Hòa giải trong giai đoạn từ sau khi có bản án sơ thẩm đến khi Tòa án cấp phúc thẩm ra Quyết định xét xử phúc thẩm vụ án

Một phần của tài liệu Hòa giải trong giải quyết tranh chấp kinh tế tại Tòa án ở Việt Nam (Trang 95 - 98)

d) Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn

2.2.8. Hòa giải trong giai đoạn từ sau khi có bản án sơ thẩm đến khi Tòa án cấp phúc thẩm ra Quyết định xét xử phúc thẩm vụ án

khi Tòa án cấp phúc thẩm ra Quyết định xét xử phúc thẩm vụ án

Theo Điều 61 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, sau khi Hội đồng xét xử tại phiên tòa sơ thẩm đã tuyên đọc bản án, có một thời hạn là 10 ngày để các đương sự và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có điều kiện làm đơn kháng án hoặc Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị đối với bản án của Tòa sơ thẩm. Nếu sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng xét xử tuyên án, mà không có đơn kháng cáo của các đương sự, không có quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp (đối với Viện kiểm sát cấp trên thì thời hạn là 15 ngày), thì bản án của Tòa án cấp sơ thẩm có hiệu lực thi hành.

Nếu trong thời hạn 10 ngày nói trên, các đương sự hoặc những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có kháng cáo hoặc Viện kiểm sát cùng cấp có quyết định kháng nghị, thì bản án của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp lý và hồ sơ vụ án sẽ được chuyển lên Tòa án cấp phúc thẩm để giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

Nhưng, như đã nói ở trên, tâm lý, tư tưởng, tình cảm của con người hoạt động tuân theo những quy luật riêng của nó. Tâm lý, tư tưởng, tình cảm của con người cũng bị tác động bởi những yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau. Do đó, không thể khẳng định rằng tâm lý, tư tưởng, tình cảm của con người là "nhất thành, bất biến" mà chúng hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian, thay đổi sau khi chịu sự tác động của các yếu tố chủ quan hoặc khách quan khác.

Đối với tâm lý, tư tưởng, tình cảm của các bên đang có tranh chấp kinh tế, thương mại cũng vậy. Hoàn toàn không phải là khi đã có đơn kháng cáo, thì các bên có tranh chấp không bao giờ nghĩ lại nữa và cố sức theo đuổi vụ kiện đến cùng. Trong giai đoạn từ khi các bên có đơn kháng cáo hoặc Viện kiểm sát có quyết định kháng nghị, các bên có tranh chấp vẫn có thể gặp gỡ, trao đổi và thương lượng, hòa giải với nhau.

Sự hòa giải ở đây có một tính chất rất đặc biệt, bởi vì nó không phải là hòa giải ngoài tố tụng, do vụ tranh chấp đang được Tòa án xem xét giải quyết. Nhưng nó cũng không phải là hòa giải trong tố tụng theo đúng nghĩa của nó, bởi vì việc hòa giải ở đây không có sự trung gian của Thẩm phán. Chỉ từ khi Tòa án cấp phúc thẩm nhận được hồ sơ vụ án do Tòa án cấp sơ thẩm gửi lên và Thẩm phán của Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì việc hòa giải mới được coi là hòa giải trong tố tụng, vì chỉ từ khi đó mới lại có sự trung gian hòa giải của Thẩm phán Tòa phúc thẩm.

Tác giả luận án cho rằng, các đương sự hoàn toàn có quyền gặp gỡ, trao đổi, thương lượng, thỏa thuận với nhau về phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế trong giai đoạn từ sau khi Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án đến khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Quan điểm của một luật gia khác cũng trùng hợp với quan điểm của chúng tôi khi cho rằng:

Nếu một trong các bên đương sự hoặc cả hai bên đương sự kháng cáo thì họ vẫn có thể hòa giải với nhau khi cấp phúc thẩm chưa mở phiên tòa. Trong trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau, Thẩm phán phụ trách ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự giống như trong trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau trước khi mở phiên tòa sơ thẩm. Sự thỏa thuận này có thể trái với quyết định của Tòa sơ thẩm nhưng không được trái pháp luật [34, tr. 147].

Nếu các đương sự đạt được một sự thỏa thuận về việc giải quyết vụ tranh chấp, Tòa án cấp phúc thẩm cũng cần ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; quyết định này cũng có hiệu lực thi hành ngay. Đương nhiên, khi đạt được thỏa thuận trong giai đoạn này (giai đoạn trước khi Tòa án mở phiên tòa xét xử phúc thẩm) thì các đương sự vẫn phải nộp án phí đầy đủ theo quy định của pháp luật, vì trong thực tế, Tòa án cấp sơ thẩm đã phải mở phiên tòa để xét xử vụ án này rồi.

Tuy vậy, một vấn đề đặt ra ở đây cần có sự giải đáp là: Nếu các đương sự thỏa thuận, hòa giải với nhau với kết quả khác với bản án mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên thì các bên phải thi hành bản án của Tòa án hay là thi hành kết quả mà họ đã thống nhất, thỏa thuận với nhau? Chúng tôi cho rằng, các bên đương sự cần thực hiện kết quả mà họ đã thống nhất và thỏa thuận với nhau, chứ không phải thực hiện bản án của Tòa án cấp sơ thẩm, bởi vì đối với các tranh chấp dân sự, kinh tế, thương mại, Nhà nước chỉ can

thiệp khi nào các đương sự có yêu cầu và bản thân các đương sự không thể thương lượng, hòa giải được với nhau.

Ở đây, với việc một đương sự, các đương sự hoặc những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm đã cho thấy bản án giải quyết tranh chấp kinh tế chưa đi sâu vào lòng người, chưa "thấu tình, đạt lý", chưa có sức thuyết phục. Do vậy, sau khi có bản án của Tòa án cấp sơ thẩm, các đương sự lại có thể thỏa thuận được với nhau về cách giải quyết vụ án mà các đương sự đều có thể chấp nhận được, không còn mâu thuẫn, không còn tranh chấp, thì Nhà nước (cụ thể ở đây, Tòa án là người đại diện) cũng cần công nhận sự thỏa thuận, hòa giải của họ.

Một phần của tài liệu Hòa giải trong giải quyết tranh chấp kinh tế tại Tòa án ở Việt Nam (Trang 95 - 98)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(183 trang)
w