a. Trong gia đình: Con cái, cháu chắt sẽ phạm tội bất kính, nếu cứ lấy tên ông bà, cha mẹ hay các bậc trưởng thượng ra mà nói, nhất là các vị ấy đang hiện diện ở đó. Trong dân gian, nếu tên con rể trùng với tên ông bà cha mẹ vợ thì khi xưng hô, tên con rể phải đổi sang hình thức khác, nhưng trong giấy tờ vẫn giữ nguyên như cũ. Gặp trường hợp không tránh được tên húy, người ta lấy chữ đồng nghĩa để thay thế. Ví dụ Hương/Nhang, Hoa/Bông, hay dùng nguyên tắc nói trại: Long/Luông, Lị/Lợi, Mạng/Mệnh. Trong làng chúng tôi, vì kỵ húy tên bố mẹ là Canh, nên con cháu không bao giờ nói nấu canh, ăn canh, mà nói nấu riêu, ăn riêu. b. Ngoài xã hội: Ngày nay, tục lệ buộc dân chúng phải kiêng húy không còn nữa, nhưng dưới thời quân chủ, trong chốn triều đình, những chữ húy như tên vua, hoàng hậu, khi xưa viết bằng Hán tự, lúc đọc phải tránh âm, lúc viết phải đổi thành chữ khác. Vấn đề này đã được trình bày trong chương năm: Tục Lệ Kỵ Húy. Người ta cũng kỵ húy tên các thần thánh. Nếu buộc phải nói ra, họ áp dụng nguyên tắc như sau: Ví dụ muốn nói tên vị Thành Hoàng Ma La Cẩn ở đình xã Phú Nhuận, Tỉnh Gia Định, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh, trước hết dân làng phải tỏ vẻ cung kính, sau đó hạ thấp giọng rồi nói thật nhỏ: Tên ngài họ Ma, đệm chữ La, húy là Cẩn.
Các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cũng kỵ húy tên Đức Phật Thầy Tây An, vị sáng lập tông phái Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương. Ngài có tên là Đoàn Văn Huyên. Các tín đồ nói tên ngài như sau: Trước hết hạ thấp giọng, sau đó nói tên ngài là Ngôn trước, Tuyên sau, ráp lại thành chữ Huyên trong Hán tự[5].