Các Phương Pháp Tránh Phạm Húy Tại Việt Nam:

Một phần của tài liệu Sơ thảo Tính danh học Việt Nam (Trang 117 - 119)

Khi ra lệnh kỵ húy, các triều đại xưa đều không quy định rõ phải tránh các chữ đó thế nào, chỉ đưa ra một lệnh rất tổng quát. Do vậy, các sử gia triều đình Việt Nam thường phải tham chiếu quy cách của Tàu để đề ra phương pháp tránh phạm húy. Sau đây là các phương pháp thường được áp dụng:

a. Phương pháp cải tự: Ở Trung Quốc cũng như Việt Nam, gặp chữ trọng húy, người ta phải dùng một chữ khác đồng nghĩa, hay có ý nghĩa liên hệ. Ví dụ đời Lê Thánh Tông, khi soạn bộ Quốc Triều Hình Luật, gặp chữ Lị là tên húy của vua Lê Lợi, các nhà làm luật dùng chữ Tiện. Tiện và Lị có ý nghĩa tương tự.

Đời vua Gia Long, 6 tên sau đây thuộc loại trọng húy, lúc đọc phải tránh âm, lúc viết phải dùng chữ khác

[26].

Kỵ Húy Nghĩa Đổi ra Nghĩa

Noãn Ấm Úc Ấm

Ánh Sáng Chiếu Sáng

Chủng Trong Thức Trong

Cổn Tia nắng Diệu Ánh sáng

Hoàng Vòng tròn Viên Vòng tròn

Lan Hoa lan Hương Hương thơm

b. Phương pháp chiết tự: Trường hợp buộc phải viết tên thuộc loại trọng húy, các sử gia Việt Nam áp dụng phương pháp chiết tự, tức phương pháp tách chữ đó ra làm hai, ba phần. Khi đọc, phải ghép các phần đó lại để hiểu ý nghĩa. Ta có thể nêu các ví dụ sau:

Trong bài văn bia Vĩnh Lăng nói về Lê Thái Tổ, ta thấy chép như sau[27]: Tánh Lê, húy tả tòng Hòa, hữu tòng Đao ( chữ Lị).

Tằng tổ húy tả tòng Ngôn, hữu tòng Mỗi ( chữ Hối). Hoàng tổ húy tả tòng Thủy, hữu tòng Đinh (chữ Đinh). Sử gia triều Nguyễn, cụ Tổng Tài Cao Xuân Dục, khi biên

tập Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu, đã viết các tên húy của vua Gia Long như sau[28]: -Bên tả chữ Nhật, bên hữu chữ Viện (chữ Noãn).

-Bên tả chữ Nhật, bên hữu chữ Anh (chữ Ánh.) -Bên tả chữ Thái, bên hữu chữ Trọng ( chữ Chủng).

-Về chữ Hồng, trong tên Hồng Nhậm là tên húy của vua Tự Đức, cũng áp dụng lối chiết tự: Tả tùng Thủy, trung tùng Công, hữu tùng Điểu (chữ Hồng).

c. Phương pháp khuyết tự: Trường hợp gặp chữ trọng húy mà không tránh được, thì luật thời Thiệu Trị (Tr.v.1841-1847) cho áp dụng phương pháp khuyết tự là phương pháp bỏ trống, không viết tên kỵ húy. Ví dụ các sử gia viết bộ Ðại Nam Thực Lục đã ghi như sau: “Tên húy là …., lại húy là …(Phúc Chú)[29]. Phương pháp này đã có ở Trung Quốc và luật đời Thiệu Trị dự liệu như sau:

Những chữ kỵ húy mà không thể sửa đổi hay dùng chữ khác được, thì khi viết tới chữ đó, phải lấy giấy vàng bít lại[30]. Ngày xưa, trong dân gian, người ta cũng có tục lệ này. Tên người chết được viết trên tấm minh tinh nhưng lấy giấy vàng bịt lại để giữ phép kỵ húy [31].

d. Phương pháp khuyết bút: Sử gia xưa hay dùng phương pháp khuyết bút để viết các chữ thuộc loại khinh húy. Cách viết của phương pháp này là bớt đi một nét chữ. Hoặc thay đổi vị trí các thành phần của chữ. Phương pháp khuyết bút đã được áp dụng từ đời Lý, Trần. Vua Trần Anh Tông (1293-1314) ra lệnh khi viết các chữ Ngụy, Thấp, Nam, Cán, Tộ, Tuấn, Anh, Tảng đều phải bớt nét[32]. Luật pháp đời Nguyễn quy định khi viết tên đất mà gặp phải những chữ húy của vua, thì hoặc viết theo tên ngày nay, hoặc viết thiếu một nét[33].

e. Phương pháp cải âm là phương pháp đọc trại tên húy. Nguyên tắc đọc trại tuân theo đúng nguyên tắc Ngữ học là biến đổi âm vận cuối. Sau đây là các ví dụ:

Tên Húy Đọc Trại Nguyên Nhân

Lị Lợi Tên húy Lê Thái Tổ.

Nguyên Ngươn Tên húy Nguyễn Phúc Nguyên.

Câm Kim Tên húy của Nguyễn Câm (Kim).

Ánh Yếng Tên húy vua Gia Long.

Đảm Ðởm Tên húy vua Minh Mạng.

Hồng Hường Tên húy vua Tự Ðức

Nhậm Nhiệm Tên húy vua Tự Đức.

f. Phương pháp dùng tên họ hay tiếng Ông/Bà: Để tránh kỵ húy và để tỏ lòng tôn kính các thần thánh hay anh hùng dân tộc, người Việt dùng tên họ hay tiếng Ông/Bà để thay tên chính. Ví dụ, đức thánh Trần tức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; hai bà Trưng tức bà Trưng Trắc và Trưng Nhị. Lăng Ông tức lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt; miễu Bà tức miễu Bà Chúa Xứ Núi Sam, Châu Đốc.

Báo chí Việt Nam ngày nay có lối viết dùng tên họ để chỉ một người như Thủ Tướng họ Chu tức ông Chu Dung Cơ, Thủ Tướng họ Phan tức ông Phan Văn Khải. Lối viết này không xuất phát từ kỵ húy mà bắt chước tập tục tây phương, gọi một người nào đó bằng tên họ. Ví dụ Tổng Thống Reagan, Tổng Thống Clinton v.v...

Một phần của tài liệu Sơ thảo Tính danh học Việt Nam (Trang 117 - 119)