Những thuận lợi, khó khăn của GV khi tổ chức dạy học hợp tác cho HS Tiểu học.

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp dạy học hợp tác trong môn toán ở tiểu học (Trang 52 - 59)

tác cho HS Tiểu học.

Để đánh giá những thuận lợi và khó khăn khi vận dụng DHHT trong môn Toán ở Tiểu học, chúng tôi tiến hành trao đổi, phỏng vấn trực tiếp và điều tra GV, chúng tôi thấy:

Về thuận lợi

GV đã đánh giá cao hiệu quả của việc DHHT và có thái độ ủng hộ việc vận dụng DHHT trong DH ở trường Tiểu học. Đây là điều thuận lợi để đưa PPDH này vào thực tiễn dạy và học ở trường Tiểu học.

Đặc điểm, nhu cầu nhận thức của HS Tiểu học phù hợp với DHHT. Ở đây các em được trao đổi, thảo luận để chia sẻ các băn khoăn, suy nghĩ, kinh nghiệm của bản thân cùng nhau xây dựng nhận thức mới và điều đặc biệt là các em được trình bày ý kiến của cá nhân cũng như của cả nhóm trước tập thể lớp. Khi đưa PPDHHT vào giảng dạy được các em HS hưởng ứng rất nhiệt tình, hứng thú trong học tập.

Về khó khăn

GV có thói quen sử dụng hình thức, PPDH cũ - DH tập thể bởi một bộ phận GV là sản phẩm của thể thức đào tạo cũ, họ đã và đang thực hiện DH theo cách cũ, cách mà họ cho là an toàn hơn cả. Thói quen này đã ngấm sâu, trở thành quan điểm nghề nghiệp của GV và không dễ dàng thay đổi.

Để tìm hiểu những khó khăn của GV khi tổ chức DHHT cho HS Tiểu học, chúng tôi đã sử dụng PP điều tra và phỏng vấn trực tiếp các GV có sử dụng PPDH này. Kết quả như sau:

Bảng 1.5: Những khó khăn của GV khi tổ chức DHHT cho HS Tiểu học

TT Khó khăn Tỷ lệ %

1 Cơ sở vật chất không đầy đủ 31,25

2 Sĩ số lớp quá đông 42,17

3 Nội dung dạy học có cấu trúc phức tạp 65,74 4 Thói quen sử dụng các hình thức dạy học cũ 73,48

5 Năng lực sư phạm của GV 50,52

6 HS chưa có kĩ năng hợp tác 47,29

7 Chưa có những biện pháp sư phạm tổ chức DHHT hợp lí 87,79

8 Không đảm bảo thời gian quy định 56,72

9 Quản lí, hỗ trợ HS kịp thời 58,08

10 Đánh giá HS trong DHHT 69,35

Thực trạng về nhận thức, thái độ của GV về DHHT, những khó khăn họ gặp phải đều có trong phiếu điều tra dù mức độ có khác nhau. Ngoài ra, qua trao đổi phỏng vấn họ còn có những khó khăn khác như không được sự ủng hộ của Ban giám hiệu nhà trường (cho rằng học hợp tác làm cho lớp mất trật tự, không nề nếp), những "học liệu" sử dụng trong giờ học như bút phớt, giấy A0,... cũng gặp khó khăn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu (GPE) triển khai Dự án “Mô hình trường học mới tại Việt Nam” (VNEN). Mô hình trường học mới sẽ tập trung vào việc chuyển đổi hình thức giảng dạy truyền thụ từ phía thầy giáo sang việc để cho HS tự học là chính. Năm học 2012-2013, dự án được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố; thí điểm tại 1447 trường Tiểu học, dự kiến năm 2014-2015 sẽ triển khai ở tất cả các trường. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát hai trường Tiểu học Thanh Vinh và Phú Hộ II là hai trường đang triển khai dự án VNEN. Mô hình trường học mới này có thể tạo cho HS những thay đổi tích cực. Với phương châm lấy HS là trung tâm, cùng với học qua sách vở, các em sẽ được tham gia hoạt động ngoại khóa nhiều hơn, được hướng dẫn tự học theo nhóm... Chúng tôi tiến

hành tham quan lớp học và trao đổi trực tiếp với GV đang dạy tại những lớp thực hiện triển khai dự án VNEN, các GV đều khẳng định cách dạy học này rất hiệu quả. Tuy nhiên thực tiễn hiện nay trong các buổi học HS đều học hợp tác nhóm suốt từ đầu cho đến cuối (cũng có khoảng thời gian dành cho HS làm việc độc lập). Trong giờ học cũng còn HS còn chưa tập trung vào bài học. Chúng tôi quan sát thấy khi làm việc độc lập có những HS khá giỏi thường làm bài nhanh, còn một số em gặp khó khăn khi học Toán thì sự trợ giúp của GV chưa được kịp thời và chính thời điểm đó hiện tượng mất trật tự của lớp xuất hiện. Điều đó cho thấy, việc sử dụng các kỹ thuật DHHT của GV vào thực tiễn chưa thực sự hiệu quả mặc dù họ ý thức được một cách nghiêm túc tác dụng của DHHT nhóm khi tham gia dự án. Như vậy việc sử dụng kĩ thuật DHHT chưa được GV biết đến để áp dụng vào thực tiễn. Việc chia nhóm của GV chưa hợp lí (từ 6-8 HS trong một nhóm) và cũng không theo một tiêu chí nào. Các nhóm đều là nhóm cố định trong suốt quá trình học tập của các em. Làm như vậy GV đã làm giảm bớt tính hiệu quả của DHHT và có thể dẫn đến sự nhàm chán ở chính các em HS.

Qua trao đổi với cô giáo Đào Thị Lan - Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Hộ II, cô cho rằng những PP học tập mới sẽ giúp HS chủ động hơn, tự tin hơn. Nhờ có mô hình này mà HS có ý thức học tập và tự quản cao, các em không còn ỷ lại GV mà phát huy hết khả năng của mình. Điều đáng nói, không gian lớp học được mở rộng, vượt ra ngoài xã hội, đó là những tiết học HS thu lượm kiến thức từ thực tế, trên cánh đồng, ngoài công viên, tại làng bản... Nhờ có những tiết học này mà các em đã có nhiều cơ hội trải nghiệm và tự tin hơn trong giao tiếp với mọi người chung quanh. Mỗi ngày đến trường, các em không chỉ được tiếp thu kiến thức mà còn được học về kĩ năng sống, những tiết học gần gũi, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống thường nhật giúp các em biết tự khẳng định mình và có ý thức đoàn kết cao. Tuy nhiên, ban đầu áp dụng mô hình "Trường học mới", GV còn gặp rất nhiều khó khăn vì các em

HS còn rất bỡ ngỡ với cách học mới. Vả lại, cơ sở vật chất chưa thật sự đáp ứng với cách học mới, cho nên khi hoạt động nhóm (suốt cả buổi học) còn gặp nhiều khó khăn. Do kế hoạch bài học đã được dự án thiết kế sẵn nên khi thực hiện có nhiều tình huống GV chưa xử lí được như (nhiều HS khá, giỏi làm việc riêng, mất trật tự khi các em hoàn thành công việc của nhóm, đánh giá chính xác kết quả của từng HS trong nhóm gặp khó khăn, ...). Nhà trường rất muốn hỗ trợ từ dự án có biện pháp xử lí các tình huống tương tự như ở trên.

Vấn đề đặt ra là tại sao DHHT được áp dụng rộng rãi trong các trường Tiểu học ở nhiều nước trên thế giới và hiệu quả của nó mang lại không thể phủ nhận. Nhưng ở Việt Nam PPDH này còn chưa được sử dụng một cách phổ biến trong các trường Tiểu học, còn khi áp dụng thì hiệu quả chưa cao. Qua việc nghiên cứu thực tiễn chúng tôi nhận thấy việc vận dụng PPDHHT trong môn Toán ở Tiểu học hiện nay chưa thực sự thành công bởi những nguyên nhân chính sau đây:

- Về nhận thức: Nhiều GV hiểu rất đơn giản, họ cho rằng cứ chia lớp học thành các nhóm (tùy ý) rồi các nhóm cùng nhau giải quyết nhiệm vụ của GV yêu cầu thế là DHHT. Những hiểu biết về lí luận PPDHHT của GV hoặc còn nhiều hạn chế, hoặc khi vận dụng lí luận của PPDH này vào thực tiễn DH chưa đảm bảo đúng tư tưởng và các kĩ thuật. Trên phương diện lí thuyết, DHHT là một PPDH tích cực có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, việc vận dụng DHHT trong DH phức tạp hơn so với vận dụng các PPDH khác mà các GV thường sử dụng. Trong thực tế, việc trang bị cơ sở lí luận về PPDHHT cho GV trong các trường Tiểu học đã được thực hiện. Song, các chỉ dẫn một cách cụ thể về cách thức tổ chức theo quy trình, những kĩ thuật và thiết kế sư phạm vận dụng PPDH này trong DH môn Toán ở trường Tiểu học chưa được tiến hành một cách đầy đủ, hệ thống trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm Tâm lí HS, đặc điểm môn Toán ở trường Tiểu học. Những hạn chế trong nhận thức về

tầm quan trọng, về lí luận và cách thức vận dụng PPDHHT là một trong những nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả của việc vận dụng PPDH này đối với GV Tiểu học.

- Về trình độ, kĩ năng của GV khi vận dụng phương pháp DHHT:

Do sự hạn chế về năng lực sư phạm của GV nói chung, năng lực tự cập nhật các PP, cách thức dạy học mới nói riêng. Điều này cũng phù hợp với sự tự đánh giá của GV. Thông thường GV vận dụng DHHT một cách máy móc (họ hiểu như thế nào thì họ làm thế). Ngoài ra, GV thiếu một số kĩ năng cần thiết để vận dụng DHHT.

Làm thế nào để kiểm soát được việc học của từng HS? Làm thế nào để khắc phục được tình trạng có những HS ỷ lại vào nhóm học tập hợp tác. Làm thế nào để cùng một lúc hỗ trợ được nhiều HS, nhóm gặp khó khăn trong nhận thức, trong giải quyết vấn đề ở cùng một thời điểm. Kiểm tra, đánh giá chính xác kết quả học tập của từng HS trong nhóm hợp tác cũng là vấn đề khó khăn đối với GV.

- Về phía HS cũng thiếu một số kĩ năng trong học hợp tác cần có như: Kĩ năng làm việc trong nhóm; kĩ năng giao tiếp, tương tác; kĩ năng tạo môi trường hợp tác; kĩ năng xây dựng niềm tin; kĩ năng giải quyết mâu thuẫn... Do sự phối hợp và liên kết hoạt động với nhau, kĩ năng làm việc hợp tác của HS còn thấp, việc phối hợp và liên kết hoạt động với nhau không phát huy được tối đa hiệu quả. Mặt khác, thói quen trông chờ và tin tưởng tuyệt đối vào GV là biểu hiện rất phổ biến ở nhiều ở HS, tính độc lập sáng tạo của HS hạn chế.

- Về việc lựa chọn nội dung DH: Không phải bất cứ bài học nào và bất cứ GV nào cũng dễ dàng chuyển hóa các tri thức giáo khoa thành các tri thức DH. Không phải tất cả nội dung học tập đều có thể trở thành các chủ đề để tổ chức DHHT có hiệu quả. Nhưng thực tế GV lựa chọn nội dung thông thường theo ý kiến chủ quan của mình mà không dựa vào bất kỳ một tiêu chí nào.

Như vậy, rất nhiều pha hợp tác là hợp tác giả tạo chứ không phải nhu cầu cần hợp tác của HS.

- Về điều kiện môi trường học tập: Với thực tiễn về sĩ số lớp khá đông (nhiều lớp có từ 30 đến 35 HS), cấu trúc và không gian lớp học thông thường từ 40m2 đến 54m2, thiết bị và bàn ghế cố định… Tất cả đều gây cản trở nhất định cho sự bố trí lại tính cơ động theo yêu cầu của DHHT. Vì vậy, việc thực hiện giờ DHHT GV cần phải rất linh hoạt và sáng tạo. (Nội dung này đã được đăng trên Tạp chí Giáo dục số đặc biệt năm 2012 trang 111-113).

Tóm lại, hiện nay GV trong các trường Tiểu học đã ý thức một cách nghiêm túc vấn đề đổi mới PPDH nói chung, DH môn Toán nói riêng. Hơn nữa, họ đã được trang bị kiến thức lí luận về PPDHHT để thực hiện việc đổi mới PPDH và thực tế họ cũng đã sử dụng PPDH này trong DH môn Toán. Tuy nhiên, việc vận dụng lý luận DHHT vào thực tiễn DH của họ chưa đạt được hiệu quả cao. Ngoài những khó khăn, rào cản gặp phải từ vấn đề cơ sở vật chất của trường, lớp, từ sự thiếu hụt các kĩ năng cần có của HS nhằm đáp ứng yêu cầu DHHT,... thì một nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là

GV còn hạn chế về nhận thức, về cách thức, kĩ năng vận dụng lí luận DHHT vào thực tiễn DH môn Toán ở trường Tiểu học. Nguyên nhân sâu xa hơn nữa

bởi họ thiếu các tài liệu chỉ dẫn một cách cụ thể về cách thức tổ chức theo quy

trình, những kĩ thuật và thiết kế sư phạm, những biện pháp hỗ trợ việc vận dụng PPDHHT trong DH môn Toán ở trường Tiểu học. Do đó, hiệu quả

DHHT nói chung và qua DH môn Toán còn hạn chế.

Tiểu kết chương 1

Chương 1 của Luận án đã tập trung nghiên cứu làm rõ các vấn đề sau: 1. Làm rõ hơn tổng quan về DHHT, đưa ra các quan niệm về nhóm, nhóm học tập hợp tác, phương pháp DHHT. Từ đó, Luận án đã nghiên cứu được bản chất, ý nghĩa, đặc điểm và cơ sở khoa học của DHHT.

2. Phân tích rõ đặc điểm Tâm lí học của HS Tiểu học cho thấy vận dụng DHHT là rất phù hợp với sự phát triển nhận thức và góp phần vào quá trình hoàn thiện nhân cách của HS.

3. Làm rõ cơ sở thực tiễn DHHT ở Tiểu học nói chung và dạy học môn Toán nói riêng thông qua việc khảo sát thực trạng tại 23 trường Tiểu học (có 02 trường thuộc dự án VNEN) của 3 tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Yên Bái. Chỉ ra những tồn tại, hạn chế và phân tích nguyên nhân của những tồn tại hạn chế đó một cách khoa học. Từ đó, làm cơ sở thực tiễn nghiên cứu của Luận án để giải quyết những tồn tại nói trên góp phần vào hoàn thiện PPDH Toán ở Tiểu học.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp dạy học hợp tác trong môn toán ở tiểu học (Trang 52 - 59)