Thẩm phán hòa giải vừa có lý, vừa có tình

Một phần của tài liệu Hòa giải trong giải quyết tranh chấp kinh tế tại Tòa án ở Việt Nam (Trang 127 - 128)

4- Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự (khi hòa giải thành)

2.4.4.Thẩm phán hòa giải vừa có lý, vừa có tình

Người ta thường quan niệm rằng, khi vụ việc tranh chấp chưa được đưa ra đến chốn "công đường" (tức là chưa đưa nhau ra kiện tại tòa án) thì mới còn có thể giải quyết bằng thương lượng, hòa giải được. Còn khi các đương sự đã đưa nhau ra đến chốn "công đường" (tức là đã kiện tụng nhau tại tòa án) thì vụ tranh chấp chỉ còn được giải quyết bằng "lý" mà thôi. Thật ra, đó là một quan điểm sai lầm. Dù vụ tranh chấp chưa được đưa ra tòa án hoặc đã được đưa ra tòa án để yêu cầu giải quyết, thì nó vẫn cần được giải quyết một cách "có lý, có tình"; hay nói cách khác là được giải quyết một cách "thấu tình, đạt lý". Pháp luật nói chung, pháp luật giải quyết các tranh chấp kinh tế, thương mại nói riêng cũng được xây dựng và vận dụng trên cơ sở nguyên tắc này.

Trong quá trình hòa giải vụ tranh chấp kinh tế tại tòa án, trước hết các đương sự cần nắm vững các quy định pháp luật hiện hành về vấn đề đang có tranh chấp, để hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ của mình; đồng thời các đương sự cũng cần hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ của người khác, của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Về cơ bản, các vụ tranh chấp kinh tế được giải quyết thông qua việc hòa giải hoặc xét xử trên cơ sở các quy định pháp lý, các thông lệ và tập quán trong nước, tập quán quốc tế. Nhưng trong thủ tục hòa giải tranh chấp kinh tế, ngoài việc xử lý vấn đề trên cơ sở pháp luật, một đặc điểm rất quan trọng để phân biệt sự giải quyết tranh chấp kinh tế theo thủ tục xét xử và theo thủ tục hòa giải là ở chỗ: trong thủ tục hòa giải, phương thức xử lý vụ tranh chấp một cách "có tình" được đưa lên ngang bằng với việc xử lý vụ tranh chấp "có lý". Điều đó có nghĩa là Thẩm phán cần làm trung gian, làm

"Trọng tài viên" để các đương sự dàn xếp vụ tranh chấp trên cơ sở các đương sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau, có sự tương trợ, nhường nhịn nhau, chia sẻ với nhau những thiệt hại và mất mát trong kinh doanh, trong hoạt động thương mại; bởi vì mục đích của việc hòa giải các tranh chấp là muốn tạo điều kiện cho các nhà kinh doanh tiếp tục giữ gìn và phát huy các mối quan hệ kinh tế, thương mại vốn đã được xây đắp lâu nay giữa các bên, chứ không phải là đẩy các bên đến chỗ ngày càng đối địch nhau gay gắt, hủy hoại mối quan hệ lâu dài trước đó giữa họ.

Một phần của tài liệu Hòa giải trong giải quyết tranh chấp kinh tế tại Tòa án ở Việt Nam (Trang 127 - 128)