DH kiến tạo là PPDH dựa trên việc nghiên cứu quá trình học tập của con người từ đó hình thành quan điểm DH phù hợp với cơ chế học tập đó, coi trọng vai trò tích cực và chủ động của người học trong quá trình học tập để tạo nên tri thức cho bản thân: “Nhận thức là một quá trình thích nghi và tổ
chức lại thế giới quan cho chính người học...” và “Tri thức được kiến tạo một cách tích cực bởi chủ thể nhận thức...”. Theo quan điểm của lí thuyết kiến
tạo, quá trình nhận thức không phải là một quá trình cho nhận khiên cưỡng mà nó là quá trình mỗi chủ thể nhận thức biến đổi thế giới quan khoa học của bản thân sao cho phù hợp với yêu cầu mới, do đó các tri thức nhất thiết là sản phẩm của một hoạt động nhận thức của chính họ. Hơn nữa, kiến thức kiến tạo được khuyến khích tư duy phê phán, cho phép HS tích hợp các khái niệm, các quy luật, kiểm chứng, bảo vệ và phê phán các khái niệm. Có hai loại hình kiến tạo trong dạy học là kiến tạo cơ bản và kiến tạo xã hội. Kiến tạo cơ bản là lí thuyết về nhận thức nhằm miêu tả cách thức các cá nhân xây dựng tri thức cho bản thân trong quá trình học tập, quan tâm đến sự chuyển hóa bên trong của mỗi cá nhân trong quá trình nhận thức, đồng thời coi trọng những kinh nghiệm của HS trong quá trình họ hình thành thế giới quan khoa học cho mình. Tuy nhiên, điểm yếu của kiến tạo cơ bản là làm mất đi xung đột mang tính xã hội trong nhận thức. Kiến tạo xã hội xem nhân cách của chủ thể được hình thành thông qua tương tác giữa họ với người khác và điều này cũng được coi là quan trọng như nhưng quá trình nhận thức mang tính cá nhân của họ. Như vậy, DH kiến tạo không chỉ nhấn mạnh đến tiềm năng tư duy, tính chủ động, tích cực của bản thân người học trong quá trình kiến tạo tri thức mà còn
nhấn mạnh đến khả năng đối thoại, tương tác, tranh luận của HS trong kiến tạo, công nhận tri thức. Các hoạt động đối thoại, tương tác, tranh luận kiến thức trong DH kiến tạo cũng chính là các hoạt động thực hiện trong hợp tác xây dựng kiến thức mới.[95, tr.111-112]