QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT NƯỚC NGOÀI VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH TẾ THEO THỦ TỤC HÒA GIẢI TẠI TÒA ÁN

Một phần của tài liệu Hòa giải trong giải quyết tranh chấp kinh tế tại Tòa án ở Việt Nam (Trang 36 - 40)

TRANH CHẤP KINH TẾ THEO THỦ TỤC HÒA GIẢI TẠI TÒA ÁN

Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn, có thể phân loại kinh nghiệm nước ngoài trong việc điều chỉnh pháp luật về hòa giải trong giải quyết tranh chấp kinh tế thành hai lĩnh vực. Đó là:

a) Kinh nghiệm hòa giải trong giải quyết tranh chấp kinh tế theo thủ tục trọng tài, và

b) Kinh nghiệm hòa giải trong giải quyết tranh chấp kinh tế theo thủ tục tư pháp (tại Tòa án).

Ngoài ra, còn có thể phân loại các kinh nghiệm hòa giải tranh chấp kinh tế của nước ngoài ra thành hai bộ phận. Đó là:

a) Kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế về hòa giải, và b) Kinh nghiệm của một số nước về hòa giải.

Ở Trung Quốc, người ta đã thấy rõ vai trò hỗ trợ lẫn nhau của hoạt động hòa giải và xét xử tại Tòa án; trong đó, hòa giải là biện pháp được ưu tiên hàng đầu. Chỉ khi hòa giải không thành, thì các bên đang có tranh chấp mới yêu cầu Tòa án xét xử theo thủ tục tư pháp.

Điều 97 của Bộ luật tố tụng dân sự của Trung Quốc quy định: "Trong khi tiến hành tố tụng dân sự, Tòa án phải chú trọng hòa giải. Nếu vụ kiện dân sự có thể hòa giải được, thì Tòa án, trên cơ sở xác định các dữ kiện và phân biệt đúng, sai, sẽ tiến hành hòa giải với sự thỏa thuận rõ ràng giữa các bên, giúp các bên đạt được sự hiểu biết và thỏa hiệp với nhau".

Thỏa thuận hòa giải tranh chấp kinh tế do các bên đang có tranh chấp ký sẽ được Thẩm phán viết lại dưới hình thức biên bản hòa giải thành, được Thẩm phán ký tên, đóng dấu của Tòa án.

Sau khi biên bản hòa giải thành được chuyển đến các bên, nó sẽ có tác dụng và hiệu lực giống như bản án chính thức của Tòa án. Nếu các bên có tranh chấp không nhất trí với bản án này, họ có thể làm đơn kháng cáo như kháng cáo đối với với một bản án thường của Tòa án.

Sự kết hợp giữa việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục tư pháp với giải quyết tranh chấp theo thủ tục hòa giải đã nêu ở trên là một đặc trưng quan trọng của tố tụng tư pháp Trung Quốc. Sự kết hợp giữa hai thủ tục tố tụng này có ưu điểm nổi bật ở chỗ nó nâng cao được hiệu lực thi hành của thỏa thuận giải quyết tranh chấp theo thủ tục hòa giải [2, tr. 98].

Ở Nhật Bản, không có sự phân biệt hợp đồng kinh tế, hợp đồng thương mại hay hợp đồng dân sự. Tất cả cả các hợp đồng kinh tế, hợp đồng thương mại đều được ký kết, thực hiện cũng như giải quyết tranh chấp (nếu có) như hợp đồng dân sự. Trong luật tố tụng dân sự, người ta chia trình tự hòa giải các tranh chấp kinh tế, thương mại làm ba giai đoạn như sau:

1- Khi có tranh chấp xảy ra (các tranh chấp có giá trị nhỏ, tình tiết đơn giản) các bên lựa chọn một người làm trung gian hòa giải. Thủ tục hòa giải tranh chấp ở giai đoạn này đơn giản hơn nhiều so với thủ tục tố tụng tại Tòa án, đáp ứng tốt yêu cầu của các đương sự. Chính vì vậy, việc hòa giải các tranh chấp trong giai đoạn này đạt được kết quả cao, chiếm tỷ lệ 50% số vụ tranh chấp được đưa đến Tòa án sơ thẩm yêu cầu giải quyết.

2- Khi người làm trung gian không hòa giải được tranh chấp, các bên đưa vụ tranh chấp đến Tòa án yêu cầu giải quyết. Trước khi xét xử, Thẩm phán cũng tiến hành các công việc cần thiết để hướng dẫn các bên hòa giải tranh chấp.

3- Nếu ở cả hai giai đoạn trên, việc hòa giải vẫn chưa thành, thì các bên đang có tranh chấp có quyền đề nghị Tòa án thành lập một Hội đồng

hòa giải bao gồm Thẩm phán và các ủy viên để hướng dẫn các bên hòa giải có kết quả hơn [1, tr. 125].

Những giai đoạn hòa giải tranh chấp kinh tế nêu trên tại Nhật Bản cho thấy các nhà doanh nghiệp Nhật Bản rất coi trọng và kiên trì việc giải quyết tranh chấp kinh tế bằng phương thức hòa giải, bởi vì đó là phương thức tiết kiệm chi phí, giữ kín được các bí quyết kinh doanh, giữ gìn và tiếp tục được các quan hệ kinh tế, thương mại giữa các bên.

Ở Mỹ, thí dụ như ở Bang California, Bộ luật tố tụng dân sự quy định việc xét xử của các "Thẩm phán tư" (thường là Thẩm phán đã về hưu) do Tòa án chỉ định với sự đồng ý của các bên đang có tranh chấp. Thẩm phán tư có thể tiến hành tổ chức một phiên tòa xét xử tranh chấp kinh doanh, thương mại theo cách mà ông ta cho là thích hợp, đồng thời cũng phù hợp với những điều kiện và nguyện vọng của các bên đang có tranh chấp. Việc tổ chức phiên tòa này giống như là việc tổ chức thủ tục hòa giải các tranh chấp kinh doanh, thương mại. Thẩm phán tư tiến hành phiên tòa một cách ngắn gọn, linh hoạt, có thể áp dụng hoặc không áp dụng các quy định của pháp luật về chứng cứ.

Đặc điểm rõ nét nhất của việc xét xử theo thủ tục "Thẩm phán tư" là "Thẩm phán tư" phải áp dụng luật nội dung về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại như khi xét xử chính thức vụ tranh chấp tại Tòa án thường. Sau khi xét xử, "Thẩm phán tư" làm báo cáo về các dữ kiện và kết luận về mặt pháp luật và gửi báo cáo này cho Tòa án đã chỉ định mình biết. Quyết định của "Thẩm phán tư" có giá trị như một phán quyết của Tòa án thường. Nếu các bên không nhất trí với quyết định này, họ có thể làm đơn kháng án theo quy trình bình thường đối với một bản án của Tòa án.

Người ta gọi cách thức kết hợp việc hòa giải với xét xử như đã nêu ở trên là thủ tục "Hòa giải dưới bóng pháp luật" [22, tr. 18].

Thông qua việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn các kinh nghiệm hòa giải tranh chấp kinh tế ở các tổ chức quốc tế và ở một số nước, có thể thấy rằng hòa giải không chỉ được các nhà kinh doanh và các Luật sư, Luật gia công nhận là một phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế một cách hữu hiệu; nó còn được các tổ chức và cá nhân có thẩm quyền sử dụng để giải quyết các tranh chấp kinh tế với những kết quả khả quan.

Các tổ chức quốc tế có uy tín trong hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế và nhiều quốc gia đã có nhiều cố gắng, nỗ lực cụ thể để làm cho thủ tục hòa giải tranh chấp kinh tế trở thành một dịch vụ phổ biến, có tổ chức, được công nhận về mặt pháp lý, được sử dụng một cách hữu hiệu theo yêu cầu của các bên có tranh chấp kinh doanh, thương mại.

Những thành công và kinh nghiệm về hòa giải tranh chấp kinh doanh, thương mại của các tổ chức quốc tế và của các nước có thể được lựa chọn và áp dụng một cách phù hợp vào điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam, vì chúng ta đang từng bước xây dựng và hoàn thiện một khung pháp luật kinh tế trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính sách và pháp luật về kinh tế, thương mại nói chung và chính sách, pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh tế, thương mại nói riêng cần phải tương thích và phù hợp với chính sách và pháp luật về kinh tế và thương mại của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng dường như các quy tắc hòa giải và thủ tục tiến hành hòa giải các tranh chấp kinh doanh, thương mại còn được công bố và phổ biến rất ít trong giới kinh doanh, thương mại cũng như trong giới luật gia, luật sư.

Sự thiếu thông tin, khan hiếm tài liệu về hòa giải tranh chấp kinh doanh, thương mại là một trong những lý do dẫn đến sự hạn chế việc sử dụng các quy tắc hòa giải và thủ tục hòa giải hiện hành để giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại. Bên cạnh đó, một số Luật sư, Luật gia,

kể cả Luật sư trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại quốc tế, dường như vẫn chưa chấp nhận việc giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại bằng thủ tục hòa giải.

Nhìn nhận xu hướng phát triển về lâu về dài, có thể thấy rằng hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại đang được các nhà kinh doanh, các tổ chức Trọng tài, Tòa án quốc tế và các nước, nhất là các nước ở Châu Á - Thái Bình Dương, ngày càng chú ý và sử dụng có hiệu quả hơn.

Một phần của tài liệu Hòa giải trong giải quyết tranh chấp kinh tế tại Tòa án ở Việt Nam (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(183 trang)
w