắc, nó chỉ được hình thành trong quá trình HS tự mình khám phá ra cái mới. Hoạt động học nẩy sinh ở HS lớp 1, lớp 2 và được hình thành ở HS lớp 3, lớp 4. Hoạt động học phát triển tương đối đầy đủ bắt đầu định hình và dần dần được hoàn thiện ở lớp 5. [70, tr.156-161]
Tóm lại, trên cở sở các kết quả nghiên cứu của Tâm lí học lứa tuổi và Tâm lí học sư phạm của HS Tiểu học, chúng tôi cho rằng: Hoạt động học là hoạt động chủ đạo của HS Tiểu học, hoạt động học này được hình thành và
phát triển trong lòng hoạt động vui chơi, giao lưu giữa các HS. Hoạt động học
của HS Tiểu học cần được lồng ghép cùng với hoạt động vui chơi và thông qua hợp tác, giao lưu. Vì vậy, theo nhận xét trên khi vận dụng DHHT trong môn Toán ở Tiểu học cần có những thiết kế sư phạm cho nội dung DH phù hợp sự phát triển Tâm lí của HS nhằm mang lại hiệu quả cao cho việc hình thành và phát triển nhận thức, nhân cách của HS Tiểu học.