Điều 13 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế quy định thẩm quyền của Tòa án các cấp đối với việc xét xử các vụ án kinh tế sơ thẩm. Căn cứ của sự phân cấp này là giá trị của các tranh chấp hoặc ở chỗ vụ tranh chấp kinh tế có yếu tố nước ngoài hay không. Cụ thể là:
- Nếu tranh chấp kinh tế, thương mại có giá trị dưới 50 triệu đồng và không có nhân tố nước ngoài thì thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp huyện.
- Nếu tranh chấp kinh tế, thương mại có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên hoặc có yếu tố nước ngoài, thì thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm tại Tòa Kinh tế- Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Như vậy, tất cả các vụ tranh chấp kinh tế, thương mại có yếu tố nước ngoài đều được xét xử sơ thẩm tại Tòa Kinh tế -Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Ngoài ra, trong những trường hợp cần thiết, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thể lấy những vụ án kinh tế thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện lên để giải quyết.
Trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, có thể thấy rằng quy định trên về thẩm quyền của Tòa án các cấp đã trở nên bất cập, không còn phù hợp với thực tế, gây ra nhiều trở ngại cho các Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp kinh tế. Nhận định này dựa trên những căn cứ như sau:
- Trình độ nghiệp vụ và kiến thức chuyên môn của các Thẩm phán, Thư ký Tòa án, của Hội đồng xét xử ở các Tòa án cấp huyện đã được nâng cao khá nhiều: Tất cả các Thẩm phán, Thư ký Tòa án đã có trình độ thấp
nhất là cử nhân luật; nhiều Thẩm phán, Thư ký Tòa án đã được huấn luyện, đào tạo kỹ năng hành nghề tại Trường đào tạo các chức danh tư pháp và tại Trường bồi dưỡng của Tòa án nhân dân tối cao. Vì vậy, họ có khả năng giải quyết các vụ án lớn với nhiều tình tiết phức tạp.
- Giá trị tranh chấp kinh tế chỉ có 50 triệu đồng là một số tiền nhỏ, không tương xứng với giá trị các vụ án kinh tế, thương mại hiện nay (50 triệu đồng chỉ tương đương với một chiếc xe máy bình thường của người dân).
- Giá trị các vụ tranh chấp dân sự có thể lên đến nhiều tỷ đồng nhưng từ xưa tới nay vẫn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện. Điều này cho thấy đang tồn tại một sự bất bình đẳng, bất hợp lý giữa việc giải quyết tranh chấp kinh tế và tranh chấp dân sự tại Tòa án cấp huyện. Vì lý do gì mà một người Thẩm phán, Thư ký Tòa án hoặc một Hội đồng xét xử, khi giải quyết một vụ án dân sự, thì có thể ra những phán quyết về những tài sản có giá trị nhiều tỷ đồng, còn khi giải quyết một vụ án kinh tế, thì lại chỉ được giải quyết những vụ tranh chấp có giá trị dưới 50 triệu đồng?
- Do những quy định bất hợp lý như trên nên số lượng các vụ án kinh tế được xét xử ở Tòa án cấp huyện trong những năm vừa qua là rất ít. Đồng thời, việc hầu hết các vụ án kinh tế đều được xét xử sơ thẩm ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh làm cho Tòa án cấp tỉnh trở nên quá tải, không giải quyết kịp thời các vụ án kinh tế, xét xử có nhiều sai sót, khiếm khuyết hoặc làm tồn đọng nhiều vụ án kinh tế, làm cho việc phân loại vụ án dân sự - vụ án kinh tế không đem lại hiệu quả như mong muốn.
Những điều vừa trình bày ở trên cho thấy việc phân cấp thẩm quyền ở các cấp Tòa án hiện nay rất bất cập, không thích hợp và cần được khẩn trương sửa đổi lại cho sát thực tế và hợp lý hơn.
Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự đã quy định: Tòa án cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm "những tranh chấp kinh tế mà giá trị tranh chấp dưới 500.000.000 đồng". Tuy giá trị của vụ tranh chấp kinh tế được quy định trong Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự so với giá trị của các tranh chấp do Tòa án cấp huyện giải quyết hiện nay đã được tăng lên mười lần, nhưng chúng tôi cho rằng giá trị đó vẫn chưa tương xứng với giá trị của các vụ án dân sự. Quy định về giá trị tài sản tranh chấp như vậy vẫn chưa phù hợp với thực tiễn, vẫn sẽ còn gây ra sự rỗi rãi trong việc xét xử các vụ án kinh tế ở các Tòa án cấp huyện và vẫn gây ra sự quá tải của các Tòa án cấp tỉnh. Tôi cho rằng có thể quy định giá trị các vụ tranh chấp kinh tế mà Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lên đến một tỷ đồng.