Quốc, vai trò phụ nữ không được đề cao. Tên chính người đàn bà không được nhắc nhở trong sử sách. Sử gia triều đại nhà Nguyễn là Trương Đăng Quế và Hà Duy Phiên nói rõ điều này trong phần thể lệ viết Đại Nam Liệt Truyện. Hai ông viết: Khi chép về các hậu phi, chỉ chép tên thụy, họ vì tên thực của các bà không được để lọt ra khỏi cửa. Đó là theo thể lệ chép truyện trong Minh sử [22].
Ngày nay, đọc các cổ thư như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, An Nam Chí Lược, Đại Nam Liệt Truyện, ta thấy các sử gia khi chép về người đàn bà chỉ nhắc đến tên họ và chữ thị như Cù thị, Lê thị. Đến các nhà viết văn học sử Việt Nam hiện nay, khi viết về truyện ký Hạnh Thục Ca, thường nhắc tên tác giả là bà Nguyễn Nhược thị thay vì tên chính của bà là Nguyễn Thị Bích (1830-1909). Trên các bia mộ xưa, ta thấy những tên như Lê thị chi mộ, Trần thị chi mộ, tức mộ phần người đàn bà họ Lê, họ Trần. Tục lệ ta không ghi tên người đàn bà là do bắt chước Tàu. Người phụ nữ Trung Quốc khi lấy chồng, bỏ hết tung tích nhà cô, nhận tên họ chồng. Ví dụ Vương thị phu nhân, tức người vợ ông họ Vương.
Trái lại, theo tinh thần Việt, vai trò phụ nữ không bị coi thường, tên phụ nữ vẫn được nhắc nhở. Ta vẫn thường nghe thị Kính, thị Mầu là hai nhân vật trong truyện Quan Âm Thị Kính.
MỤC II : TÊN CHÍNH CỦA NGƯỜI TÂY PHƯƠNG
Nội dung mục hai gồm 3 vấn đề: (a) Phân loại tên chính, (b) Nguyên tắc chọn tên chính, (c) Tôn giáo và chính quyền ảnh hưởng đến tên chính người tây phương.
TIẾT A. PHÂN LOẠI TÊN CHÍNH
Chúng ta có bốn tiêu chuẩn để phân loại tên chính người tây phương: (1) Dựa trên nguồn gốc ngôn ngữ, (2) Dựa trên tiêu chuẩn ý nghĩa, (3) Dựa trên tiêu chuẩn giống tính, (4) Tên đơn và tên kép.