4- Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự (khi hòa giải thành)
2.3.3. Điều kiện hòa giải tranh chấp kinh tế tại tòa án
Pháp luật hiện hành không có các điều khoản cụ thể và đầy đủ về những điều kiện cần thiết để tòa án có thể tiến hành hòa giải các tranh chấp kinh tế. Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự cũng chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy vậy, qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn, tác giả luận án xin hệ thống hóa các điều kiện cần thiết để tòa án có thể tiến hành việc hòa giải các tranh chấp kinh tế như sau:
Thứ nhất, phải có đơn kiện của nguyên đơn.
Khi có tranh chấp kinh tế, tranh chấp thương mại xảy ra, tòa án không thể tự ý đứng ra làm trung gian để hòa giải tranh chấp hoặc ra quyết định khởi tố vụ án để giải quyết tranh chấp này. tòa án chỉ có thể làm trung gian hòa giải hoặc xét xử vụ tranh chấp khi được các bên đương sự yêu cầu. Việc yêu cầu này được thể hiện thông qua hình thức nộp đơn khởi kiện của nguyên đơn tại tòa án. Về yêu cầu đối với đơn kiện của nguyên đơn đã
được quy định tại Điều 31, khoản 2, của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế và được luận án đề cập cũng như phân tích ở phần nói về giai đoạn thụ lý đơn kiện.
Thứ hai, nguyện vọng và yêu cầu của nguyên đơn phải có căn cứ và không trái pháp luật.
Không phải bất kỳ một nhà kinh doanh nào đó nộp đơn khởi kiện là tòa án thụ lý và tiến hành việc hòa giải hoặc xét xử vụ tranh chấp kinh tế theo yêu cầu của người nộp đơn. Khi nhận được đơn khởi kiện vụ tranh chấp kinh tế, tòa án cần phải kiểm tra xem nguyên đơn có tư cách để khởi kiện hay không; nguyện vọng của nguyên đơn có căn cứ và hợp pháp không; có căn cứ pháp lý nào để chứng tỏ tòa án nơi đã được nộp đơn có thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định hiện hành của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế.
Tương tự như vậy, Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự cũng quy định về trách nhiệm của nguyên đơn như sau: "Đương sự có yêu cầu tòa án bảo vệ quyền, lợi ích của mình... phải chứng minh yêu cầu đó là có căn cứ pháp luật và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh".
Thứ ba, các đương sự có tranh chấp, nhất là bị đơn, chấp nhận việc hòa giải của tòa án.
Hòa giải trong giai đoạn chuẩn bị xét xử là một thủ tục bắt buộc tòa án phải tiến hành. Tuy nhiên, để việc hòa giải đạt kết quả thì tòa án còn cần tham khảo ý kiến của bị đơn về việc bị đơn có chấp nhận tham gia vào quá trình hòa giải vụ tranh chấp hay không. Nói cách khác, tòa án còn cần phải có được sự chấp thuận hòa giải của bị đơn thì mới có thể tiến hành thủ tục hòa giải vụ tranh chấp được. Điều này là hết sức cần thiết, bởi vì việc hòa giải chỉ là hình thức nếu chỉ có một đương sự muốn hòa giải, còn bên kia không muốn hòa giải. Việc các đương sự, nhất là bị đơn, có thiện chí việc
giải quyết tranh chấp bằng thủ tục hòa giải hay không là quyền tự do, tự chủ, tự quyết của các đương sự đang có tranh chấp. tòa án không thể lấy quyền uy của mình để ép buộc các đương sự phải ngồi lại với nhau để giải quyết tranh chấp theo thủ tục hòa giải. Nếu không hòa giải được hoặc hòa giải không thành thì Thẩm phán mới ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, tòa án phải xác định chính xác đối tượng hòa giải (tức là xác định nguyên đơn, bị đơn, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ tranh chấp) trước khi tiến hành hòa giải và triệu tập họ đến tòa án kịp thời, đúng quy định.
Điều này tưởng như đơn giản và bình thường, nhưng trong thực tế đã từng xảy ra trường hợp là hợp đồng kinh tế hoặc những thỏa thuận thương mại được ký kết bởi những người có thẩm quyền hợp pháp, nhưng đến khi có tranh chấp xảy ra, các bên lại cử những người không có đủ tư cách pháp lý đến tòa án để tham gia vào quá trình hòa giải. Do đó, tuy tòa án đã lập được biên bản hòa giải thành, đã ra được quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, nhưng vẫn bị tòa án nhân dân cấp trên ra kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm, hủy bỏ quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và yêu cầu phải giải quyết vụ tranh chấp này từ đầu. Điều đó làm cho tòa án và các đương sự cũng như những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mất rất nhiều thời gian và công sức.
Có thể nêu một ví dụ về trường hợp này như sau:
Đây là vụ tranh chấp về hợp đồng tín dụng giữa Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Hướng Dương.
Ngày 8-8-1994 Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh có ký Hợp đồng tín dụng số 0080/TD2/941D cho
Công ty TNHH Hướng Dương vay 800.000 000 đ, với lãi suất 1,8%/ tháng. Thời hạn vay là 4 tháng.
Quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng này được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Nhưng sau đó, Công ty TNHH Hướng Dương đã vi phạm hợp đồng, đến hạn không trả nợ. Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã có đơn khởi kiện yêu cầu tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết vụ tranh chấp này. Căn cứ biên bản hòa giải thành ngày 23-3-1996 giữa các bên, tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 19/CNTT-KT ngày 23-3-1996 công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Ngay sau khi có quyết định trên, người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan đến vụ án đã có đơn khiếu nại về việc quyết định nói trên vi phạm các quy định về tố tụng kinh tế; vì theo Điều 29 của Điều lệ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam là đơn vị hạch toán nội bộ. Người có thẩm quyền tham gia tố tụng trong trường hợp này là Tổng Giám đốc Ngân hàng ngoại thương Việt Nam. Nếu Giám đốc Chi nhánh muốn tham gia tố tụng tại tòa án, thì phải được Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam ủy quyền; Giám đốc Chi nhánh chỉ được hoạt động trong phạm vi được ủy quyền.
Việc Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh nhân danh mình làm đơn khởi kiện khi chưa được Tổng Giám đốc Ngân hàng ngoại thương Việt Nam ủy quyền là chưa đủ tư cách của nguyên đơn. Việc tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xác định Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh là nguyên đơn của vụ kiện và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng kinh tế.
Vì vậy, căn cứ Điều 74, 75 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, tòa án nhân dân tối cao đã ra quyết định kháng nghị Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 19/CNTT-KT ngày 23-3- 1996 của tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời, đề nghị tòa Kinh tế - tòa án nhân dân tối cao - xét xử giám đốc thẩm để hủy quyết định nói trên.
Thứ năm, khi tòa án tiến hành hòa giải tranh chấp kinh tế, các bên có tranh chấp hoặc người được họ ủy quyền hợp pháp và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ tranh chấp phải có mặt.
Nếu một bên không muốn hòa giải, họ sẽ không chịu đến Tòa để tham dự vào các buổi hòa giải. Do đó, thủ tục hòa giải không thể tiến hành được. Chính vì vậy, khoản 2 Điều 36 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế quy định rõ rằng: "Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có mặt khi hòa giải".
Trong trường hợp vụ tranh chấp kinh tế được đưa ra xét xử, khi tòa án đã thu thập đủ các chứng cứ, tài liệu cần thiết, thì sự có mặt hoặc vắng mặt của bị đơn có khi không làm ảnh hưởng lớn lắm đến việc xét xử của tòa án. Nếu như bị đơn đã được tòa án triệu tập hợp lệ nhiều lần mà vẫn không có mặt tại Tòa để tham gia phiên tòa, thì Hội đồng xét xử vẫn có thể xét xử vụ tranh chấp kinh tế vắng mặt bị đơn, trên cơ sở hồ sơ, tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án, với lời khai và sự có mặt của nguyên đơn và của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Nhưng trong thủ tục hòa giải tranh chấp kinh tế, thì sự có mặt của các đương sự, của những người có quyền, nghĩa vụ có liên quan đến vụ tranh chấp, nhất là sự có mặt của bị đơn hoặc của người được ủy quyền hợp pháp của họ, là hết sức cần thiết để tòa án có thể tiến hành hòa giải được.
Nếu đương sự là cá nhân thì tự mình hoặc có thể ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình trong quá trình giải quyết vụ án.
Nếu đương sự là pháp nhân thì thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong tố tụng kinh tế thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền. Việc ủy quyền tham gia tố tụng phải được làm thành văn bản. Người được ủy quyền chỉ được thực hiện những hành vi trong phạm vi ủy quyền. Ngoài ra, đương sự có thể tự mình hoặc nhờ Luật sư, Người bảo vệ quyền lợi bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Những người này có quyền tham gia tố tụng từ khi khởi kiện vụ án đến khi kết thúc vụ án. Điều đó có nghĩa là: trong mọi giai đoạn tố tụng, những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự đều có quyền có mặt.
Vì một lý do nào đó mà các đương sự vắng mặt, các đương sự có thể ủy quyền cho người khác hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong việc tham gia tố tụng tại tòa án. Khi họ đã không tự mình thực hiện quyền của mình, mà nhờ người khác tức là họ đã trao cho người đó một số quyền hạn nhất định. Người được ủy quyền có nghĩa vụ hoàn thành trách nhiệm mà người ủy quyền đã giao cho.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp nói chung và trong quá trình hòa giải nói riêng, những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự phải có mặt. Sự có mặt của họ có vai trò quyết định đến kết quả của thủ tục hòa giải vụ tranh chấp.
Cả Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế đều không nói đến việc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự có được quyền có mặt hay không trong quá trình hòa giải. Trong khi đó, cả hai Pháp lệnh đều quy định:
"Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được tham gia tố tụng từ khi khởi kiện".
Có quan điểm cho rằng, đối với việc giải quyết tranh chấp dân sự, khi đã xác định được những người có quyền tham gia hòa giải, thì tòa án không cần chú ý đến người bảo vệ quyền lợi cho đương sự; người bảo vệ quyền lợi của đương sự không có quyền tham gia hòa giải, mà chỉ có quyền tham gia tố tụng để giúp đương sự về mặt pháp lý trong việc hòa giải. Họ cho rằng khi người bảo vệ quyền lợi của các đương sự có mặt, thì việc tự thỏa thuận, tự dàn xếp giữa các đương sự sẽ không thể tiến hành được và việc hòa giải cũng không còn ý nghĩa.
Nhưng chúng tôi cho rằng, việc các bên tranh chấp có Luật sư hoặc Bào chữa viên nhân dân bảo vệ quyền lợi cho họ là điều đã được pháp luật quy định. Họ được tham gia vào toàn bộ quá trình tố tụng. Do đó, họ cũng có quyền tham gia vào quá trình tòa án hòa giải vụ tranh chấp.
Thực tiễn những năm qua đã cho thấy, trong quá trình hòa giải các tranh chấp kinh tế, nếu các bên tranh chấp đều có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tham gia, thì việc hòa giải sẽ được tiến hành nhanh gọn và đạt hiệu quả cao hơn, sớm đi đến kết quả hơn. Lý do là các Luật sư và những người bảo vệ quyền lợi cho các đương sự là những người thông thạo luật pháp, nắm vững các yêu cầu, đòi hỏi của việc giải quyết tranh chấp kinh tế, sẽ tư vấn và khuyến nghị các bên có tranh chấp có những quyết định kịp thời và chính xác, không đắn đo, suy tính mất nhiều thời gian. Khi có sự tư vấn, khuyên nhủ của Luật sư hoặc của người bảo vệ quyền lợi của các đương sự, các đương sự sẽ sớm hiểu ra vấn đề và sẽ sớm đi đến quyết định về các phương án giải quyết tranh chấp mà tòa án đưa ra.
Hiện nay, ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nếp suy nghĩ và cách hành động cũ là khi có tranh chấp xảy ra, chính các chủ doanh nghiệp hoặc
những người đại diện cho doanh nghiệp đến tòa án để giải quyết những vấn đề liên quan đến vụ tranh chấp. Trong khi đó, ở các nước khác trên thế giới, từ hàng trăm năm nay, Luật sư hoặc cố vấn pháp lý của lãnh đạo các doanh nghiệp thường làm việc này. Ở các nước khác, vai trò của Luật sư rất quan trọng. Họ được các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ủy quyền tham gia việc giải quyết các tranh chấp kinh tế, thương mại ngay từ đầu vụ án cho đến khi kết thúc vụ án. Các chủ doanh nghiệp đã ủy quyền cho Luật sư là đã gửi gắm niềm tin và hoàn toàn tin tưởng khả năng và trình độ của Luật sư.
Ở Việt Nam hiện nay, việc các Luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho các bên có tranh chấp chưa nhiều. Nhưng cần phải khẳng định một điều là Luật sư hoặc những người bảo vệ quyền lợi của các bên phải có quyền đại diện cho doanh nghiệp, có quyền tham gia vào mọi giai đoạn của quá trình giải quyết tranh chấp kinh tế, kể cả trong giai đoạn tòa án hòa giải vụ tranh chấp kinh tế.
Về sự có mặt hoặc vắng mặt của các đương sự và những người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan khi tòa án tiến hành hòa giải tranh chấp kinh tế, có một số điều cần được nhận thức và phân tích như sau:
Trước hết nói về sự có mặt, vắng mặt của nguyên đơn.
Tại khoản 2, Điều 36 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế có quy định: Nguyên đơn phải có mặt khi tòa án tiến hành hòa giải vụ tranh chấp. Đây là một quy định có tính bắt buộc, vì chính nguyên đơn đã nộp đơn yêu cầu tòa án thụ lý và giải quyết vụ tranh chấp. Do đó, khi tòa án tiến hành hòa giải tranh chấp kinh tế (tức là hoạt động theo yêu cầu của nguyên đơn), thì nhất thiết họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ phải có mặt tại tòa án. Nếu nguyên đơn vắng mặt vì lý do chính đáng, mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử, thì tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ
tranh chấp. tòa án sẽ tiếp tục tiến hành giải quyết vụ án khi lý do của việc tạm đình chỉ vụ án không còn.
Ngoài ra, tại điểm c, khoản 1, Điều 39, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế cũng quy định: tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án trong trường hợp "Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai