giải quyết kiến nghị, phản ảnh của nhân dân
Luật khiếu nại, tố cáo quy định rất nhiều nội dung: khiếu nại, tố cáo kiến nghị phản ánh... Do yêu cầu thực tiễn nên những vấn đề này được điều chỉnh chung trong một văn bản pháp luật. Tuy nhiên, mỗi vấn đề có đặc điểm, tính chất, yêu cầu giải quyết khác nhau và cần phải được điều chỉnh bởi những văn bản pháp luật riêng. Vì vậy trong thời gian tới:
- Đưa nội dung khiếu nại quyết định kỷ luật điều chỉnh ở một văn bản pháp luật khác ngoài Luật khiếu nại, tố cáo. Vì tuy là khiếu nại về quyết định hành chính song khiếu nại kỷ luật đối với cán bộ, công chức là nội dung gắn liền với những quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và nằm trong hoạt động quản lý nội bộ của các cơ quan nhà nước. Còn khiếu nại quyết định hành chính cá biệt của công dân, tổ chức đối với quyết định hoặc việc làm của cơ quan hành chính, công chức hành chính trong khi thi hành nhiệm vụ công vụ có tính chất, đặc điểm, phương pháp giải quyết khác nên nó phải được điều chỉnh ở văn bản pháp luật riêng.
- Đối với các kiến nghị phản ảnh của người dân, đó là việc thể hiện ý chí, nguyện vọng của quần chúng đối với các cơ quan nhà nước về công tác quản lý, tình hình chấp hành chính sách, pháp luật v.v … nên liên quan đến trách nhiệm tiếp nhận và xử lý của nhiều cơ quan nhà nước, không giống như việc giải quyết khiếu nại quyết định hành chính cá biệt, do đó nội dung này cần được điều chỉnh ở một văn bản pháp luật độc lập. Đó là luật về trưng cầu dân ý. Nghị quyết Đại hội Đảng IX đã khẳng định: "Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng, khắc phục mọi biểu hiện dân chủ hình thức. Xây dựng Luật trưng cầu dân ý" [6, tr. 134].
- Đối với những khiếu nại của nhiều người hay của một tập thể quần chúng nhân dân ở một vùng dân cư, một địa bàn đối với những chủ trương, chính sách, một văn bản pháp luật nào đó của các cơ quan nhà nước thì không giống với khiếu nại đối với quyết
định hành chính cá biệt. Do đó những loại việc này cũng cần phải điều chỉnh ở một văn bản pháp luật độc lập, đó là Luật về biểu tình.
- Đối với khiếu nại liên quan đến văn bản pháp quy (văn bản Luật, pháp lệnh...) trái với các văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn hoặc trái với quy định của Hiến pháp có tính chất, đặc điểm và việc xem xét giải quyết khác với việc khiếu nại đối với quyết định hành chính cá biệt. Do đó cũng cần phải được điều chỉnh bởi một văn bản pháp luật riêng. Điều đó đặt ra việc nghiên cứu thiết lập Tòa án Hiến pháp ở nước ta trong thời gian tới. Định hướng này nằm trong Chương trình nghiên cứu xây dựng pháp luật của các cơ quan chức năng của Quốc hội.