Các hình thức hòa giải tranh chấp xét theo tính chất công việc của Tòa án

Một phần của tài liệu Hòa giải trong giải quyết tranh chấp kinh tế tại Tòa án ở Việt Nam (Trang 104 - 106)

d) Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn

2.3.1.1.Các hình thức hòa giải tranh chấp xét theo tính chất công việc của Tòa án

việc của Tòa án

Xét theo tính chất công việc của Tòa án, có thể thấy có loại hình thức hòa giải gián tiếp và hòa giải trực tiếp. Các văn bản pháp luật hiện hành cũng như trong Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự đều chưa có quy định nào về hai loại hình thức hòa giải này. Nhưng qua nghiên cứu, tác giả luận án trình bày những suy nghĩ cụ thể của mình về hai hình thức hòa giải này như sau:

1- Hòa giải gián tiếp

Đây là hình thức hòa giải mà Tòa án có thể tiến hành giữa các đương sự. Hình thức này có thể được tiến hành ngay sau khi Tòa án thụ lý đơn kiện của nguyên đơn cũng như trong quá trình Thẩm phán và Thư ký Tòa án lấy lời khai của các đương sự, thu thập thêm chứng cứ... trước khi đưa vụ án ra xét xử.

Sau khi đã thụ lý hồ sơ vụ tranh chấp, trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ đã có sẵn, Thẩm phán hoặc Thư ký Tòa án có thể trao đổi thư từ, thông báo với các đương sự về yêu cầu của nguyên đơn, nguyện vọng của bị đơn và của các bên có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan. Đồng thời, người Thẩm phán có thể phân tích sơ bộ vụ tranh chấp, nêu ra các lời khuyên nhủ thuyết phục để hòa giải sơ bộ tranh chấp giữa các đương sự. Nếu các đương sự chấp nhận quan điểm và những lời phân tích, khuyên nhủ, thuyết phục của thẩm phán và cán bộ Tòa án, họ có thể đi đến nhất trí về cách giải quyết vụ tranh chấp mà không cần Tòa án xét xử; và như vậy, vụ tranh chấp sẽ được giải quyết.

Về mặt lý thuyết, có thể thấy Thẩm phán có khả năng giải quyết tranh chấp kinh tế bằng hình thức gián tiếp như vậy. Nhưng trong thực tiễn, có thể thấy rằng ít có trường hợp Tòa án giải quyết được vụ tranh chấp bằng hình thức hòa giải gián tiếp này.

2- Hòa giải trực tiếp

Khác với hòa giải gián tiếp, hình thức hòa giải trực tiếp được Thẩm phán, Thư ký Tòa án thể hiện ở việc Thẩm phán triệu tập các đương sự và những người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan để lấy lời khai của các bên về vụ tranh chấp, tìm hiểu yêu cầu, nguyện vọng và quan điểm của các đương sự về việc giải quyết tranh chấp đó.

Thẩm phán cần giải thích cho các đương sự và những người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan biết về các quy định của pháp luật về vụ việc tranh chấp và quyền lợi, nghĩa vụ của các đương sự. Người Thẩm phán cũng cần khuyên nhủ, thuyết phục các đương sự thỏa thuận với nhau về cách giải quyết tranh chấp kinh tế sao cho có lý, có tình, bảo đảm được quyền lợi của tất cả các đương sự, làm cho tất cả các đương sự cũng như những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều có thể chấp nhận được.

Hình thức hòa giải trực tiếp có thể được Thẩm phán tiến hành trước khi đưa vụ tranh chấp kinh tế ra xét xử. Hình thức hòa giải này cũng có thể được Hội đồng xét xử thực hiện trong khi tiến hành các phiên tòa. Đây là hình thức hòa giải mà Tòa án tiến hành một cách rộng rãi nhất và đem lại hiệu quả thiết thực nhất.

Một phần của tài liệu Hòa giải trong giải quyết tranh chấp kinh tế tại Tòa án ở Việt Nam (Trang 104 - 106)