Thẩm quyền chung của Tòa án

Một phần của tài liệu Hòa giải trong giải quyết tranh chấp kinh tế tại Tòa án ở Việt Nam (Trang 69 - 71)

Điều 12 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết các vụ án kinh tế sau đây:

- Các tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa pháp nhân với pháp nhân, giữa pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh.

- Các tranh chấp giữa công ty với thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể công ty.

- Các tranh chấp liên quan đến việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu. - Các tranh chấp khác theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào các quy định về thẩm quyền chung nêu trên, khi có tranh chấp kinh tế xảy ra, trước khi đưa đơn đến Tòa án yêu cầu giải quyết thì các bên có tranh chấp phải xác định đó là tranh chấp thuộc loại nào, có thuộc một trong các loại vụ việc kể trên không.

Nếu tranh chấp thuộc về một trong các loại tranh chấp kể trên, thì vụ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Kinh tế. Nếu vụ tranh chấp không thuộc một trong các loại tranh chấp nêu trên, vụ tranh chấp sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của các Tòa án khác, thí dụ Tòa Dân sự, Tòa Lao động...

Nhưng cũng cần lưu ý rằng Điều 87 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế quy định: Đối với các tranh chấp kinh tế thuộc các loại kể trên, nhưng lại có nhân tố nước ngoài (nếu một hoặc các bên là cá nhân, pháp nhân nước ngoài), thì chỉ áp dụng pháp luật tố tụng kinh tế của Việt Nam để giải quyết, khi điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc ký kết không có quy định khác.

Pháp điển hóa các quy định pháp luật hiện hành cũng như dự liệu những quan hệ có thể xuất hiện trong tương lai, Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự đã quy định về những tranh chấp kinh tế thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Ngoài các tranh chấp giống như tranh chấp đã được quy định tại Điều 12 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, ngoài ra Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự còn quy định Tòa án có quyền giải quyết:

- Các tranh chấp về hợp đồng thương mại, hợp đồng đầu tư;

- Các tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty về hoạt động của công ty, về việc gia nhập, rút khỏi hoặc khai trừ thành viên công ty; về chia lợi tức và trách nhiệm tài sản;

- Tranh chấp giữa người điều hành công ty với công ty hoặc với các thành viên công ty;

- Tranh chấp liên quan đến việc mua bán cổ phần, chứng chỉ quỹ đầu tư..."

Một phần của tài liệu Hòa giải trong giải quyết tranh chấp kinh tế tại Tòa án ở Việt Nam (Trang 69 - 71)