Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

Một phần của tài liệu Hòa giải trong giải quyết tranh chấp kinh tế tại Tòa án ở Việt Nam (Trang 73 - 75)

Điều 14 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế quy định: Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm là Tòa án nơi bị đơn có trụ sở hoặc cư trú. Trong trường hợp vụ án chỉ liên quan đến bất động sản, thì do Tòa án nơi có bất động sản giải quyết. Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự cũng quy định rằng:

1. Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các tranh chấp trong các lĩnh vực dân sự, kinh tế... là Tòa án nơi cư trú hoặc nơi làm việc của bị đơn; Nếu bị đơn là pháp nhân, thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi pháp nhân có trụ sở chính.

2. Nếu đối tượng tranh chấp là bất động sản thì Tòa án nơi có bất động sản là Tòa án có thẩm quyền giải quyết...

Tác giả luận án cho rằng, quy định trên của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế cũng như của Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự là không khoa học, bất hợp lý vì những lý do như sau:

- Khi các tranh chấp kinh tế, thương mại xảy ra, người bị thiệt hại thường làm đơn kiện bên vi phạm hợp đồng tại Tòa án để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, nhất là những lợi ích về vật chất, kinh tế, của mình. Họ là nguyên đơn. Còn bên gây ra thiệt hại là bị đơn.

Để chuẩn bị cho việc xét xử vụ tranh chấp kinh tế, Thẩm phán và Thư ký Tòa án phải tiến hành việc tiếp xúc trực tiếp các đương sự để lấy lời khai của họ nhiều lần, tiến hành hòa giải nhiều lần cũng như tổ chức các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm.

Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế như hiện nay, nhiều khi các bên có tranh chấp ở rất xa nhau: miền Bắc - miền Nam, miền xuôi - miền ngược, vùng sâu, vùng xa... Nếu quy định Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi bị đơn có trụ sở hoặc cư trú, thì người có lợi là bị đơn (họ không phải đi xa, không phải tốn kém nhiều về thời gian, công sức và tiền bạc); còn nguyên đơn đã bị thiệt hại rồi (do bị đơn gây ra) lại còn phải chi phí thêm một khoản tiền rất lớn, mất rất nhiều thời gian và công sức để đến gặp Thẩm phán, Thư ký Tòa án, cung cấp lời khai ở Tòa án, cũng như để tham gia hòa giải và tham gia phiên tòa xét xử. Điều đó gây ra sự không công bằng và gây thêm thiệt hại có khi rất lớn cho bên nguyên đơn.

Tác giả luận án cho rằng: nên quy định trong mọi trường hợp, nguyên đơn có quyền đề nghị Tòa án nơi nguyên đơn hoặc bị đơn có trụ sở chính giải quyết vụ tranh chấp. Nếu bị đơn cố tình không chịu có mặt tại Tòa để giải quyết vụ án, thì Tòa án có thể áp dụng việc yêu cầu cảnh sát tư pháp dẫn giải bị đơn đến Tòa, phạt tiền đối với bị đơn hoặc xét xử vắng mặt bị đơn.

Ngoài ra, việc Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế quy định rằng Tòa án nơi có bất động sản xét xử vụ án có tranh chấp về bất động sản cũng không thích hợp, bởi vì có thể có trường hợp cả nguyên đơn và bị đơn cùng ở một nơi, nhưng tài sản có tranh chấp lại ở một địa phương khác rất xa (Ví dụ: tài sản ở miền Nam và các bên lại ở miền Bắc), thì các

bên nguyên đơn và bị đơn sẽ rất tốn kém về nhiều mặt, nếu các bên lại phải đến tham gia việc giải quyết tranh chấp ở Tòa án nơi có tài sản.

Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự cũng đã quy định về vấn đề này như sau:

...Tòa án sẽ xét xử vắng mặt bị đơn nếu triệu tập họ tham dự phiên tòa hai lần liên tiếp mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng.

Trong trường hợp bị đơn cố tình không chấp hành việc triệu tập của Tòa án, thì Tòa án có thể áp dụng biện pháp phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng.

Tác giả luận án cho rằng, những quy định này cũng đã có sự đổi mới hơn so với các quy định trước đây, nhưng như vậy cũng vẫn chưa đủ và chưa thực sự công bằng, chưa thực sự khoa học.

Một phần của tài liệu Hòa giải trong giải quyết tranh chấp kinh tế tại Tòa án ở Việt Nam (Trang 73 - 75)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(183 trang)
w