SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CHẾ ĐỊNH HÒA GIẢI TRANH CHẤP KINH TẾ TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Hòa giải trong giải quyết tranh chấp kinh tế tại Tòa án ở Việt Nam (Trang 54 - 65)

TRANH CHẤP KINH TẾ TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Với tính chất là một phương pháp giải quyết tranh chấp kinh tế, hòa giải (ngoài tố tụng) có lịch sử hình thành và phát triển sớm hơn rất nhiều so với phương pháp giải quyết tranh chấp kinh tế theo thủ tục trọng tài hoặc theo thủ tục tư pháp.

Ngay sau khi giành được chính quyền (1945), Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến việc giải quyết các tranh chấp dân sự và kinh tế trong nhân dân. Trong Sắc lệnh số 13 ngày 24-1-1946 của Chủ tịch nước quy định tổ chức nền tư pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tại khoản 1 Điều 3 đã quy định: "Hòa giải tất cả các việc dân sự và thương sự. Nếu hòa giải được, Ban tư pháp có thể lập biên bản hòa giải có các ủy viên và những người đương sự ký".

Thi hành Sắc lệnh này, Nhà nước đã thành lập một hệ thống các đơn vị tư pháp có chức năng hòa giải rộng khắp, tới tận các cơ sở, làng xã, mà hoạt động chủ yếu là hòa giải các xích mích, tranh chấp dân sự, trong đó có không ít tranh chấp dân sự liên quan đến tài sản trong lĩnh vực kinh doanh.

Với tính chất là những bước, những giai đoạn trong trình tự tố tụng giải quyết tranh chấp kinh tế tại cơ quan trọng tài và tại Tòa án, hòa giải có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của các tổ chức Trọng tài, Tòa án cũng như lịch sử hình thành và phát triển kinh tế tại Việt Nam.

Sau khi nhân dân ta giành được chính quyền, Tòa án cách mạng đã được hình thành và đi vào hoạt động, nhưng khái niệm pháp luật kinh tế nói chung, tranh chấp kinh tế nói riêng chưa xuất hiện. Chưa có sự phân biệt tranh chấp kinh tế với các loại tranh chấp tài sản khác. Tuy các điều 3, 17, 27, 33, 43 của Sắc lệnh số 13 ngày 24-1-1946 đã sử dụng hai khái niệm khác

nhau là "dân sự" và "thương sự", nhưng lại chưa có một văn bản pháp luật nào định nghĩa và nêu rõ đặc điểm, tính chất của từng loại để phân biệt; cũng không có sự khác nhau về thủ tục tố tụng tại Tòa án đối với hai loại tranh chấp này.

Tại Điều lệ tạm thời về hợp đồng kinh doanh được ban hành kèm theo Nghị định số 735-TTg ngày 10-4-1956 của Thủ tướng Chính phủ, thuật ngữ "Hợp đồng kinh doanh" đã được sử dụng. Điều lệ đã quy định rõ: "Hợp đồng kinh doanh là một bản quy định mối quan hệ giữa hai hay nhiều đơn vị kinh doanh tự nguyện cam kết với nhau thực hiện một số nhiệm vụ nhất định, trong những thời gian nhất định, nhằm mục đích phát triển kinh doanh công thương nghiệp góp phần thực hiện kế hoạch nhà nước".

Điều 20 của điều lệ trên quy định việc giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh được thực hiện như sau:

"a) Nếu là tranh chấp giữa tư doanh với nhau, giữa tư doanh với quốc doanh hay Hợp tác xã thì đưa ra cơ quan đăng ký hay thị thực hợp đồng giải quyết. Nếu xét thấy cần đề nghị truy tố trước Tòa án nhân dân, cơ quan đăng ký sẽ đứng ra khởi tố trước Tòa án nhân dân nơi sở tại.

b) Nếu có tranh chấp giữa các tổ chức hợp tác xã hay tổ chức quốc doanh với nhau thì đưa lên cơ quan cấp trên hoặc hội nghị liên tịch các cơ quan cấp trên mà giải quyết".

Các cơ quan giải quyết tranh chấp kinh tế (hợp đồng kinh doanh) khi đó gồm có cơ quan công thương tỉnh, thành phố, Ủy ban hành chính huyện, Ủy ban hành chính xã, cơ quan cấp trên của hợp tác xã, cơ quan cấp trên của tổ chức kinh tế quốc doanh và Tòa án nhân dân.

Theo bản Điều lệ tạm thời trên, thì các tranh chấp hợp đồng kinh doanh do các cơ quan hành pháp giải quyết. Tòa án chỉ giải quyết tranh chấp theo sự khởi tố của cơ quan đăng ký hợp đồng.

Ngày 14-1-1960 Chính phủ ban hành Nghị định số 20/TTg thành lập hệ thống Hội đồng Trọng tài.

Trong các văn bản bản pháp lý trên, phương thức giải quyết các tranh chấp kinh tế bằng hòa giải hầu như chưa được đề cập hoặc có đề cập nhưng còn sơ sài. Đối với những tranh chấp kinh tế mà một bên là doanh nghiệp tư nhân thì việc giải quyết được các cơ quan hành pháp thực hiện. Những vụ việc được chuyển sang giải quyết tại Tòa án ít có khả năng được giải quyết bằng hòa giải. Thủ tục hòa giải khi đó cũng chưa được quy định rõ ràng trong hoạt động tố tụng của Tòa án.

Đối với những trường hợp tranh chấp kinh tế gây nhiều thiệt hại cho việc thực hiện kế hoạch nhà nước, thì việc xét xử của Tòa án trước hết là nhằm bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, nhằm thực hiện đúng kế hoạch Nhà nước giao; sau đó mới là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Do đó, các bên chỉ có thể thỏa thuận với nhau dưới sự trung gian hòa giải của Tòa án về việc bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, về phân chia án phí, chứ không được phép thỏa thuận về việc giảm số lượng, chất lượng sản phẩm, gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng... làm ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện kế hoạch nhà nước.

Trong giai đoạn này, việc hòa giải các tranh chấp trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế của Hội đồng Trọng tài các cấp cũng khó có thể thực hiện được, khi nhiệm vụ của cơ quan này là giải quyết các tranh chấp trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo nguyên tắc: phải thực hiện đúng các chỉ tiêu kế hoạch mà Nhà nước đã giao cho hai bên.

Trong thực tế, khi giải quyết các tranh chấp hợp đồng kinh tế có liên quan đến việc thực hiện kế hoạch nhà nước, các Hội đồng Trọng tài thường dùng quyền lực nhà nước để buộc các bên có tranh chấp phải thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm đã được pháp luật quy định. Việc hòa giải chỉ có thể được thực hiện đối với những phần tranh chấp thuộc toàn quyền

quyết định của các đương sự, như: phần bồi thường thiệt hại hoặc phần hợp đồng ngoài chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao, các biện pháp thực hiện hợp đồng...

Trong các văn bản pháp luật nêu trên, khái niệm "hòa giải" vẫn chưa được sử dụng. Nội dung của hoạt động hòa giải chỉ được đề cập tại Điều 4 của Nghị định số 20/ TTg ngày 14-1-1960 đối với các tranh chấp thuộc thẩm quyền xử lý của Hội đồng Trọng tài Trung ương. Tại đây, việc hòa giải được thực hiện bởi hai Hội đồng Trọng tài của hai bên. Hai Hội đồng Trọng tài và hai bên ký kết hợp đồng cùng nhau thương lượng giải quyết. Vụ việc tranh chấp chỉ được đưa lên giải quyết tại Hội đồng Trọng tài Trung ương khi việc hòa giải trên không thành.

Theo quy định tại Thông tư số 25/TTg ngày 22-1-1960 của Thủ tướng Chính phủ, thì trong lề lối làm việc của Hội đồng trọng tài các cấp, khi tiến hành xử lý các tranh chấp hợp đồng kinh tế, các Hội đồng trọng tài, sau khi nhận được đơn khiếu nại của đương sự, phải tiến hành thẩm tra lại sự việc bằng cách mời hai bên đương sự đến trình bày nguyện vọng, yêu cầu của họ. Đây là điều kiện cần thiết và thuận lợi để cơ quan trọng tài tiến hành hòa giải, giúp hai bên giải quyết tranh chấp kinh tế. Tuy nhiên, việc hòa giải chỉ được thực hiện trong phạm vi chỉ tiêu kế hoạch nhà nước, nên môi trường hòa giải bị chật hẹp và khả năng hòa giải thành gặp khó khăn.

Để bảo đảm cho Điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế và phán quyết của Hội đồng Trọng tài các cấp được thực hiện nghiêm túc, ngày 23-2-1960 Chính phủ ra Nghị định số 29-CP ban hành Điều lệ tạm thời quy định những nguyên tắc xử lý trong việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế. Tại văn bản này, nội dung của hoạt động hòa giải đã được đề cập trong một số điều khoản cụ thể. Điều 2 của Nghị định 29/CP quy định như sau: "Trong quá trình xử lý, Trọng tài cần chú ý giúp đỡ các xí nghiệp,

cơ quan nhà nước giải quyết những khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các xí nghiệp và các cơ quan hữu quan thực hiện tốt hợp đồng kinh tế".

Theo quy định này, Trọng tài hòa giải các tranh chấp hợp đồng kinh tế trên cơ sở giúp các bên tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đúng chế độ hợp đồng kinh tế.

Điều 8 của Nghị định số 29/CP cũng quy định rõ: "Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày biết được thái độ của bên từ chối ký kết, bên đề nghị ký phải báo cáo lên Trọng tài có thẩm quyền. Trọng tài này căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch nhà nước, căn cứ vào thể lệ đã ban hành và tình hình thực tế của đôi bên, giúp đỡ cho hai bên có thể thỏa thuận để ký kết. Nếu hai bên không thỏa thuận ký kết, thì Trọng tài có quyền quyết định nội dung mà hai bên phải ký kết". Như vậy, tuy chưa có quy định cụ thể về hòa giải, nhưng nội dung của hoạt động hòa giải đã được coi là thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết tranh chấp về ký kết hợp đồng kinh tế.

Ngày 10-3-1975, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/ CP công bố Điều lệ về Chế độ hợp đồng kinh tế thay thế cho bản Điều lệ tạm thời về Chế độ hợp đồng kinh tế. Với bản Điều lệ chính thức về hợp đồng kinh tế này, chủ thể của quan hệ hợp đồng kinh tế trở nên đa dạng hơn: ngoài các chủ thể thuộc thành phần kinh tế nhà nước, chủ thể có quyền ký kết hợp đồng kinh tế còn được mở rộng thêm, bao gồm cả các chủ thể thuộc thành phần kinh tế tập thể. Điều đó làm cho tranh chấp hợp đồng kinh tế trở nên thực chất hơn, căng thẳng, quyết liệt hơn. Việc hòa giải trong giải quyết tranh chấp tranh chấp kinh tế cũng thực sự hơn và đòi hỏi nghiêm túc hơn.

Ngày 14-4-1975, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/ CP công bố Bản Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Trọng tài kinh tế Nhà nước. Theo văn bản pháp lý này, Trọng tài Kinh tế được xác định là cơ quan của Chính phủ. Về thẩm quyền, ngoài việc xét xử các tranh chấp và

các hành vi vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế, Trọng tài Kinh tế còn được giao thêm thẩm quyền "Thanh tra việc trì hoãn ký kết hợp đồng kinh tế ở các ngành, các cấp".

Thông qua công tác thanh tra việc trì hoãn ký kết hợp đồng, trong thực tế, Trọng tài Kinh tế cũng giúp các bên hòa giải được với nhau trong tranh chấp về ký kết hợp đồng kinh tế bằng cách kịp thời phát hiện những vướng mắc, trở lực khách quan để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn này.

Trên cơ sở các quy định của pháp luật, Trọng tài Kinh tế cũng phân tích cho các bên tranh chấp nhận thấy những thiếu sót của họ, giúp họ nhanh chóng ký kết được hợp đồng với nhau, tránh việc phải chịu kỷ luật của Nhà nước do từ chối ký kết hợp đồng kinh tế.

Trong công tác xét xử, tuy bản Điều lệ không sử dụng khái niệm "hòa giải", nhưng tại điểm 2, Điều 4 đã quy định: Trọng tài Kinh tế phải giúp các bên, "để các bên có liên quan cùng nhau khắc phục khó khăn, thúc đẩy việc ký kết hợp đồng kinh tế và thực hiện hợp đồng kinh tế đã ký kết...". Đây chính là nội dung hòa giải trong quá trình xét xử các vụ tranh chấp về ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế trong thời kỳ này.

Với những quy định như trên, Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Trọng tài kinh tế Nhà nước đã bước đầu đưa hòa giải trở thành một thủ tục trong quá trình xét xử các tranh chấp về ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế.

Các hướng dẫn nghiệp vụ của Hội đồng Trọng tài kinh tế Nhà nước không sử dụng từ "hòa giải", nhưng việc hòa giải trong quá trình giải quyết các tranh chấp hợp đồng kinh tế đã được chú ý đúng mức. Cụ thể là:

- Khi không cần phải tổ chức phiên họp xét xử, Trọng tài Kinh tế hướng dẫn các bên tự giải quyết trong một thời hạn quy định hoặc mời các bên đến để bàn bạc, để quyết định dưới sự chủ trì của Chủ tịch, phó Chủ tịch Hội đồng Trọng tài hoặc Trọng tài viên. Các quyết định trên đều có hiệu lực pháp lý và được ghi theo số quyết định xét xử như các quyết định xét xử khác (tương tự như Quyết định công nhận hòa giải thành, Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự của Tòa án).

- Khi phải tổ chức phiên họp xét xử, thì công tác xét xử phải đạt yêu cầu là "phát huy quyền làm chủ của mỗi người, tạo điều kiện để mỗi người tích cực tham gia vào việc giải quyết vụ tranh chấp...", tức là tạo điều kiện cho các đương sự có thể hòa giải được với nhau ngay tại phiên họp xét xử.

Tuy nhiên, vào giai đoạn này, "hòa giải" vẫn chưa được coi là một thủ tục tố tụng xuyên suốt mọi giai đoạn của quá trình tố tụng trọng tài. Pháp luật cũng chưa quy định việc Trọng tài Kinh tế phải tiến hành hòa giải trước khi mở phiên họp xét xử tranh chấp về hợp đồng kinh tế.

Ngày 25-9-1989, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế thay thế Điều lệ về Chế độ hợp đồng kinh tế (1975). Theo Điều 2 của Pháp lệnh này, chủ thể của quan hệ hợp đồng kinh tế là pháp nhân và cá nhân có đăng ký kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế phù hợp với pháp luật hiện hành.

Vào giai đoạn này, tài sản là đối tượng của một số hợp đồng kinh tế được chuyển dịch giữa các loại hình doanh nghiệp có chế độ sở hữu khác nhau trong quá trình thực hiện hợp đồng. Do đó, tranh chấp hợp đồng kinh tế thực sự là tranh chấp về tài sản giữa các chủ sở hữu khác nhau. Hoạt động của Trọng tài thực sự là giải quyết những tranh chấp có tính gay gắt giữa các doanh nghiệp, giữa các nhà kinh doanh.

Để đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới trong việc giải quyết các tranh chấp kinh tế, ngày 10-1-1990, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh Trọng tài Kinh tế. Tại Pháp lệnh này, tuy không còn nhấn mạnh Trọng tài Kinh tế là cơ quan của Chính phủ như ở các văn bản trước đây, nhưng quy định "Trọng tài Kinh tế Nhà nước chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Hội đồng Bộ trưởng. Trọng tài Kinh tế địa phương chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân cùng cấp, đồng thời chịu sự chỉ đạo, giám sát của Trọng tài Kinh tế cấp trên" cho thấy rằng Trọng tài Kinh tế vẫn là một cơ quan quản lý chứ không phải là một cơ quan tài phán theo đúng như tên gọi của nó.

Trong phần các quy định về thủ tục tố tụng của Trọng tài Kinh tế, khái niệm "hòa giải" vẫn chưa được nhắc đến, nhưng tính chất hòa giải trong hoạt động của Trọng tài Kinh tế đã được thể hiện rõ trong Điều 4; cụ thể là "Trọng tài Kinh tế giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế căn cứ vào các điều khoản của hợp đồng kinh tế có tranh chấp, các quy định của pháp luật hợp đồng kinh tế và các quy định pháp luật khác có liên quan, theo nguyên tắc thương lượng để thỏa thuận phù hợp với pháp luật. Trong

Một phần của tài liệu Hòa giải trong giải quyết tranh chấp kinh tế tại Tòa án ở Việt Nam (Trang 54 - 65)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(183 trang)
w